Theo đơn phản ánh của bà Lý Ái Phương (ngụ Quận 11, TP.HCM) gửi đến các cơ quan báo chí, bà Phương có đặt mua 3 căn hộ tại dự án Oyster Ganhhao ở Phường 5 (TP Vũng Tàu) của Công ty Cổ phần Tập đoàn Vietpearl (phường Thảo Điền, Quận 2, TP.HCM).
Cụ thể, thông qua nhân viên kinh doanh của Công ty Vietpearl, bà Phương được tư vấn mua 3 căn hộ tại đây với tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng.
Dự án Condotel Oyster Ganhhao hiện đang xây dựng tại TP Vũng Tàu |
Ngày 28/5/2019, bà Phương đặt cọc và thanh toán cho Vietpearl tổng số tiền là hơn 900 triệu đồng để nhận 3 căn thuộc dự án này. Đến tháng 6/2019, bà Phương mới thực hiện ký kết 3 hợp đồng với Vietpearl.
“Lúc này hợp đồng lại thể hiện là tôi nhận 3 Unit Hotel, tôi có thắc mắc về việc tại sao không ký kết hợp đồng mua bán căn hộ thì được nhân viên bên phía Vietpearl trấn an rằng việc ký kết hợp đồng hợp tác hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc mua bán căn hộ đối với dự án này. Lúc này tôi đã chuyển tiền rồi, lại không nghĩ đây là dự án Condotel nên đồng ý ký”, bà Phương cho biết.
Sau đó, bà Phương phát hiện đây là dự án Condotel mang tên Cao ốc Vietpearl Unit Hotel nhưng được chủ đầu tư đổi thành tên thương mại là Oyster Ganhhao. Đồng thời, những người “hợp tác” với chủ đầu tư tại đây cũng không được cấp quyền sử dụng riêng cho từng căn hộ. Trong khi đó, các dự án Condotel cũng đang bị các cơ quan chức năng cảnh báo. Nhận thấy rủi ro đối với dự án này, bà Phương có đơn đề nghị Vietpearl hoàn trả lại toàn bộ số tiền mà bà đã thanh toán.
Bà Phương cũng cho biết sẽ hỗ trợ một phần số tiền đã thanh toán để chia sẻ khó khăn với phía Vietpearl. Thế nhưng điều khiến bà thất vọng là Vietpearl không có thiện chí hoàn trả tiền.
“Họ nói tôi phải mất 15% số tiền đã đóng mới đồng ý thanh lý hợp đồng, nhưng ngay từ đầu phía công ty đã đánh tráo khái niệm về dự án để khách hàng bị nhầm lẫn. Việc tôi đồng ý hỗ trợ chi phí cho công ty là thiện chí, chấp nhận thiệt thòi dù không mua được căn hộ như mong muốn”, bà Phương nhấn mạnh.
Tên thương mại gây nhầm lẫn
Theo tìm hiểu của PV Sohuutritue.net, khu đất mà dự án Oyster Ganhhao tọa lạc từng là vị trí để xây dựng khách sạn Eden Rock do ông Trần Hữu Thành làm chủ đầu tư. Ông Thành được Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp Giấy phép xây dựng số 26/GPXD từ năm 2012.
Đến tháng 10/2018, ông Thành chuyển dự án xây khách sạn này cho Công ty Vietpearl, đồng thời tên dự án cũng được chuyển thành Cao ốc Vietpearl Unit Hotel.
Mãi đến ngày 10/7/2019, Công ty Cổ phần Vietpearl được Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp giấy phép xây dựng số 38/GPXD-SXD cho phép xây dựng Cao ốc Vietpearl Unit Hotel dựa trên giấy phép cũ đã cấp.
Ngày 27/11/2019, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mới có Quyết định số 3225/QĐ-UBND về việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án Cao ốc Vietpearl Unit Hotel của Công ty Vietpearl. Chủ trương đầu tư của dự án này là xây dựng khách sạn, căn hộ du lịch để “sử dụng vào mục tiêu thương mại, dịch vụ, không sử dụng vào mục đích đất ở…”. Trong khi đó, bà Phương đã được tư vấn và ký hợp đồng hợp tác các căn hộ tại dự án với Công ty này vào ngày 1/6/2019.
Việc tự ý thay đổi tên dự án khiến khách hàng nhầm tưởng đây là hợp đồng mua bán căn hộ để ở. |
Trong câu trả lời với bà Phương, Vietpearl cho rằng đơn vị này được quyền xây dựng “Cao ốc Vietpearl Unit Hotel” tại thời điểm thực hiện ký kết hợp đồng vì đã được Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công nhận là chủ đầu tư từ năm 2018. Tuy nhiên, hợp đồng mà bà Phương ký với Vietpearl là hợp đồng để “hợp tác” 3 căn hộ nghỉ dưỡng do công ty này phân phối chứ không phải là các phòng khách sạn theo giấy phép xây dựng cũ. Vì đến tận tháng 7/2019, Công ty này mới có giấy phép xây dựng mới và được chấp nhận chủ trương đầu tư Condotel vào tháng 11/2019.
Đồng thời, hợp đồng hợp tác được ký kết thể hiện, dự án này là Tòa nhà Oyster Ganhhao. Việc tự ý thay đổi tên dự án khiến khách hàng nhầm tưởng đây là hợp đồng mua bán căn hộ để ở.
Trong nội dung hợp đồng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Vietpearl còn yêu cầu bà Phương phải thanh toán mức phí quản lý vận hành tòa nhà với đơn giá 20.000 đồng/m2/tháng. Công ty Vietpear cũng yêu cầu bà Phương phải đóng 2% kinh phí bảo trì và phải gửi vào tài khoản riêng của bên phía Công ty Vietpearl.
Liên quan đến sự việc này, Sở Xây Dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đơn vị đã nhận được đơn kêu cứu khẩn cấp của bà Phương và chuyển cho thanh tra Sở xử lý.
Trụ sở đăng ký kinh doanh của Vietpearl luôn đóng cửa |
Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết sự việc giữa bà Phương và Công ty Cổ phần Tập đoàn Vietpearl là tranh chấp hợp đồng mua bán căn hộ, không thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng. Thanh tra Sở đề nghị bà Phương có đơn gửi đến Tòa án để được xem xét, giải quyết theo quy định của bộ luật tố tụng dân sự.
Để làm rõ thông tin, PV đã tìm đến trụ sở đăng ký kinh doanh của Công ty Vietpearl ở 215-B1 Nguyễn Văn Hưởng (phường Thảo Điền, Quận 2, TP.HCM). Tuy nhiên, địa chỉ này không có bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động. Theo người dân xung quanh, ngôi nhà này thường xuyên đóng cửa và rất ít người ra vào.