Trước đó vào ngày 31/10, Hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục đã diễn ra để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ trong năm học 2019-2020 và khái quát lại chặng được thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TƯ khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo suốt 6 năm qua.
Chưa thể giao kỳ thi tốt nghiệp về cho địa phương
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, trong thời điểm diễn ra dịch bệnh COVID-19, ngành giáo dục đã chủ động hoàn thành lộ trình 6 năm đổi mới kỳ thi tốt nghiệp THPT qua phương thức thi cử. Tuy nhiên, theo Phó thủ tướng, thi cử chỉ là một phần trong tổng thể công kiểm định, đánh giá học sinh, sinh viên. Năm 2020 là năm cuối trong lộ trình 6 năm đổi mới kỳ thi, và đây là năm được đánh giá chưa năm nào tốt như vậy, bởi đây là năm cuối cùng hoàn thiện lộ trình.
Trong những năm trước, kỳ thi vẫn còn nhiều vấn đề, không ít người yêu cầu bỏ thi nhưng ngành giáo dục vẫn quyết tâm thực hiện. Sau 6 năm đổi mới theo lộ trình, việc thi cử sẽ tiếp tục đổi mới, là một hành trình liên tục.
Phó Thủ tướng cũng nhận định: "Nhiều người cứ nói sao không giao kỳ thi về cho các địa phương, sao cứ vật vã, khổ sở về đổi mới thi cử. Tôi nói thẳng, chưa thể giao về cho các địa phương, bởi thi chặt như thế còn ăn gian, còn xin điểm, còn đủ thứ".
Bình tĩnh nhìn nhận những bất cập, hạn chế
Theo Phó Thủ tướng, giáo dục luôn tồn tại bất cập và phải luôn nhìn nhận bình tĩnh, biện chứng nhiều vấn đề như trường lớp, biên chế, chế độ lương, những vụ việc tiêu cực, sự cố thi cử...
Đổi mới giáo dục là một quá trình không thể đổi mới nhanh chóng. Chẳng hạn, việc đổi mới sách giáo khoa (SGK) phải thực hiện 5 năm mới xong, khi chưa hoàn thành cũng có nhiều điểm khác biệt. Hiện SGK lớp 1 năm nay còn nhiều trục trắc, vấn đề, nhưng chúng ta đã bình tĩnh trước những điểm quan trọng gồm: Chương trình là pháp lệnh còn SGK chỉ mang tính tham khảo và quy tụ nhiều người biên soạn bộ SGK hơn. Bộ GD&ĐT cần phải nghiêm khắc nhìn nhận, chấn chỉnh điểm chưa tốt về SGK lớp 1 nhưng chủ trương đúng thì nên ủng hộ và cổ vũ.
Hoặc là vụ việc trường ĐH Tôn Đức thắng có ý kiến xem xét lại tự chủ đại học, Phó Thủ tướng cho biết đã giao Bộ GD&ĐT lập 1 đoàn do đồng chí Thứ trưởng trực tiếp làm việc với bên trường.
Theo Phó thủ tướng, hiện ngành giáo dục đã có những bước tiến toàn diện và nhiều mặt rõ ràng, vững chắc; không vì những điểm chưa hài lòng, khiếm khuyết, gần như là đương nhiên trong quá trình đổi mới mà mất lòng tin vào sự nghiệp đổi mới giáo dục, vào Nghị quyết của Ban Chấp hành TƯ. Ông Đam nhận định: "Có cái thì chúng ta lạc quan tếu, ví dụ đánh giá Pisa, có một số cái mình chỉ đứng thứ mười mấy thôi, thì tưởng mình đã nhất thế giới. Nhưng cũng không vì một số điểm chưa hài lòng, một số khiếm khuyết gần như là đương nhiên trong quá trình đổi mới, mà chúng ta mất lòng tin, bi quan vào sự nghiệp đổi mới giáo dục".
Đề cao trường chuyên, lớp chọn quá mức
Phó Thủ tướng cho rằng, Giáo dục phải đi trước một bước, cái gì phù hợp với thế giới thì không được đổ do đặc thù của mình mà đi ngược lại. Trên thế giới, việc học không được nhồi nhét, học sinh cần trao đổi với giáo viên. Với nền văn hóa phương Đông, lớp trẻ rất ngoan ngoãn, lễ phép nhưng không vì thế mà nói rằng trẻ không được bày tỏ ý kiến của mình.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu: "... Chúng ta không được quên nguyên lý đã là giáo dục phổ thông thì phải bình đẳng về cơ hội. Chúng ta vẫn còn tình trạng thi vào đầu cấp rất kịch liệt. Đề cao trường chuyên, lớp chọn là đi ngược với thế giới". Ông Đam đề nghị ngành giáo dục và các địa phương đẩy mạnh thực hiện những nguyên lý cơ bản:
Về giáo dục phổ thông, Nhà nước phải lo hoặc trực tiếp hoặc xã hội hóa, phải có đủ trường lớp, giáo viên để học sinh học đủ ngày 2 buổi thuận lợi dù có dồn trường, tinh giản biên chế.
Giáo dục phổ thông phải bình đẳng về cơ hội, không được lựa chọn đầu vào. Hiện nay, theo Phó thủ tướng, chúng ta còn tuyển chọn đầu vào đầu mỗi cấp học quá gay gắt.
Các cơ sở giáo dục từ mầm non cho đến đại học không chỉ là thiết chế của chính quyền mà là thiết chế của cộng đồng. Các cơ sở này phải được quản trị theo mô hình cộng đồng gồm: Chính quyền, ban giám hiệu, tập thể giáo viên, người lao động trong nhà trường, phụ huynh và vai trò của học sinh.