Hà Nội, Thứ Ba Ngày 23/04/2024

Thất thoát ngân sách từ các dự án BT, doanh nghiệp vẫn đua nhau xin làm

Theo DTVN/SHTT 13:18 04/03/2020

Nếu các dự án BOT, BT thời gian qua không được kiểm toán thì số tiền thất thoát sẽ rất lớn.

Tại hội thảo khoa học “Dự án PPP và vai trò của Kiểm toán Nhà nước”, ông Lê Tùng Lâm- Phó Chánh Văn phòng KTNN cho biết, tính đến cuối năm 2018, cả nước đã thực hiện 336 dự án PPP, trong đó có 140 dự án hợp đồng BOT, 188 dự án hợp đồng BT và 8 dự án áp dụng hợp đồng khác.

Có thể nói, các dự án BT thời gian qua đã góp phần quan trọng về việc cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống đường giao thông, trụ sở làm việc, cơ sở hạ tầng đô thị, chẳng hạn như: Quốc lộ 1A, Nhà máy nước, trụ sở làm việc các cơ quan hành chính… Tuy nhiên, các dự án đầu tư PPP trong thời gian qua đã bộc lộ một số sơ hở, thiếu sót, là lỗ hổng gây thất thoát ngân sách nhà nước.

Hải Phát và Văn Phú là 2 doanh nghiệp bắt tay thực hiện nhiều dự án BT

Từ năm 2016 đến năm 2019, KTNN đã thực hiện kiểm toán 84 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT giao thông và 50 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT. Kết quả kiểm toán cho thấy, với 84 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT giao thông, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 4.684,4 tỷ đồng, bằng 3,4% tổng giá trị được kiểm toán, trong đó nhiều dự án có tỷ lệ xử lý tài chính lớn từ 11% đến 13% giá trị được kiểm toán.

Đồng thời, KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn so với phương án ban đầu của 81 dự án là 300 năm, trong đó có dự án giảm thời gian nhiều nhất là 13 năm 1 tháng 12 ngày. Đối với kiểm toán 50 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 9.102 tỷ đồng, bằng 13,78% tổng giá trị được kiểm toán, trong đó có những dự án tỷ lệ kiến nghị xử lý tài chính lớn từ 27% đến 29% giá trị được kiểm toán.

Theo Kiểm toán Nhà nước, nếu các dự án BOT, BT thời gian qua không được kiểm toán thì số tiền thất thoát sẽ rất lớn, mức độ chịu phí sẽ đè nặng lên người dân, doanh nghiệp và Ngân sách Nhà nước sẽ thất thoát lớn.

Nhận xét về đầu tư theo hình thức PPP, tại hội thảo, TS. Nguyễn Minh Phong đã liệt kê những điểm mấu chốt tạo nên sức hấp dẫn với nhà đầu tư và cũng là kẽ hở đáng quan ngại của quản lý nhà nước đối với dự án BT.

Đó là việc chủ đầu tư được giành quyền chủ động dẫn dắt cuộc chơi do các dự án BT hầu hết đều được chỉ định thầu và dễ “bắt tay” thương lượng với cơ quan quản lý, từ lựa chọn dự án, xác định tổng mức đầu tư, thực hiện và quyết toán dự án. Hơn nữa, việc giám sát chất lượng công trình BT, dù áp dụng như với dự án đầu tư công, nhưng khá lỏng lẻo do DN tự giám sát, quản lý hoặc thuê tư vấn,...

Điểm mặt đặt tên những ông lớn với chiêu thâu tóm đất vàng

Vài năm gần đây, Văn Phú Invest đang nổi lên như một “ông lớn” trong làng bất động sản Việt Nam bằng việc thực hiện một loạt các dự án BT.

Theo những thông tin giới thiệu trên website, tiền thân của Văn Phú Invest là chi nhánh tại Hà Nội của Công ty Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nhà Quảng Ninh do Nhà nước làm chủ sở hữu, hoạt động độc lập trong các lĩnh vực tư vấn đầu tư, kinh doanh, xây dựng và phát triển bất động sản.

Năm 2008, Công ty Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nhà Quảng Ninh cổ phần hóa, chuyển thành công ty cổ phần và đổi tên thành Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest.

Văn Phú Invest hoạt động trong các lĩnh vực đầu tư, phát triển các dự án, quản lý và kinh doanh bất động sản, tư vấn đầu tư, thiết kế, thi công, giám sát các công trình dân dụng, công nghiệp, giao thông và thủy lợi, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng, sản xuất và kinh doanh đồ gỗ, nội thất công trình.

Không chỉ nổi tiếng với các dự án bất động sản, Văn Phú Invest cũng là cái tên khá quen thuộc khi xuất hiện tại nhiều dự án hạ tầng trong cả nước; trong đó chủ yếu là các dự án BT (Xây dựng – Chuyển giao). Bằng việc đề xuất và xây dựng các dự án theo hình thức này, Văn Phú Invest đã thâu tóm hàng nghìn m2 “đất vàng” tại Hà Nội và TP.HCM.

Năm 2011, Văn Phú - Invest chính thức đặt chân vào lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản theo phương thức BT, đổi đất lấy hạ tầng khi ký hợp đồng BT thực hiện dự án xây dựng trường Đại học Kỹ thuật Hậu cần Công an Nhân dân – Bộ Công An. Bằng việc xây dựng dự án này, Văn Phú Invest đã nhận được quỹ đất 1,7ha đối ứng tại Cầu Giấy, Hà Nội.

Tiếp đó, năm 2015, Văn Phú Invest ký hợp đồng BT thực hiện dự án đầu tư xây dựng trụ sở mới Trường Đại học Y tế Công cộng – Bộ Y tế, đổi lại đơn vị này cũng nhận được quỹ đất đối ứng tại địa chỉ 138B Giảng Võ, Q. Ba Đình, Hà Nội có diện tích 9.031m2.

Tại TP.HCM, cái tên Văn Phú Invest cũng góp mặt tại dự án đường kết nối Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa – Quốc lộ 1 (quận Thủ Đức).

Còn nhớ, ngày 17/6/2018, tại Hội nghị “Hà Nội 2018 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”, UBND TP Hà Nội đã trao quyết định đầu tư dự án xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông cho liên danh Công ty CP đầu tư Văn Phú Invest và Công ty CP đầu tư Hải Phát.

Kinh phí thực hiện dự án này là 1.961 tỷ đồng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Đổi lại, Hải Phát và Văn Phú Invest sẽ được nhận quỹ đất có diện tích lên tới 68 ha. Gồm: Khu đô thị Bắc Lãm (41,84 ha); khu chức năng đô thị Kiến Hưng (7,568 ha); khu nhà ở Phú Lãm (12,92 ha); khu nhà ở Hà Cầu (2,3 ha); khu nhà ở Dương Nội (2,55 ha) và khu nhà ở cao tầng Kiến Hưng (0,998 ha).

Trước đó, dự án xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, đề xuất dự án đã được UBND TP phê duyệt năm 2010.

Dự án BT gây ra nhiều thất thoát cho ngân sách nhà nước song các Doanh nghiệp vẫn đua nhau xin thực hiện. Quá trình xin đất đổi dự án có nhiều điều không minh bạch

Theo đó, nhà đầu tư sẽ xây dựng đồng bộ 5 tuyến đường (tuyến 2, 3, 4, 6, 7) với tổng chiều dài khoảng 6,2 km, mặt cắt ngang từ 17 - 40m, thuộc địa bàn các phường Văn Quán, Phúc La, Kiến Hưng, Phú Lãm, Phú Lương, Dương Nội, quận Hà Đông và 2 xã Đông La, La Phù, huyện Hoài Đức.

Cụ thể, tuyến số 2 có chiều dài khoảng 0,5 km, chiều rộng 18,5m; Tuyến số 3 có chiều dài khoảng 0,43 km, chiều rộng 23,25m; Tuyến số 4 có chiều dài khoảng 1,78 km, chiều rộng 24m; Tuyến số 6 có chiều dài khoảng 1,54 km, chiều rộng 40m; Tuyến số 7 có chiều dài khoảng 1,91 km, chiều rộng 17m.

Vinhomes - một thành viên của Tập đoàn Vingroup, vừa đăng ký lập đề xuất đầu tư 2 dự án xây dựng hạ tầng giao thông tại Hưng Yên theo hình thức hợp tác xây dựng chuyển giao (BT). Dự án đối ứng thanh toán là Khu đô thị Đại An, đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500.

Dự án BT đầu tiên là đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3,5 đoạn từ đường ĐT.379 đến giao QL.5. Dự án có tổng chiều dài gần 6.215 m với điểm đầu thuộc thị trấn Văn Giang, điểm cuối thuộc xã Trưng Trắc, huyện Văn Lâm. Mặt cắt đường là 60 m.

Dự án BT thứ 2 là đầu tư xây dựng tuyến đường ĐT.382B hai bên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, đoạn từ giáp ranh giới Hà Nội đến giao QL.39. Điểm đầu tuyến thuộc xã Cửu Cao, huyện Văn Giang, kết thúc tại xã Lý Thường Kiệt, huyện Yên Mỹ. Chiều dài tuyến đường 14,5 km với quy mô 6 làn xe.

Nếu đề xuất được tỉnh Hưng Yên chấp thuận, khu đô thị Đại An sẽ được giao lại cho Vinhomes.

Bạn đang đọc bài viết Thất thoát ngân sách từ các dự án BT, doanh nghiệp vẫn đua nhau xin làm tại chuyên mục Pháp luật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp luật