Còn chị Đinh Thị Nẩy (ở thôn Tà Vây, xã Sơn Long) cũng vừa đến UBND xã nhận tiền hỗ trợ Covid-19 nhưng đã bị ngân hàng trừ tiền nợ trước đó vay vốn làm nhà.
“Tôi cứ nghĩ đến nhận tiền Nhà nước hỗ trợ tiền Covid-19, nhưng khi đến nhận tiền thì bị cấn nợ ngân hàng”, chị Nẩy cho hay.
Theo ông Đinh Minh Thảo - Bí thư kiêm trưởng thôn Tà Vay cũng là tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn của hội Cựu chiến binh ở thôn này, thì thời gian qua, do cuộc sống người dân còn thiếu thốn, khó khăn nên hiện trên địa bàn thôn vẫn còn nhiều người dân vay tín dụng Ngân hàng Chính sách xã hội về việc xây nhà, trồng trọt, chăn nuôi…
“Trong số các hộ vay, không ít người hiện vẫn chưa thể hoàn trả lãi và gốc vay ngân hàng. Vì thế khi biết người dân nhận tiền hỗ trợ Covid-19 nên tổ vay vốn đã ứng trực tại UBND xã, khi người dân vừa ký nhận tiền thì nhân viên tổ vay vốn bảo người dân trừ nợ. Nếu không trả thì nợ sẽ càng nhiều”, ông Thảo nói.
Theo thông tin do phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Tây cung cấp, trong tháng 5/2020, riêng tại tổ vay vốn do ông Đinh Minh Thảo làm tổ trưởng, số tiền lãi thực thu trong tháng lên đến hơn 15 triệu đồng với 38 hộ vay, trong số này có 6 hộ đóng tiền lãi trên 1 triệu đồng.
Chung tình trạng như ở Sơn Long, việc vận động dùng tiền hỗ trợ Covid-19 để trả nợ ngân hàng còn xảy ra ở nhiều xã khác trên địa bàn huyện Sơn Tây. Ông Đinh Xuân Sơn - Trưởng thôn Gò Lã, xã Sơn Dung, cũng là tổ trưởng tổ vay vốn thuộc đoàn thanh niên ở thôn này thừa nhận: “Chúng tôi bảo người dân trừ nợ tiền ngân hàng đã vay trước đó”.
Đúng hay sai?
Ông Đỗ Thanh Vượt - Chủ tịch UBND xã Sơn Long cho biết: “Quan điểm của xã là chi đúng người, đúng tiền, khi chi tiền có cử người giám sát. Còn chuyện người dân được vận động sử dụng số tiền này để trả tiền lãi ngân hàng thì cái đó không rõ. Tuy nhiên, việc vận động tiền hỗ trợ do ảnh hưởng Covid-19 để trả nợ ngân hàng rõ ràng là sai rồi”.
Ông Đinh Quang Ven - quyền Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây xác nhận: “Đúng là có tình trạng vận động sử dụng tiền hỗ trợ để trả nợ ngân hàng, việc này là sai nhưng chính quyền không có chủ trương về việc đó. Nếu người dân nhận tiền và tự nguyện trả tiền ngân hàng thì không sao, nhưng nếu vận động thì không được”.
|
Ông Trần Minh Thứ - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Tây. |
Về phía Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Tây, ông Trần Minh Thứ - Giám đốc Phòng giao dịch của huyện này cho rằng: “Tôi không biết chuyện vận động trả tiền, tổ vay vốn làm chứ trên này chúng tôi không có chủ trương. Tiền đã thu không thể trả lại, nếu có tình trạng trên và bây giờ người dân muốn lấy lại số tiền hỗ trợ thì chúng tôi sẽ đề nghị lãnh đạo cấp trên xem xét, xử lý”.
Cũng theo ông Thứ, hiện trên địa bàn huyện Sơn Tây, tổng dư nợ theo các kênh vay hơn 115 tỷ đồng với 4.940 hộ dư nợ. Ngân hàng có ủy thác với các đoàn thể để triển khai cho vay và thu hồi nợ. Đồng thời, ngân hàng và tổ trưởng tổ vay vốn có ký kết giao ước và đề ra chỉ tiêu thu hồi 100% tiền lãi hàng tháng. Trước khi xảy ra “lùm xùm” vận động dùng tiền hỗ trợ Covid-19 để trả nợ, việc thu hồi lãi trên địa bàn huyện qua đạt rất thấp nên các tổ trưởng tổ vay vốn cũng không được đánh giá, xếp loại cao.
Được biết, tổng kinh phí huyện Sơn Tây được phân bổ để hỗ trợ cho đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19 khoảng 8,94 tỷ đồng. Trong đó tiền hỗ trợ người có công, đối tượng bảo trợ xã hội là 1,795 tỷ đồng; người nghèo và cận nghèo trên 7,145 tỷ đồng... Việc chi trả cho các đối tượng trên đã được cấp, ngành của huyện hoàn thành vào cuối tháng 5/2020 vừa qua.
Theo Kinh tế Đô thị