UBND TP.Hà Nội vừa ban hành chuyên đề "Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng NƠXH trên địa bàn TP.Hà Nội giai đoạn 2021-2025".
Chuyên đề nhằm triển khai Chương trình số 10-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy về "Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng; Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2021-2025".
Theo báo báo, trong giai đoạn 2016-2020, Hà Nội đã có 12.659 căn hộ NƠXH tại 23 dự án được xét duyệt bán, cho thuê, tương đương khoảng hơn 1,2 triệu mét vuông sàn nhà ở.
Đánh giá về thực trạng quản lý, sử dụng NƠXH, UBND TP.Hà Nội cho biết, việc xét duyệt cơ bản được thực hiện đúng trình tự, thủ tục. Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát việc sử dụng NƠXH, Sở Xây dựng và UBND các quận, huyện đã phát hiện và xử lý một số trường hợp các đối tượng mua, thuê nhà ở xã hội sử dụng không đúng mục đích như: Dự án đầu tư Khu đô thị mới tại lô đất N1 và N3 thuộc Khu đô thị Quốc Oai, huyện Quốc Oai.
Sunny Garden City: Biệt thự rêu mốc, nhà ở xã hội “ế chỏng ế chơ”
Báo Nhà đầu tư đã từng đưa tin về Dự án NƠXH tại Khu đô thị mới tại lô đất N1 và N3 thuộc Khu đô thị Quốc Oai, huyện Quốc Oai hồi tháng 9/2019. Việc chuyển dự án từ nhà ở thương mại sang NƠXH những tưởng sẽ giúp dự án Sunny Garden thu hút được người dân vào ở, và xóa đi vắng lặng từ nhiều căn biệt thự đang bị rêu phong tại dự án này.
Cụ thể, Dự án Khu đô thị Sunny Garden City nằm trên địa bàn xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, TP.Hà Nội. Dự án được chủ đầu tư xúc tiến từ những năm 2006 và được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt vào năm 2007.
Trước khi Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, ngày 4/2/2008, UBND tỉnh Hà Tây ban hành quyết định giao 244.174,5 m2 đất thuộc địa bàn xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai cho CTCP Đầu tư CEO (CEO Group) thực hiện dự án đầu tư Khu đô thị mới tại lô đất N1 và N3 thuộc Khu đô thị Quốc Oai, huyện Quốc Oai.
Sau 2 năm, CEO Group đã hoàn thành các thủ tục pháp lý, đồng thời, bất ngờ may mắn được chuyển “hộ khẩu” dự án từ tỉnh Hà Tây về Thủ đô Hà Nội.
Từ năm 2008-2011, CEO Group đã tiến hành đầu tư xây dựng hạ tầng, cảnh quan dự án Khu đô thị. Dự án đã hoàn thành xây thô 200 căn biệt thự, liền kề trên tổng số 330 căn được phê duyệt theo quy hoạch. Ngoài ra, một số hệ thống hạ tầng và tiện ích của Khu đô thị cũng đã được hoàn thành, đã được đưa vào sử dụng, như sân bóng mini, bãi đỗ xe… Tuy nhiên, vẫn còn một số hạng mục dù đã được xây dựng, nhưng vắng bóng người do người dân chưa có nhu cầu sử dụng, một số khác vẫn còn chưa được chủ đầu tư xây dựng.
Sau nhiều năm “dầm mưa dãi nắng”, nhưng căn biệt thự tại Sunny Garden City đang dần xuống cấp. Hàng trăm tỷ đồng đã đầu tư xây dựng, song dường như dự án là xây dựng khu dân cư cao cấp ở đây không khả thi. Vì vậy, CEO Group đã phải xin chuyển đổi mục đích dự án sang làm NƠXH.
Chủ đầu tư đã xây dựng 2 tòa chung cư, mỗi tòa cao 9 tầng, tổng số 432 căn hộ có diện tích dao động từ 48 m2 đến 66 m2 dành cho người có thu nhập thấp với hàng loạt ưu đãi như: được trả lại tiền đất đã đóng trước đó, được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, được vay gói 30.000 tỷ đồng với lãi suất 5%…
Những tưởng, phương án trên sẽ giúp CEO Group thu hút người dân vào ở đây để làm giảm đi sự lạnh lẽo, hoang vắng ở dự án hơn 24 ha này.
Mặc dù chủ đầu tư cam kết cư dân tại Bamboo Garden sẽ được hưởng toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và các tiện ích của khu đô thị cao cấp Sunny Garden, bao gồm: Nhà trẻ, trường học; Trung tâm thương mại; Trung tâm thể thao và giải trí; Bãi đỗ xe công cộng lớn; Diện tích cây xanh hài hòa... nhưng trên thực tế vẫn chưa thật sự là sức hút đối với khách hàng.
Suốt 2 năm, với 10 lần đăng tin rao bán, dự án khu NƠXH Bamboo Garden của CEO Group vẫn “ế chỏng ế chơ”. Theo thông tin từ Sở Xây dựng, tại dự án có 432 căn nhà ở xã hội được xây lên để bán và cho thuê, nhưng đến nay mới chỉ bán được 81 căn.
Được vay gói 30.000 tỷ, dự án được quảng cáo nhiều tiện ích, thế nhưng vì sao dự án Sunny Garden vẫn không thu hút được khách?
Có thể nói rằng, dự án của CEO Group không phải nằm trên vị trí đắc địa. Sunny Garden nằm cách Đại lộ Thăng Long 1km, cách xa trung tâm thành phố khoảng 20 km.
Hơn thế, dự án NƠXH của CEO Group gặp phải sự cạnh tranh lớn từ hàng loạt dự án như: Chung cư Victory của tập đoàn Phúc Hà, chung cư Gemek của Geleximco và hàng loạt dự án NƠXH của Sông Đà Hoàng Long. Nhưng dự án này đều nằm sát Đại lộ Thăng Long và gần trung tâm thành phố hơn.
Theo BCTC Hợp nhất Quý II năm 2017 của CEO Group, vốn điều lệ của tập đoàn là 1.030 tỷ đồng. Tổng tài sản của CEO Group là 4.176 tỷ đồng, nợ phải trả 2.606 tỷ đồng tăng 338 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn là 1.429 tỷ đồng và nợ dài hạn chiếm tới 1.177 tỷ đồng.
Trong khi C.E.O Group vẫn đang gặp khó tại tại dự án Sunny Garden City với hàng trăm tỷ đồng đầu tư ra mà chưa thể thu về, thì Tập đoàn này lại tiếp tục đầu tư vào hàng loạt dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp tại Phú Quốc.
Với việc mở rộng thâu tóm quỹ đất và triển khai rầm rộ dự án bất động sản lớn, không ít nhà đầu tư, cổ đông cũng băn khoăn về năng lực triển khai dự án và tài chính của CEO Group.
Thông tin cũng cho biết, BCTC Hợp nhất Quý II năm 2017, C.E.O Group, thời điểm đó đang vay ngân hàng BIDV chi nhánh Thanh Xuân 1.265 tỷ đồng. Và tập đoàn đang cầm hàng loạt sổ đỏ tại dự án Quốc Oai và tài sản dang dở tại dự án Sonasea Villas & Resort để đi cầm cố ngân hàng.
Bamboo Garden nằm trong quần thể quy hoạch khu đô thị Sunny Garden City, có hạ tầng xã hội, kết nối giao thông về cơ bản đã hoàn thiện. Nhờ vậy dự án được thừa hưởng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và tiện ích gồm nhà trẻ, trường học, trung tâm thể thao và giải trí, bãi đỗ xe công cộng lớn, khu cây xanh… Bên cạnh đó còn có tuyến xe buýt nối liền khu đô thị tới các điểm trong nội thành, giúp cho việc đi lại của cư dân được thuận tiện và nhanh chóng hơn.
Ngoài ra, cư dân Bamboo Garden còn được hưởng những tiện ích nội khu như khu dịch vụ thương mại, nhà hàng, siêu thị mini tại tầng một và khu công viên cây xanh, sân chơi, khu thể thao chung nằm giữa hai tòa chung cư.