Hà Nội, Thứ Tư Ngày 04/12/2024

Vĩnh Phúc: Dự án của Tập đoàn FLC bị tố lấn chiếm đất của người dân

TDVN 09:15 13/07/2021

Hàng loạt những kiến nghị, phản ánh của người dân thôn An Lão (xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) về Tập đoàn FLC trong quá trình triển khai dự án Khu văn hóa đa năng Vĩnh Thịnh - An Tường...

Mô hình Disneyland đã lấn chiếm đất nông nghiệp của người dân được gửi lên các cơ quan chức năng, tuy nhiên đến nay nhiều nội dung vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, gây bức xúc cho người dân.

Trao đổi với báo Đại Đoàn kết, bà Vũ Thị Hoài và nhiều người dân thôn An Lão ở xã Vĩnh Thịnh cho biết: Thời gian vừa qua người dân đã liên tục phản ánh đến các cấp, ngành có thẩm quyền và cơ quan báo chí về việc Tập đoàn FLC khi tiến hành thi công xây dựng dự án Khu văn hóa đa năng Vĩnh Thịnh - An Tường mô hình Disneyland, đã lấn chiếm đất nông nghiệp của người dân tại Sứ Đồng Trũng Trì.

Cụ thể trong quá trình triển khai dự án, Tập đoàn FLC đã lấn chiếm một phần diện tích đất nông nghiệp của người dân bằng việc rào kín tôn lấn chiếm đường đi, thực hiện bơm cát ngoài Sông Hồng vào dự án làm ảnh hưởng đến hệ thống mương dẫn nước, trên phần đất của người dân, doanh nghiệp đã ngang nhiên tiến hành thi công, đổ cát, ép cọc bê tông, xây dựng nhiều hạng mục công trình trái phép.

Dự án Khu văn hóa đa năng Vĩnh Thịnh- An Tường của Tập đoàn FLC lấn chiếm đất nông nghiệp của người dân.



Bà Vũ Thị Hoài cùng các hộ dân có diện tích đất tại Sứ Đồng Trũng Trì bức xúc: Đây là đất nông nghiệp của người dân chúng tôi được Nhà nước giao theo Nghị định 64/CP của Chính phủ, năm 1993 do cơ cấu dồn ghép ruộng đất.

Năm 1996, thôn thống nhất mỗi khẩu để lại 2 thước = 48 m2 tại Sứ Đồng Trũng Trì, hàng năm cho thầu lấy tiền làm công trình phúc lợi trong thôn, thôn An Lão là thôn được dồn ghép năm 2019 từ 2 thôn An Lão Trên và An Lão Giữa.

Đầu năm 2014, tại thôn An Lão Trên cho ông Đặng Quang Hưng thầu với diện tích 12.960 m2 trong vòng 10 năm để nuôi trồng thủy sản tại Sứ Đồng Trũng Trì. Tuy nhiên, đến năm 2017, ông Hưng tự nguyện làm đơn xin thanh lý hợp đồng, khi đó ông Nguyễn Tiến Thực (trưởng thôn cũ) và ông Vũ Quang Kiếm (bí thư thôn cũ) đã tự ý thanh lý hợp đồng nhưng không thông qua dân.

Ông Thực không trả đất cho thôn mà tự ý để 3 hộ gia đình lấn chiếm đất của dân, đó là ông Hưng thôn An Lão, ông Kiên thôn Hệ, ông Huy thôn Muôn Trì nuôi cá và trồng cây trong suốt 4 năm qua.

Tại thôn An Lão Giữa cho 3 ông Đặng Quang Cường (3.720 m2), Nguyễn Văn Kiên (5.040 m2), Đàm Hữu Yến (3.720 m2) thầu diện tích đất của thôn tại Sứ Đồng Trũng Trì, trong hợp đồng thầu ghi rõ khi chuyển nhượng cho người khác phải thông qua dân.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, người dân tá hỏa khi phát hiện một phần lớn diện tích đất nông nghiệp của người dân thôn An Lão (gồm An Lão Trên và An Lão Giữa - 2 thôn cũ) của người dân cho các hộ gia đình thầu bị Tập đoàn FLC dùng máy móc, xe cơ giới, máy hút cát từ sông Hồng vào để tiến hành san lấp mặt bằng, rào tôn, ép cọc bê tông, trồng nhiều cây trên phần đất của người dân.

Ngay khi phát hiện sự việc người dân đã đi tìm hiểu thì được biết các gia đình thầu đất của người dân đã tự ý chuyển nhượng bán cho Tập đoàn FLC để làm dự án. Người dân đã mang đơn đi cầu cứu từ chính quyền xã đến huyện, tỉnh thậm chí cả Trung ương.

Phần đất nông nghiệp của người dân bị dự án của Tập đoàn FLC rào tôn lấn chiếm.



Để tìm hiểu rõ nội dung phản ánh của người dân, PV chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Phùng Xuân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh, ông cho biết: Sự việc người dân phản ánh là đúng, phần diện tích đất người dân phản ánh Nhà nước không có chủ trương thu hồi.

Về việc Tập đoàn FLC trong quá trình xây dựng dự án đã lấn chiếm và xây dựng một số công trình trên phần đất của người dân thôn An Lão tại Sứ Đồng Trũng Trì trái phép, UBND xã cũng tiến hành kiểm tra, lập biên bản và nhiều lần báo cáo lên cấp trên, đồng thời mời bên phía doanh nghiệp về làm việc trực tiếp với người dân để có sự đồng thuận giữa 2 bên, nhưng đến nay phía doanh nghiệp nhiều lần thất hẹn không đến.

Liên quan đến vụ việc, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng có văn bản số 2926/UBND- TD5 ngày 27/4/2021 về viêc giải quyết đơn của bà Vũ Thị Hoài cùng các công dân ở xã Vĩnh Thịnh, về nội dung phản ánh Tập đoàn FLC rào tôn, ép cọc bê tông lấn chiếm đất của người dân, UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Vĩnh Tường chỉ đạo xem xét ra quyết định đình chỉ ngay đối với hành vi thi công xây dựng trái pháp luật trên diện tích đất của người dân trước ngày 15/5/2021.

Về nội dung đề nghị giải quyết hợp đồng giao thầu của các hộ dân với ông Cường, ông Yến và ông Kiên vì đã vi phạm hợp đồng giao thầu thì giao UBND huyện Vĩnh Tường hướng dẫn người dân khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Vĩnh Tường.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, UBND huyện Vĩnh Tường cũng đã vào cuộc làm rõ thông tin phản ánh của người dân, ra nhiều văn bản chỉ đạo yêu cầu UBND xã Vĩnh Thịnh thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh.

Tuy nhiên, đến nay tại vị trí diện tích đất nông nghiệp của người dân tại Sứ Đồng Trũng Trì hàng rào tôn vẫn còn nguyên vẹn, phía bên trong hàng rào tôn, phần diện tích đất nông nghiệp của người dân vẫn đang được đơn vị thi công của Tập đoàn FLC tiến hành xây dựng rầm rộ trong sự phẫn nộ của người dân.

Trước sự việc ngang nhiên "chiếm đoạt" sinh kế của bà con nông dân vốn dĩ dựa vào những thửa đất nông nghiệp để phát triển ngành chăn nuôi bò sữa - một thế mạnh đem lại nguồn kinh tế ổn định cho xã Vĩnh Thịnh, đã khiến người dân vô cùng bức xúc, khiếu kiện kéo dài cùng với sự “bất lực” của chính quyền sở tại.

Thiết nghĩ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cần vào cuộc một cách quyết liệt hơn nữa để xử lý triệt để vi phạm nêu trên, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời trả lại đất cho người dân canh tác để ổn định cuộc sống.

Theo Đại Đoàn Kết

Link gốc : http://daidoanket.vn/vinh-phuc-du-an-cua-tap-doan-flc-bi-to-lan-chiem-dat-cua-nguoi-dan-5657286.html?fbclid=IwAR3zoZlkW14amyYAZLvJA7U3lLAzJqfE3x4NSW6KPiUPzy3L5s-BpyYyCR0

Bạn đang đọc bài viết Vĩnh Phúc: Dự án của Tập đoàn FLC bị tố lấn chiếm đất của người dân tại chuyên mục Pháp lý bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp lý bất động sản