Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

5 loại thuốc cần có trong gia đình mùa mưa lũ

KHOA HỌC ĐỜI SỐNG 18:15 01/11/2020

Hiện nay, hầu hết các trạm y tế trên cả nước đều được trang bị đầy đủ các loại thuốc thông dụng, nhưng khi bị mưa lũ bao vây, chia cắt và cô lập, việc chuẩn bị sẵn thuốc trong nhà

(chủ yếu là các thuốc thông thường) với mục đích nhằm giảm các triệu chứng ban đầu của bệnh, trong khi chờ đợi đi khám bác sĩ, là điều hết sức cần thiết. Vì vậy, để đối phó với các bệnh mùa mưa lũ, trong tủ thuốc của các gia đình cần được trang bị các loại thuốc dưới đây

Thuốc tiêu hóa

Khi xảy ra mưa lũ, úng lụt, bệnh về đường tiêu hóa thường có xu hướng gia tăng một cách đáng kể. Các bệnh đường tiêu hóa hay gặp là tả, lỵ, thương hàn, nhiễm khuẩn, nhiễm độc thức ăn. Vì vậy thuốc tiêu hóa là một trong những loại thuốc cần thiết nhất nên trang bị cho tủ thuốc gia đình trong mùa mưa lũ.

Một số loại thuốc hỗ trợ tiêu hóa thông thường là các loại men tiêu hóa, dung dịch bù điện giải oresol, berberin (kháng sinh trị tiêu chảy có nguồn gốc thực vật), smecta hoặc loperamid 2mg. Tuy nhiên loperamid không được dùng cho trẻ dưới 8 tuổi. Tác dụng phụ của loperamid là gây táo bón, nên sau khi uống nếu hết đi lỏng, phân đã đặc hoặc thành khuôn thì ngưng uống. Lưu ý với những gia đình có trẻ nhỏ cần tìm hiểu kỹ các loại thuốc tiêu hóa dành riêng cho trẻ.

Thuốc nhỏ mắt

Sau mưa lũ, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng nên rất dễ bị đau mắt đỏ. Đây là bệnh lành tính, nhưng lây lan rất nhanh. Để chữa đau mắt đỏ, đơn giản nhất là dùng dung dịch chloramphenicol 0,4%, đây là loại thuốc sẵn có trên thị trường thuốc trong cả nước. Nên nhỏ mắt mỗi khi tiếp xúc với nước bẩn hoặc dùng 4-6 lần một ngày để phòng đau mắt đỏ. Trong tủ thuốc cũng cần trữ một ít nước muối sinh lý (NaCl nồng đồ 0,9%). Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý cũng là biện pháp cần thiết để hạn chế các bệnh về mắt trong mùa mưa lũ.

Trong gia đình cần có một số loại thuốc thiết yếu trị các chứng bệnh thông thường.

Trong gia đình cần có một số loại thuốc thiết yếu trị các chứng bệnh thông thường.

Thuốc bôi ngoài da

Nước bị nhiễm bẩn, tạo điều kiện cho vi sinh vật và ký sinh trùng gây bệnh ngoài da. Khi con người tiếp xúc nhiều với nước bẩn này dễ mắc một số bệnh ngoài da như nước ăn chân, viêm da mủ, viêm nang lông, viêm kẽ do vi khuẩn, ghẻ… Vì vậy, nên có sẵn những dung dịch sát khuẩn như dung dịch cồn iod, nước oxy già, dung dịch thuốc tím, xanh methylen, clorhexidin, cloramin B… để rửa vết thương hoặc sát trùng sau khi lội nước bẩn.

Thuốc giảm đau, hạ sốt

Nên chuẩn bị sẵn thuốc paracetamol 500mg để giúp giảm đau và hạ sốt. Nếu trong nhà có trẻ em thì càng không thể thiếu loại thuốc này. Việc chuẩn bị sẵn thuốc hạ sốt sẽ giúp người bệnh nhanh chóng hạ sốt, tránh bị co giật và tai biến do sốt cao. Nhưng dùng thuốc hạ sốt phải theo đúng liều lượng hướng dẫn sử dụng, dùng cần cách nhau 6 tiếng. Tránh lạm dụng thuốc giảm đau, hạ sốt vì dùng quá liều có thể gây ngộ độc.

Trong nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt cũng cần hết sức cẩn thận với thuốc aspirin khi dùng cho trẻ nhỏ vì dù giảm đau và hạ nhiệt tốt nhưng aspirin lại gây nhiều tác dụng phụ nguy hiểm cho trẻ.

Thuốc dự trữ với các bệnh mạn tính

Là thuốc dành riêng cho thành viên trong gia đình có tiền sử bệnh mạn tính hay dị ứng như hen, xoang, tăng huyết áp, đái tháo đường... Trong gia đình có người bị hen thì cũng nên dự trữ sẵn loại thuốc xịt ventolin để dự phòng cơn hen cấp. Với gia đình có người bệnh mạn tính, cần chuẩn bị các thuốc đang uống thường ngày, theo đơn của bác sĩ. Và việc sử dụng các loại thuốc dự trữ này cần tuân theo chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

Điều cần đặc biệt lưu ý là những thuốc trong tủ thuốc gia đình này chỉ nhằm mục đích để làm giảm nhẹ triệu chứng bệnh chứ không thay thế việc chữa bệnh. Khi có bệnh, nên cố gắng đi khám bệnh để được hướng dẫn dùng thuốc và theo dõi cụ thể, không tự ý dùng thuốc bừa bãi, rất dễ gặp tác dụng phụ nguy hiểm. Đồng thời cần chú ý bảo quản thuốc tốt tránh ẩm mốc sẽ gây hỏng thuốc hoặc mưa lũ cuốn trôi. Nếu thuốc có bao bì, nên giữ thuốc và cả bảng hướng dẫn sử dụng trong bao bì. Tất cả các loại viên rời đều phải đựng trong chai, lọ sạch, có nắp đậy. Các loại thuốc cần được ghi chú rõ ràng để tránh sử dụng nhầm lẫn gây nguy hiểm.

Ngoài ra để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh trong, sau mưa lũ như: Thực hiện ăn chín, uống sôi, bảo đảm an toàn thực phẩm, thường xuyên rửa tay với xà phòng; Thực hiện thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước; Bảo đảm vệ sinh môi trường; Kịp thời phát hiện và phòng ngừa bệnh dịch truyền nhiễm như tiêu chảy, đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp, nước ăn chân, cảm cúm, dịch tả, lỵ, thương hàn...

Link gốc : https://khoahocdoisong.vn/5-loai-thuoc-can-co-trong-gia-dinh-mua-mua-lu-154705.html

Bạn đang đọc bài viết 5 loại thuốc cần có trong gia đình mùa mưa lũ tại chuyên mục Tư vấn tiêu dùng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tư vấn tiêu dùng