Chia sẻ với báo chí bên lề hội thảo về quy hoạch điện 8 ngày 8/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng xác nhận, Bộ Công Thương đang nghiên cứu phương án giá bán lẻ điện sinh hoạt 1 bậc bên cạnh phương án biểu giá bán lẻ điện bậc thang sửa đổi.
Đây cũng là phương án VietNamNet đã đề cập như một giải pháp để hạn chế những băn khoăn của người dân liên quan đến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt.
Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, đơn giá trong trường hợp này sẽ được xây dựng dựa trên giá điện bình quân 1.864,44 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Trường hợp người tiêu dùng chọn phương án giá điện nào thì sẽ được ngành điện áp dụng phương án đó cho tới khi có biểu giá mới.
Giá bán lẻ điện sinh hoạt sẽ có những phương án thay đổi đáng kể. |
"Mức giá của phương án một giá đang được cân nhắc, nhưng chắc chắn sẽ cao hơn giá điện bình quân hiện nay, 1.864,44 đồng một kWh. Tuần sau, Bộ sẽ họp rà soát lại và có báo cáo lần cuối, đưa ra lấy ý kiến trước khi trình Thủ tướng vào cuối năm nay", ông Vượng nói.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đồng quan điểm với phương án đang được Bộ Công Thương vì "có tính linh hoạt cao".
Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên tắc thiết kế giá điện 1 bậc là bậc giữa của phương án nhiều bậc sẽ bằng giá bán trung bình của EVN. Các bậc thấp giá thấp hơn giá bình quân, các bậc cao giá cao hơn bình quân. Giá bậc giữa cũng là giá của phương án 1 bậc.
Cho nên, khách hàng dùng ít sẽ có xu hướng chọn phương án nhiều bậc để khi họ sử dụng ít sẽ trả ít hơn giá bình quân. Còn khách hàng dùng nhiều sẽ chọn 1 bậc để tránh các bậc giá cao.
Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, tính toán ban đầu cho thấy, những người sử dụng nhiều điện, trên 400 kWh, sẽ chọn phương án một giá điện. Trong khi đó, những người sử dụng bình quân dưới 400 kWh, hiện chiếm 70-80% tổng số lượng khách hàng, có thể sẽ chọn biểu giá điện bậc thang do vẫn được hưởng lợi hơn.
"Phương án nào cũng có mặt được và không được, do đó phải tính toán tổng thể đối tượng nào trong xã hội chịu tác động. Với chính sách giá điện bậc thang hiện nay, những người thu nhập thấp sử dụng dưới 300 kWh vẫn có lợi hơn", ông nói thêm.
Trả lời câu hỏi của PV. VietNamNet về tác động của phương án này đến doanh thu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Hoàng Quốc Vượng cho rằng, nếu nhiều người sử dụng điện chọn phương án 1 bậc ít nhiều ảnh hưởng đến doanh thu của EVN. Song, theo ông, xét tổng thể thì dù với phương án giá nào, tổng doanh thu trên số điện thương phẩm thì giá điện thu được cũng bằng giá bình quân của hệ thống điện để đảm bảo hài hoà lợi ích.
Thực tế, khi lên kế hoạch thay đổi biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt, Bộ Công Thương cũng đã tính tới phương án áp dụng giá điện 1 bậc, với mức giá điện đồng giá là 1.897 đồng/số.
Với phương án này, lượng khách hàng được cho là có thu nhập cao với mức tiêu thụ điện từ 300 số trở lên sẽ có lợi khi phải trả mức giá thấp hơn rất nhiều so với số khách hàng dùng điện dưới 300 số. Cụ thể, có 3,6 triệu hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 201 kWh/tháng đến 300, số tiền điện phải trả giảm từ 8.000 đồng/hộ/tháng. Ngoài ra, có hơn 3,1 triệu hộ dùng điện từ 301 số trở lên có mức tiền điện giảm từ 80.000-330.000 đồng/tháng.
Trong khi đó, điều đáng lưu ý là 18,6 triệu hộ sử dụng từ 0-200 kWh/tháng, tiền điện bị tăng từ 17.000 đến 36.000 đồng/hộ/tháng.
Do đó, nếu phương án áp dụng 1 bậc và nhiều bậc được áp dụng cùng lúc, những hộ dân dùng điện ít cũng phải đặc biệt lưu ý đến các con số tính toán kể trên để lựa chọn “gói điện” phù hợp, tránh việc phải trả tiền điện cao hơn. Bởi trong hoàn cảnh thực tế của Việt Nam, giá điện nhiều bậc vẫn là phương án “tiết kiệm” hơn giá điện 1 bậc, không chỉ tiết kiệm tài nguyên mà còn là tiết kiệm túi tiền của những người dân có thu nhập thấp.
Theo Vietnamnet