Lưu ý về mốc thời gian và quy trình đăng ký
Hiện các tỉnh, thành đang chấm thi và dự kiến công bố kết quả vào sáng 17/7. Môn Ngữ văn được chấm theo hình thức tự luận với hai vòng chấm độc lập, trong khi các môn trắc nghiệm được chấm bằng máy với phần mềm chuyên dụng của Bộ GDĐT. Sau khi biết điểm thi, thí sinh có 10 ngày, từ 17/7 đến 26/7, để đăng ký phúc khảo.
Thí sinh có nguyện vọng vào đại học sẽ đăng ký xét tuyển trên hệ thống chung của Bộ GDĐT từ ngày 18/7 đến 30/7. Thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm vẫn phải tiếp tục đăng ký và điều chỉnh nguyện vọng trên hệ thống của Bộ GDĐT để được xử lý theo quy trình toàn quốc. Nếu không đăng ký trên hệ thống, thí sinh sẽ được xem là từ bỏ quyền trúng tuyển.
Để đảm bảo chắc chắn trúng tuyển ngành mình mong muốn, thí sinh cần đăng ký ngành đó vào nguyện vọng 1. Bộ GDĐT cũng khuyến cáo thí sinh cần tìm hiểu kỹ tài liệu hướng dẫn và thực hiện đúng, đủ quy trình đăng ký xét tuyển. Nếu có thắc mắc, thí sinh nên liên hệ với cán bộ tại các điểm tiếp nhận hoặc cán bộ của trường để được hướng dẫn.
Cân nhắc 4 yếu tố khi chọn ngành, chọn trường
Trong thời gian chờ đợi kết quả thi, thí sinh và gia đình nên kiểm tra lại việc chọn ngành học dựa trên các tiêu chí: sở thích, năng lực, điều kiện gia đình và cơ hội nghề nghiệp tương lai. Thiếu một trong những yếu tố này sẽ khó đảm bảo ngành học, trường học được chọn là phù hợp nhất.
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), cho biết Bộ đã ban hành các chuẩn tối thiểu cho chương trình đào tạo. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo còn phụ thuộc vào uy tín, thương hiệu và sự đầu tư của từng trường. Một hệ thống giáo dục ĐH luôn có sự phân loại về chất lượng và số lượng, trường nào có chuẩn cao thì sản phẩm đầu ra sẽ hấp dẫn hơn trên thị trường lao động.
Bà Thủy nhấn mạnh rằng sự nỗ lực và phương pháp học tập của sinh viên là quan trọng. Ngay cả khi không học trường tốp đầu, sinh viên có thể đạt kết quả tốt và không lo về việc làm nếu có tinh thần học tập suốt đời và biết thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ.
TS Lê Thị Thanh Mai, nguyên Trưởng ban Công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TPHCM, khuyên thí sinh nên chọn nguyện vọng theo nguyên tắc cùng một ngành ở các trường khác nhau hoặc các ngành gần nhau. Thí sinh nên đối chiếu sở thích với điều kiện về điểm số và hoàn cảnh bản thân để quyết định chọn ngành, chọn trường và sắp xếp các nguyện vọng theo mức độ yêu thích từ cao xuống thấp. Không nên chọn ngành “chắc đỗ” nhưng không phải là ngành yêu thích nhất, vì có thể khiến thí sinh bỏ lỡ ngành yêu thích dù điểm số đáp ứng yêu cầu.
Việc chọn ngành học cần xác định mục tiêu nghề nghiệp rõ ràng để tránh lãng phí thời gian và công sức. Học ngành mình yêu thích sẽ giúp thí sinh có động lực học tập và đạt kết quả tốt hơn, từ đó dễ thành công hơn trong công việc sau này.
Theo Đại đoàn kết