Xét theo Thông tư số 07/2018/TT-BCT về việc sửa đổi Thông tư số 21/2017/TT-BCT do Bộ Công Thương ban hành, từ ngày 01/01/2019, các sản phẩm dệt may, hàng may mặc trước khi đưa ra thị trường bắt buộc phải được chứng nhận phù hợp quy chuẩn QCVN 01:2017/BCT về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm Azo trong sản phẩm dệt may.
Theo Quy chuẩn này, từ ngày 1/1/2019, danh mục sản phẩm dệt may chịu sự điều chỉnh gồm: Quần, áo, váy, các loại vải may mặc, các loại thảm trải sàn, hàng phụ kiện may mặc như tất, khăn, mũ, găng tay, cà vạt, chăn, ga, gối, đệm, rèm cửa, giày, dép thể thao, giày tennis, giày bóng rổ, giày thể dục, giày luyện tập và các loại tương tự… chỉ được lưu thông trên thị trường sau khi đã được chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy và đăng ký hồ sơ chứng nhận hợp quy theo quy định.
Trong đó, dấu hợp quy CR do doanh nghiệp được chứng nhận hợp quy tự gắn lên sản phẩm hàng hóa của mình, đồng thời chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý. Cơ quan quản lý sẽ kiểm tra dấu hợp quy trên sản phẩm, bao bì sản phẩm. Sau đó kiểm tra hồ sơ liên quan đến chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy; sản phẩm hàng hóa được gắn dấu hợp quy CR mà không chứng minh đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy thì bị coi là vi phạm pháp luật.
Nắm bắt được quy định trên, nhiều đơn vị đã chấp hành bằng việc chú trọng chứng nhận hợp quy theo QCVN 01:2017/BCT cho các sản phẩm quần áo, dệt may. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều doanh nghiệp vi phạm quy định pháp luật, không tiến hành chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy (CR) cho sản phẩm dệt may theo quy định của Bộ Công Thương. Điều này không khỏi khiến người tiêu dùng hoang mang mà còn tiềm ẩn nguy cơ tới sức khỏe nếu hàm lượng formaldehyde có trong sản phẩm dệt may vượt quá mức chuẩn cho phép.
Thời gian qua, Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) đã thực hiện tuyến bài ghi nhận thực tế liên quan vấn đề chứng nhận hợp quy đối với các sản phẩm dệt may. Trong vai người tiêu dùng, phóng viên đã đến nhiều cửa hàng trên địa bàn TP Hà Nội, từ các hộ kinh doanh nhỏ lẻ cho đến các doanh nghiệp có thương hiệu lớn, tuy nhiên trên nhãn sản dệt may hầu như “vắng” dấu chứng nhận hợp quy.
Cụ thể, phóng viên đã khảo sát 2 cửa hàng thuộc Hệ thống thời trang 137 KIDs, địa chỉ tại 408 Cầu Giấy và 31C Trần Quốc Toản, hầu hết sản phẩm quần áo cho trẻ em (cả nam và nữ) như áo vest, áo khoác lông, áo phông, quần short, váy trẻ em, giày dép trẻ em... đều không gắn dấu hợp quy (dấu CR) trên nhãn mác sản phẩm. Không chỉ không có dấu hợp quy được gắn trên sản phẩm, tại hai chi nhánh của Hệ thống thời trang 137 KIDS mà phóng viên khảo sát, nhãn mác các sản phẩm được in rất sơ sài, thiếu nhiều thông tin về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.
Tiếp đó, phóng viên đến 2 cửa hàng thuộc thương hiệu VENESTO có địa chỉ tại 36 Nguyễn Văn Huyên (quận Cầu Giấy) và 188 Tây Sơn (quận Đống Đa). Tại đây, nhiều sản phẩm quần áo vest, sơ mi, cà vạt phân phối tại hệ thống cửa hàng VENESTO không được gắn dấu hợp quy (dấu CR) trên nhãn mác sản phẩm. Được biết, VENESTO thuộc sở hữu của Công ty TNHH Thời Trang Veneto (địa chỉ đăng ký kinh doanh tại số 15/32/43 An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, TP.Hà Nội). Người đại diện pháp luật của công ty này là bà Đinh Ngọc Phượng (chức vụ Giám đốc).
Phóng viên tiếp tục đến 2 cửa hàng thuộc thương hiệu VASCARA có địa chỉ tại 114 Trần Duy Hưng và 248 đường Cầu Giấy. Tại đây, hàng loạt sản phẩm giày, giày thể thao đều không được gắn dấu hợp quy (dấu CR) trên nhãn mác sản phẩm. Thương hiệu VASCARA (thuộc Công ty TNHH MTV Global Fashion - địa chỉ tại Lầu 4, tòa nhà ACM, số 96 Cao Thắng, phường 4, quận 3, TP.Hồ Chí Minh) có tới hơn 130 cửa hàng trên toàn quốc. Điều đáng nói, khi phóng viên hỏi quản lý cửa hàng tại cơ sở Trần Duy Hưng thì người này cũng lắc đầu không biết dấu chứng nhận hợp quy (CR) là dấu gì và tại sao trên nhãn sản phẩm phải có dấu chứng nhận này.
Không chỉ các thương hiệu lớn như đã đề cập, nhiều cửa hàng kinh doanh quần áo, giày dép trên địa bàn TP.Hà Nội cũng không gắn dấu hợp quy trên nhãn sản phẩm. Thậm chí, nhiều sản phẩm cũng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, chỉ đơn thuần ghi vài dòng chữ tiếng nước ngoài, hoặc người bán tự giới thiệu là hàng Quảng Châu (Trung Quốc)... Khi sản phẩm dệt may chưa được chứng nhận hợp quy, đồng nghĩa với việc không ai biết sản phẩm có mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm Azo trong sản phẩm dệt may như thế nào? Nếu sử dụng trong thời gian dài và gây ra hậu quả đối với sức khỏe, ai sẽ chịu trách nhiệm?
Trong khi đó, theo GS. TS Nguyễn Hải Nam, Trưởng bộ môn Hóa dược (Trường Đại học Dược Hà Nội), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt kê formaldehyde vào loại hóa chất độc hại đối với sức khỏe con người. Cơ thể con người nếu tiếp xúc với formaldehyde trong thời gian dài dù hàm lượng cao hay thấp cũng gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng cho da và hệ thống hô hấp, các bệnh về bạch cầu, gây ung thư nhiều cơ quan trong cơ thể, đặc biệt là ung thư đường hô hấp như mũi, họng... Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) cho hay, các nhóm người dễ bị ảnh hưởng bởi formaldehyde nhất là trẻ em, người cao tuổi, những người bị hen suyễn và gặp các rắc rối về đường hô hấp.
Hơn nữa, pháp luật cũng quy định rất rõ ràng về việc xử phạt đối với sản phẩm không chứng nhận hợp quy khi lưu thông trên thị trường. Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hoá và Nghị định 126/2021/NĐ-CP quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hoạt động khoa học và công nghệ, chuyển giao công nghệ; năng lượng nguyên tử quy định rõ:
Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong sản xuất sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải công bố hợp quy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng: Không thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng phải công bố hợp quy; Không đăng ký hồ sơ công bố hợp quy tại cơ quan có thẩm quyền; Không sử dụng dấu hợp quy, sử dụng dấu hợp quy không đúng quy định đối với sản phẩm, hàng hóa đã được công bố hợp quy theo quy định khi đưa ra lưu thông trên thị trường; Không tự thực hiện các biện pháp ngăn chặn kịp thời khi phát hiện hàng hóa của mình đang lưu thông hoặc đã đưa vào sử dụng có chất lượng không phù hợp công bố hợp quy hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; Sử dụng chất phụ gia, hóa chất, kháng sinh bị cấm sử dụng hoặc chưa được phép sử dụng trong sản xuất sản phẩm, hàng hóa, trừ trường hợp trong sản xuất, pha chế thực phẩm;...
Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải công bố hợp quy theo quy định tại quy chuẩn kỹ thuật tương ứng: Không thực hiện đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng phải áp dụng một trong các biện pháp sau: Chứng nhận hoặc giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định đã đăng ký hoặc thừa nhận theo quy định pháp luật; tự đánh giá sự phù hợp của tổ chức, cá nhân; Không thực hiện chứng nhận hợp quy trong sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa là đối tượng phải chứng nhận hợp quy bởi tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định được chỉ định theo quy định pháp luật hoặc sử dụng giấy chứng nhận hợp quy, dấu hợp quy đã hết hiệu lực.
Phạt tiền từ 02 lần đến 03 lần giá trị sản phẩm, hàng hóa vi phạm đã tiêu thụ đối với hành vi sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng hoặc quy định của cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, các biện pháp khắc phục hậu quả theo thứ tự ưu tiên như sau: Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc buộc tái xuất đối với hàng hóa nhập khẩu; Buộc thu hồi và tái chế hoặc thay đổi mục đích sử dụng; Buộc thu hồi và tiêu hủy sản phẩm, hàng hóa vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, thủy sản nuôi, cây trồng và môi trường.