Vừa qua, UBND TPHCM đã có thông báo kết luận Thanh tra về phòng chống tham nhũng, lãng phí trong việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn – Trách nhiệm hữu hạn MTV TPHCM (Resco).
Theo kết luận của Thanh tra, năm 2017 và 2018, Resco có công khai báo cáo tài chính năm và báo cáo kiểm toán năm theo quy định của luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2007, 2012.
Tuy nhiên, doanh thu không đạt kế hoạch năm do UBND TPHCM giao.
Cụ thể, năm 2017 doanh thu hoạt động kinh doanh chỉ hơn 545 tỉ đồng, đạt 76,9% so với kế hoạch năm (709,8 tỉ đồng) và chỉ đạt 23,33% so với thực hiện năm trước liền kề. Năm 2018, doanh thu cũng chỉ hơn 555 tỉ đồng, đạt 72,46% so với kế hoạch năm.
Trong khi đó, chi phí thực hiện trong 2 năm đều vượt so với kế hoạch được UBND TPHCM giao. Năm 201,7 vượt 141,34% so chi phí kế hoạch, năm 2018 tăng lên 158,42% so chi phí kế hoạch.
Trong quá trình thanh tra, Thanh tra thành phố đã ban hành quyết định số 89 thu hồi 54,19 tỉ đồng là số tiền lợi nhuận còn lại chưa nộp ngân sách Nhà nước năm 2018 sau khi trích lập các quỹ theo quy định.
Đối với việc quản lý công nợ, đến thời điểm thanh tra (ngày 20/5/2019) Resco vẫn chưa hoàn tất đối chiếu, xác nhận công nợ phải thu, tỷ lệ đối chiếu, xác nhận công nợ còn thấp, chưa thực hiện báo cáo về tình hình công nợ năm 2018 theo đúng chỉ đạo của UBND TPHCM.
Bên cạnh đó, Resco còn chưa thành lập hội đồng xử lý nợ để xử lý những khoản nợ quá hạn nhiều năm chưa thu hồi, các khoản nợ phải thu khó đòi và các khoản nợ phải thu khó đòi không có khả năng thu hồi được.
Resco cũng chưa áp dụng các biện pháp cần thiết để thu hồi nợ và xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân có liên quan. Chưa kịp thời điều chỉnh, bổ sung nhân sự Chủ tịch hội đồng thẩm định mức trích lập các khoản dự phòng và xử lý tổn thất thực tế của vật tư hàng tồn kho, các khoản đầu tư tài chính, các khoản nợ không có khả năng thu hồi theo quy định của Bộ Tài chính.
Tới thời điểm thanh tra, Resco còn 1.473,88 tỉ đồng nợ phải thu, chưa thu hồi được. Trong đó có khoản phải thu là cổ tức, lợi nhuận được chia số tiền 304,43 tỉ đồng, tạo điều kiện cho các đơn vị khác chiếm dụng vốn, chưa đảm bảo chặt chẽ trong việc quản lý, sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Ngoài ra, Tông Công ty Địa ốc Sài Gòn chưa thực hiện nghiêm túc chấp hành các quy định về thuế và nộp ngân sách Nhà nước dẫn đến bị Cục thuế thành phố phạt chậm nộp tiền thuế và lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ trong năm 2017, 2018 số tiền 10,2 tỉ đồng.
Resco còn hạch toán số tiền bị phạt chậm nộp 16,87 tỉ đồng trực tiếp vào lợi nhuận chưa phân phối.
Đối với việc quản lý sổ kế toán và chứng từ kế toán, tính đến ngày 7/3/2019, Resco chưa hoàn tất lưu trữ sổ kế toán để ghi chép, hệ thống và lưu giữ toàn bộ các nghiệp vụ kinh tế, tài chính đã phát sinh có liên quan trong năm 2017, 2018 theo quy định, gây khó khăn trong công tác tiếp cận hồ sơ, sổ sách kế toán để phục vụ công tác thanh tra.
Doanh nghiệp cũng còn tồn đọng 1.533 phiếu thu trị giá 76,65 tỉ đồng và 355 phiếu chi trị giá 54,77 tỉ đồng phát sinh từ ngày 15/11 đến 13/12/2017 không có chữ ký duyệt và đóng dấu của các lãnh đạo đơn vị là không đúng quy định.
Ngoài ra, 355 phiếu chi nói trên không có chữ ký và đóng dấu của lãnh đạo đơn vị nhưng đã xuất quỹ chi tiền cho các tổ chức, cá nhân…là thực hiện không đúng quy định.
Thanh tra kết luận, đây là sự buông lỏng lãnh đạo quản lý, tùy tiện trong công tác kế toán thu, chi tiền, dễ dẫn đến việc thất thoát tài sản Nhà nước và phát sinh tham ô, tham nhũng, chưa đảm bảo chặt chẽ trong công tác phòng chống tham nhũng…
Resco còn chưa thực hiện xong đề án tài cơ cấu Tổng công ty giai đoạn 2013-2015 được UBND TPHCM phê duyệt tại quyết định 7432. Đến thời điểm thanh tra, Resco vẫn chưa xây dựng xong đề án tái cơ cấu 2016 – 2020.
Resco sử dụng 4,8 tỉ đồng của công ty chi nộp thay tiền thuê đất, thuế đất cho Công ty CP Hùng Vương và 469 triệu đồng cho Công ty CP địa ốc 7. Đặc biệt là chi trả các chi phí thực hiện dự án chung cư Nguyễn Kim - khu B thay cho đối tác kinh doanh (Công ty CP địa ốc Ngân Hiệp).
Thanh tra thành phố khẳng định, việc làm nói trên ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Resco, làm lợi cho đối tác, mang tính rủi ro cao, có sự tùy tiện trong việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và chưa phù hợp quy định luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp dễ dẫn đến việc gây thất thoát, thiệt hại tài sản nhà nước…
Đối với vấn đề góp vốn của Resco vào doanh nghiệp khác, Thanh tra TPHCM chỉ cũng chỉ ra nhiều bất thường.
Điển hình như năm 2017, 2018, Resco đầu tư tài chính tại 32 đơn vị với tổng giá trị góp vốn lên đến hơn 2.250 tỉ đồng nhưng chỉ có 18/32 đơn vị có lợi nhuận, cổ tức được chia, còn lại 14/32 doanh nghiệp không chia lợi nhuận, cổ tức được chia.
Trong đó, năm 2017 có 7 doanh nghiệp đầu tư bị lỗ, tổng số lỗ lũy kế đến cuối 2017 hơn 40 tỉ đồng.
Đến năm 2018, còn 5 doanh nghiệp đầu tư bị lỗ, tổng số lỗ lũy kế hơn 23 tỉ đồng, khó có khả năng bảo toàn vốn đầu tư.
Thế nhưng, Resco chưa báo cáo, đề xuất biện pháp xử lý (thoái vốn, tăng cường giám sát hoặc biện pháp khác) trình UBND TPHCM. Kèm theo đó là chưa hoàn tất việc thoái hết vốn đầu tư tài chính ngoài ngành theo quy định nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại tài sản, vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, việc cử người đại diện phần vốn góp của Resco tại các DN có vốn góp cũng xảy ra vi phạm…
Với hàng loạt sai phạm trên, Thanh tra TPHCM kết luận, trách nhiệm thuộc HĐTV, Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc phụ trách, kế toán trưởng, kiểm soát viên Resco và các tổ chức, cá nhân có liên quan thời kỳ phát sinh vụ việc.
Theo Dân Trí