Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) thông báo, có 5 doanh nghiệp đăng ký mua lại trái phiếu trước hạn với tổng giá trị là 2.140 tỷ đồng. Đây là các trái phiếu đến hạn trong quý 4/2022 và năm 2023, TVSI là đại lý phát hành.
Cụ thể, Công ty Cổ phần (CTCP) Hưng Thịnh Land sẽ mua lại trước hạn toàn bộ 4 triệu trái phiếu đã phát hành vào ngày 28/12/2021 và đáo hạn ngày 28/12/2023. Thời gian dự kiến mua bắt đầu vào ngày 24/11/2022 và dự kiến hoàn thành mua lại trong 30 ngày. Lô trái phiếu này có giá trị 400 tỷ đồng.
CTCP Gotec Land cam kết mua lại trước hạn toàn bộ 6 triệu trái phiếu được phát hành vào ngày 15/10/2021 và đáo hạn ngày 15/10/2025. Lô trái phiếu có giá trị phát hành là 600 tỷ đồng. Thời gian dự kiến mua lại không muộn hơn ngày 30/6/2023.
CTCP TNHH Nam Land sẽ mua lại trước hạn toàn bộ 4 triệu trái phiếu được phát hành ngày 13/7/2021 và đáo hạn ngày 13/7/2024, tổng giá trị phát hành 900 tỷ đồng. Thời gian dự kiến mua lại không muộn hơn ngày 30/6/2023.
CTCP Thương mại Công nghệ An Phát có kế hoạch mua lại đối với lô 2 triệu trái phiếu phát hành ngày 30/12/2020 và đáo hạn ngày 30/12/2028, giá trị phát hành 200 tỷ đồng. Công ty dự kiến mua lại trước hạn tối thiểu 50% tổng mệnh giá trái phiếu đang lưu hành, tương đương 1 triệu trái phiếu ngay khi có thể nhưng không muộn hơn ngày 31/12/2022. Sau đó, mua lại toàn bộ số lượng trái phiếu còn lại ngay khi có thể nhưng không muộn hơn ngày 31/3/2023.
CTCP Năng lượng Thiên niên Kỷ dự tính mua lại trước hạn một phần của lô 2,5 triệu trái phiếu đã phát hành, tổng giá trị là 250 tỷ đồng. Tổng khối lượng trái phiếu dự kiến mua trước hạn là 40 tỷ đồng. Việc mua lại trái phiếu có thể được chia thành nhiều đợt cho đến khi mua lại hết số lượng trái phiếu dự kiến mua. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 4/2022 (từ ngày 9/11 đến 18/11/2022).
Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) cho biết, vấn đề đáng quan tâm của thị trường hiện nay là “trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ”. Đến giai đoạn 2023 – 2024, ước tính có khoảng 790.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn. Đây là điểm khác biệt “cần xử lý thỏa đáng”. Để làm được điều đó, cần cơ chế, chính sách của Nhà nước tạo điều kiện để thị trường bất động sản vận hành thông suốt.
Tính đến tháng 6/2022, 45 doanh nghiệp bất động sản niêm yết trên sàn chứng khoán ghi nhận hơn 273.000 tỷ đồng hàng tồn kho, chiếm quá nửa giá trị tài sản của doanh nghiệp. Đáng quan ngại nhất là hàng tồn kho thuộc các dự án “dở dang”.