Sáng 24/5, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà có cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ (VPCP)… về tiến độ triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, theo báo cáo, hiện nay có khoảng 100 dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (tại 36 địa phương) đã được cấp phép xây dựng, triển khai đầu tư xây dựng với tổng số 85.662 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 70.000 tỷ đồng. Các địa phương có 7 dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư (tại 4 địa phương) với nhu cầu vốn vay khoảng 4.130 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho biết thêm ngoài các dự án trên, tỉnh Bắc Giang đã công bố 12 dự án đủ điều kiện vay vốn. Một số địa phương như Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai đang tích cực triển khai các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Riêng tại Hà Nội, hiện đã có hơn 4.000 căn hộ nhà ở xã hội được đưa ra thị trường và khoảng 40 dự án đang triển khai.
Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không phải để "giải cứu" thị trường bất động sản |
Trong tháng 4/2023, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã khẩn trương hướng dẫn, đôn đốc thực hiện, giảm bớt thủ tục, rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ để doanh nghiệp sớm tiếp cận nguồn vốn vay.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được huy động từ nguồn vốn của 4 ngân hàng thương mại với lãi suất giảm 2%/năm so với lãi suất thương mại; thời hạn giải ngân đến hết năm 2030.
Lý giải nguyên nhân khiến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng vẫn chưa giải ngân được, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho rằng nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn nhưng trong quá trình triển khai vẫn còn vướng mắc về quỹ đất; thiếu quy hoạch phát triển nhà ở xã hội ở địa phương; quy trình miễn tiền sử dụng đất cho dự án nhà ở xã hội phức tạo, thời gian kéo dài; thủ tục điều kiện để được mua nhà ở xã hội… Do vậy, một số doanh nghiệp đang chờ đợi Luật Nhà ở (sửa đổi) có hiệu lực với quy trình, thủ tục thông thoáng hơn.
Đồng thời, các văn bản hướng dẫn mới được ban hành (trong tháng 4/2023) nên các địa phương vẫn đang thực hiện lập danh mục dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân và những đối tượng đủ điều kiện vay vốn.
Các ý kiến tại cuộc họp cũng kiến nghị bổ sung đối tượng được vay ưu đãi là chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân dưới dạng cho thuê, thuê mua; kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất ưu đãi cho người mua nhà, chủ đầu tư; đơn giản hoá thủ tục miễn tiền sử dụng đất cho dự án nhà ở xã hội…
Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không phải để "giải cứu" thị trường bất động sản mà là góp phần thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".
Hiện nay, hầu hết các vướng mắc về quy trình, thủ tục thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, điều kiện để được mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đang được sửa đổi, bổ sung trong Luật Nhà ở, Luật Đất đai và cơ bản được tháo gỡ toàn bộ sau khi các luật này có hiệu lực.
Trước mắt, các địa phương cần đẩy nhanh việc lập quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhất là tại những thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ... Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương báo cáo định kỳ hằng tháng về tiến độ triển khai thực hiện gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
NHNN và Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất phương án, thời gian hỗ trợ lãi suất phù hợp cho các chủ đầu tư, người mua nhà đủ điều kiện vay vốn từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
Theo Tài chính Doanh nghiệp