Ngày 29/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) có báo cáo về kết quả công tác tháng 5 và 5 tháng đầu năm.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản tháng 5 ước đạt 3,1 tỷ USD, giảm 2,7% so với tháng 4. Trong đó, giá trị xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt 1,5 tỷ USD (giảm 5%), lâm sản chính khoảng 696 triệu USD (giảm 6,1%), thủy sản đạt 582 triệu USD (giảm 5,6%) và chăn nuôi đạt 57 triệu USD (tăng 25%).
Tính chung 5 tháng, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 15,5 tỷ USD, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2019. Các mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh gồm cà phê, gạo, rau, sắn quế, mây tre; giảm mạnh gồm cao su, chè, hồ tiêu, quả, cá tra và tôm.
Trung Quốc vẫn là thị trường chiếm thị phần lớn nhất với kim ngạch xuất khẩu đạt gần 3,7 tỷ USD, giảm 15,5% so với cùng kỳ và chiếm 23,8% thị phần; tiếp đến là Mỹ ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 7% và chiếm 22% thị phần; thị trường EU ước đạt 1,6 tỷ USD, giảm 1,1% và chiếm 10,5% thị phần
Trong khi đó, xuất khẩu sang Nhật Bản đạt gần 1,4 tỷ USD, sang các nước ASEAN đạt gần 1,6 tỷ USD.
Về nhập khẩu, tính chung 5 tháng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước khoảng 12,2 tỷ USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính ước đạt 9,6 tỷ USD, giảm 11,1%.
Ngoại trừ các mặt hàng dầu mỡ động thực vật, lúa mì và chăn nuôi có giá trị nhập khẩu tăng (lần lượt là tăng 10,9%, 25,5% và 10,6%), các mặt hàng khác đều giảm so với cùng kỳ năm 2019.Về nhập khẩu, tính chung 5 tháng kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản ước khoảng 12,2 tỷ USD, giảm 4,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, giá trị nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chính ước đạt 9,6 tỷ USD, giảm 11,1%.
Như vậy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng nông lâm thủy sản 5 tháng đầu năm ước đạt gần 27,6 tỷ USD. Xuất siêu gần 3,3 tỷ USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Bộ NN&PTNT cho biết sẽ phối hợp với Bộ Công Thương, các cơ quan, doanh nghiệp theo dõi sát sao diễn biến giá cả, cung cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu trong nước để cân đối cung cầu, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và duy trì xuất khẩu nông sản; theo dõi sát tình hình doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn vào thị trường Trung Quốc.
Thường xuyên cập nhật diễn biến, tình hình tại các thị trường trọng điểm bị ảnh hưởng bởi dịch, kịp thời tham mưu, báo cáo, đề xuất giải pháp ứng phó.
Bên cạnh đó, tập trung giải quyết các rào cản kỹ thuật, đàm phán mở rộng thị trường (mở rộng công nhận vùng sản xuất, loại sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu) sang các nước EU, Liên minh kinh tế Á - Âu, Mỹ, Brazil… và xuất khẩu thủy sản sang thị trường Arab Saudi; xây dựng chương trình đoàn công tác của Bộ tại Trung Quốc, Brazil, Liên bang Nga, Nhật Bản, Australia sau khi kết thúc dịch Covid-19.
Theo Zingnews