Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 23/11/2024

CEO Group huy động hàng trăm tỷ từ trái phiếu, những rủi ro nào đang chờ phía trước?

SỞ HỮU TRÍ TUỆ 13:49 21/12/2020

Tháng 6/2020, CEO Vân Đồn (công ty con của CEO Group) huy động 220 tỷ đồng qua phát hành trái phiếu với lãi suất được đánh giá rất cao trong bối cảnh công ty mẹ làm ăn thua lỗ.

Huy động 220 tỷ đồng qua trái phiếu

Trong bối cảnh Nhà nước có xu hướng tiếp tục siết tín dụng, đặc biệt là tín dụng vào các ngành rủi ro như bất động sản, để tìm nguốn vốn mà không phụ thuộc vào “bầu sữa” ngân hàng, thời gian qua, các doanh nghiệp bất động sản đẩy mạnh phát hành trái phiếu để huy động vốn trên thị trường.

Đáng chú ý, mức lãi suất huy động trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản rất cao, hơn gần gấp đôi so với lãi suất tiền gửi ngân hàng.

Còn nhớ hồi tháng 6/2020, CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Vân Đồn (CEO Vân Đồn) đã phát hành thành công 220 tỷ đồng trái phiếu trái phiếu kỳ hạn 36 tháng. Theo tìm hiểu CEO Vân Đồn là công ty con của Công ty Cổ phần Tập đoàn C.E.O (CEO Group) chiếm 90% tỷ lệ góp vốn.

Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có đảm bảo bằng tài sản là quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trên đất của CEO Vân Đồn.

Lãi suất được áp dụng cho kỳ tính lãi đầu tiên là 10,5%/năm, các kỳ tiếp theo được tính theo lãi suất thả nổi và bằng lãi suất tham chiếu cộng 3,7%/năm.

Tổ chức bảo lãnh (với hình thức cố gắng tối đa), đại lý đăng ký, lưu ký, thanh toán và quản lý chuyển nhượng là Công ty TNHH Chứng khoán ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), trong khi đại lý nhận tài sản đảm bảo (TSĐB) là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – chi nhánh Hà Nội, còn tổ chức thẩm định TSĐB là CTCP Thẩm định giá Thế Kỷ.

Danh sách trái chủ cho lô trái phiếu này chỉ được đề cập là 41 nhà đầu tư trong nước.

Được biết, số tiền huy động này sẽ được CEO Vân Đồn sử dụng để thực hiện dự án đầu tư tại Khu liền kề 3 thuộc Dự án Khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Harbor City - Phân khu 1 tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

Tập đoàn đã sử dụng thửa đất số 245 có diện tích 3,29 ha với giá trị định giá hơn 342 tỷ đồng (tương ứng hơn 10,4 triệu đồng/m2) để đảm bảo cho lô trái phiếu này.

Trước đó, ngày 8/6/2019, CEO Vân Đồn cũng đã mang một phần dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City đi thế chấp tại ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Thanh Xuân.

Cụ thể, BIDV đã ký hợp đồng tín dụng cho công ty vay 620 tỷ đồng để xây dựng dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City- Phân Khu 1.Toàn bộ tài sản dự án, tài sản hình thành trong tương lai của dự án đều được thế chấp cho BIDV, kèm theo biện pháp bảo đảm của bên thứ 3 là CEO Group.

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 2/20219 đã soát sét.

Đến tháng 8/2019, CEO Group công bố Nghị quyết của HĐQT về việc góp vốn đầu tư vào các công ty con. Theo kế hoạch, CEO Group sẽ thực hiện góp 202,5 tỷ đồng vào CEO Vân Đồn.

Đáng lưu ý, việc phát hành trái phiếu huy động vốn được đưa ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh của CEO Group sa sút.

Sonasea Vân Đồn Harbor City là một trong những dự án trọng điểm của CEO Group năm 2020.

CEO Group chưa thoát lỗ, dòng tiền giảm mạnh

Theo báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất quý 3, doanh thu thuần của CEO trong quý đạt 264 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ. Doanh thu mảng kinh doanh chủ đạo là bất động sản ghi nhận giảm 60% thu về hơn 191 tỷ đồng. Doanh thu cung cấp dịch vụ cũng giảm 45% xuống hơn 72 tỷ đồng. Quý này, công ty không có doanh thu từ hoạt động thương mại.

Kết quả trong quý 3, lợi nhuận sau thuế của CEO Group giảm mạnh 86% so với cùng kỳ, ghi nhận hơn 7 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ là gần 16 tỷ đồng, giảm 59%.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, CEO Group lỗ gần 103 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi hơn 435 tỷ đồng. Hết 9 tháng, doanh nghiệp ghi nhận 682 tỷ đồng doanh thu, trong khi cùng kỳ ghi nhận hơn 3.166 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 năm 2020.

Theo kế hoạch, CEO Group đặt mục tiêu doanh thu năm nay đạt 3.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 200 tỷ đồng.

Trước khi CEO Group công bố kết quả kinh doanh quý 3/2020, ngày 8/9, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã đưa cổ phiếu CEO của doanh nghiệp này vào danh sách chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ. Lý do vì lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 6 tháng đầu năm 2020 trên báo cáo tài chính hợp nhất bán niên soát xét năm 2020 là số âm.

Đáng chú ý, tại ngày 30/9/2020, tổng tài sản giảm 6% so với thời điểm đầu năm, ghi nhận gần 7.543 tỷ đồng. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền giảm 16% so với hồi đầu năm, ghi nhận gần 170 tỷ đồng, chỉ chiếm 2,3% tổng tài sản. Khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng lên 1.057 tỷ đồng.

Nợ phải trả của CEO Group đạt gần 3.999 tỷ đồng, chiếm tới 53% tổng tài sản và chiếm 113% vốn chủ sở hữu. Mặc dù nợ ngắn hạn giảm 22% so với đầu năm nhưng nợ dài hạn của công ty lại tăng hơn 200 tỷ, ở mức 1.934 tỷ đồng, cho thấy áp lực trả nợ rất căng thẳng nếu công ty không cân đối được nguồn tài chính kịp thời.

Điều này góp phần đẩy lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong 9 tháng vừa qua của CEO Group giảm mạnh 92% so với cùng kỳ, chỉ còn vỏn vẹn 111,8 tỷ đồng. Ngoài ra, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ cũng âm 31,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2019 đạt hơn 272 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 năm 2020.

Theo báo cáo tài chính quý 3/2020, tính đến 30/9/2020, hàng tồn kho ở mức gần 795 tỷ đồng. Các công trình xây dựng cơ bản dở dang đang có số dư lớn nhất chính là dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City (hơn 1.893 tỷ đồng), tiếp theo là chi phí xây dựng nhà tiện ích tại dự án Sonasea Villas& Resort 2 ( hơn 124 tỷ đồng). Kết thúc 9 tháng qua, chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng 20% so với hồi đầu năm, ghi nhận 2.094 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 năm 2020.

Ngoài ra, vay và nợ thuê tà chính của CEO Group cũng ghi nhận gần 2.280 tỷ đồng. Trong đó, chủ nợ lớn nhất của CEO Group là BIDV với hơn 1.385 tỷ đồng, bao gồm cả vay ngắn hạn và dài hạn. Lưu ý, CEO Group tăng vay dài hạn hơn 217 tỷ thông qua phát hành trái phiếu.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2020.

Ngoài dự án Sonasea Vân Đồn Harbor City bị CEO Group thế chấp tại BIDV – chi nhánh Thanh Xuân thì năm 2015, CEO Group cũng từng thế chấp dự án Khu nhà ở xã hội Bamboo Garden.

Cụ thể, tài sản bảo đảm là các khoản lợi thu được từ việc kinh doanh khai thác giá trị của quyền sử dụng đất tại dự án Khu nhà ở xã hội tại Ô đất CC-1 khu đô thị mới thuộc các lô đất N1+N3 Khu đô thị Quốc Oai, huyện Quốc Oai, Hà Nội (Khu nhà ở xã hội Bamboo Garden).

Nguồn: Cục đăng ký Quốc gia giao dịch bảo đảm -Bộ tư pháp.

Được biết, CEO Group cũng đã thế chấp tòa tháp trụ sở CEO ở đường Phạm Hùng cho ngân hàng BIDV, thế chấp 96 biệt thự tại dự án Sonasea Villas &Resort Phú Quốc để vay vốn từ lâu.

Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp?

Thực tế, đặc thù của trái phiếu doanh nghiệp là công cụ nợ do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và khả năng trả nợ. Trong khi đó, khả năng trả nợ của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào tình hình tài chính và kết quả kinh doanh.

Theo báo cáo tài chính quý 3/2020 của CEO Group công bố, dễ dàng nhận ra kết quả kinh doanh ảm đạm, bằng chứng là việc cổ phiếu CEO của CEO Group không được giao dịch ký quỹ do công ty này làm ăn thua lỗ. Ngoài ra, dòng tiền kinh doanh cũng sụt giảm mạnh, nợ phải trả tuy có giảm nhưng vẫn nhỏ giọt, chiếm tới 53% so với tổng tài sản và 113% vốn chủ sở hữu.

Nguồn: tác giả tổng hợp từ BCTC các năm.

Các chuyên gia đưa ra tính toán, lãi suất bình quân trái phiếu doanh nghiệp phát hành sơ cấp hiện dao động từ 10,1-11,2%/năm với kỳ hạn tăng dần từ 12 tháng đến 5 năm. Nhiều doanh nghiệp còn đặt ra mức lãi suất lên tới 14-15%. Đây là mức lãi suất cao trong bối cảnh nền kinh tế đang có nhiều khó khăn như hiện nay.

So sánh với lãi suất của các công ty chứng khoán và ngân hàng thương mại cho thấy, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường thứ cấp thường thấp hơn từ 2-2,5%/năm so với thị trường sơ cấp, nằm trong khoảng 7,5-10,5%/năm. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng đang có xu hướng giảm, dao động ở mức 4-5%/năm tại các ngân hàng và đà giảm có khả năng vẫn còn tiếp diễn.

Như vậy, so với lãi suất tiền gửi cạnh tranh nhất thì lợi tức trái phiếu doanh nghiệp hiện đang cao hơn từ 0,8-1,7%/năm. Nếu so với lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại lớn, lợi tức trái phiếu doanh nghiệp có thể cao hơn từ 1,8-4%/năm tùy từng kỳ hạn.

Do đó, bộ Tài chính từng khuyến nghị nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân không mua trái phiếu doanh nghiệp chỉ vì lãi suất cao. Bởi nếu doanh nghiệp làm ăn thuận lợi thì không sao nhưng lỡ doanh nghiệp kinh doanh khó khăn thì khả năng thu hồi được khoản tiền đầu tư trái phiếu là rất khó.

Link gốc : https://sohuutritue.net.vn/ceo-group-huy-dong-hang-tram-ty-tu-trai-phieu-nhung-rui-ro-nao-dang-cho-doi-phia-truoc-d86448.html

Bạn đang đọc bài viết CEO Group huy động hàng trăm tỷ từ trái phiếu, những rủi ro nào đang chờ phía trước? tại chuyên mục Pháp lý bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp lý bất động sản