Hà Nội, Thứ Năm Ngày 28/03/2024

Bộ NN&PTNT nói gì về đề xuất của Hà Nội quy hoạch đô thị sông Hồng?

Kinh tế môi trường 15:06 20/07/2021

Liên quan đến quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, Bộ NN&PTNT mới đây đã có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội. Theo đó, Bộ NN&PTNT không nhất trí giữ lại hai khu dân cư Bắc Cầu và Bồ Đề như đề xuất của UBND.

Nâng cấp đê hiện có, không xây dựng 2 tuyến đường ven sông

Đối với giải pháp quy hoạch về đê và đường ven sông (nâng cấp đê hiện có thành đường chính khu vực và xây dựng 2 tuyến đường ven sông, chạy dọc sông tại các khu vực dân cư được tồn tại, bảo vệ và các khu vực được nghiên cứu xây dựng mới), Bộ NN&PTNT thống nhất với đề nghị của thành phố về việc nâng cấp đê hiện có đảm bảo an toàn chống lũ, kết hợp đáp ứng yêu cầu về giao thông.

Đồng thời thống nhất giải pháp quy hoạch xây dựng về đường giao thông trên nguyên tắc không thu hẹp không gian thoát lũ, không nâng cao các tuyến đê bối hiện có, không xây dựng đê bối mới. Tuy nhiên, theo bản đồ quy hoạch, phương án đề xuất xây dựng 2 tuyến đường ven sông được kết hợp chức năng là đê ngăn lũ với cao trình mặt đường +12,0 (trên mức lũ báo động 3) tương tự việc hình thành đê bối mới là không phù hợp.

Đối với đề nghị không di dời các khu dân cư Bắc Cầu, Bồ Đề, Bộ NN&PTNT cho rằng, Quy hoạch 257 đã xác định một số khu dân cư nằm sát bờ sông, thuộc khu vực lòng sông co hẹp, tốc độ dòng chảy cao, dễ bị sạt lở gây mất an toàn, khi có lũ cần phải di dời, trong đó có khu dân cư Bắc Cầu, Bồ Đề. Mặt khác, trong quá trình thành phố rà soát điều chỉnh quy hoạch phòng chống lũ chi tiết trên địa bàn, đã xác định các khu dân cư trên cần từng bước di dời để đảm bảo an toàn. Vì vậy, Bộ NN&PTNT đề nghị thực hiện theo Quy hoạch 257.

Bãi sông Hồng nơi cầu Nhật Tân bắc ngang qua. (Ảnh: Báo TN&MT)Ngoài ra, đề nghị bổ sung danh mục (giữ lại, cải tạo chỉnh trang, tái thiết) các khu vực dân cư hiện có ở bãi sông thuộc các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng chưa có trong phụ lục của Quy hoạch 257 là cần thiết và phù hợp.

Riêng đối với 3 khu vực bãi sông Tàm Xá - Xuân Canh, Thượng Cát - Liên Mạc, Chu Phan - Tráng Việt, Bộ NN&PTNT cho biết, đây là khu vực được phép xây dựng và có thể nghiên cứu nhưng hồ sơ Bộ nhận được không có thông số cụ thể về diện tích quy hoạch xây dựng tại các khu vực bãi sông nêu trên.

Đối với khu dân cư Kim Lan - Văn Đức hiện có ở bãi sông, Bộ NN&PTNT thống nhất với đề nghị của thành phố Hà Nội về việc giữ lại khu dân cư này. Đây là khu dân cư hiện có thuộc bãi sông Xuân Quan, Phụng Công (thị trấn Văn Giang) thuộc tỉnh Hưng Yên, đã được xác định trong danh mục dân cư tập trung tại Quy hoạch 257.

Tuy nhiên, với bãi Tàm Xá-Xuân Canh, tổng diện tích đất xây dựng đã vượt quá đất được xây dựng và chưa quy hoạch xây dựng về phía tuyến đê hiện tại theo Quy hoạch 257. Đối với bãi Thượng Cát - Liên Mạc, Chu Phan - Tráng Việt, tổng diện tích đất quy hoạch xây dựng vượt quá 5% phần diện tích bãi sông có thể nghiên cứu xây dựng. Đồng thời, một số diện tích đất quy hoạch xây dựng nằm ngoài phạm vi phần bãi sông có thể nghiên cứu xây dựng theo Quy hoạch 257 là không phù hợp.

Kiến nghị kiểm chặt đất bãi sông, đê điều, bãi nổi

Bộ NN&PTNT đề nghị Hà Nội chỉ đạo triển khai sớm lập phương án phòng chống lũ các tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều trong quy hoạch thành phố trình Thủ tướng phê duyệt theo quy định của Quy hoạch 257. Bộ cũng đề nghị Hà Nội chỉ đạo nghiên cứu bổ sung quy hoạch phân khu về đầu tư nâng cấp củng cố hệ thống đê điều thuộc phạm vi quy hoạch. Trong đó ưu tiên xử lý những vị trí trọng điểm, vị trí xung yếu như cống Liên Mạc, khu vực đê Hải Bối…; nghiên cứu quy hoạch hệ thống kè, chỉnh trị dòng chảy kết hợp chỉnh trang bờ bãi sông; xây dựng, lắp đặt trang thiết bị, phần mềm quản lý giám sát hệ thống đê điều; không quy hoạch đất xây dựng tại các khu vực bãi sông không thuộc hoặc có vị trí không phù hợp với danh mục bãi sông được phép xây dựng, có thể nghiên cứu xây dựng tại phụ lục của Quy hoạch 257.

Bộ NN&PTNT kiến nghị thành phố cần quản lý chặt chẽ đất bãi sông, đê điều, bãi nổi, nhất là sau khi hình thành các tuyến đường ở bãi sông theo quy hoạch; có giải pháp quản lý khu dân cư tập trung hiện có được tồn tại theo quy hoạch, không để phát triển thêm số khu, diện tích, số hộ dân ngoài bãi sông. Đồng thời rà soát, xây dựng phương án lộ trình di dời các khu vực dân cư ở khu vực lòng sông co hẹp nguy cơ mất an toàn khi có lũ lớn và các hộ dân vi phạm pháp luật về đê điều…

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Quốc gia về động lực học sông biển (thuộc Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam) cho biết: Một điều quan trọng nhất của Luật Đê điều sửa đổi là khẳng định không hề có chuyện ngăn cấm phát triển. Tuy nhiên, khi phát triển ở bãi sông thì phải tuân thủ quy định không làm dâng mực nước lũ, không làm ảnh hưởng đến thoát lũ.

Vấn đề đặt ra hiện nay là phải cụ thể hóa phương án thoát lũ. Với mỗi phương án quy hoạch thì phải có phương án thoát lũ, giải pháp về công trình đi kèm. Phải làm rõ từng vị trí khi sử dụng đất khu vực ngoài bãi và giải trình cụ thể cho từng vị trí. Đây là việc phải làm rõ vừa xuất phát từ yêu cầu về thoát lũ, vừa là yêu cầu khi thu hút nhà đầu tư.

Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Quỳnh, khi xem xét điều chỉnh QHPCL&ĐĐ không chỉ tính cho Hà Nội mà phải đặt trong mối quan hệ tổng thể của cả tuyến sông liên quan đến nhiều tỉnh thành như Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hà Nam, Phú Thọ. Về vấn đề lũ từ thượng nguồn không quá lo ngại, bởi chúng ta kiểm soát được. “Tôi khẳng định, với vấn đề đặt ra trong quy hoạch hai bên sông Hồng, các chuyên gia Việt Nam đủ khả năng để giải quyết. Tuy nhiên, đây là vấn đề đã kéo dài nhiều năm, rất cần sự quyết liệt của Hà Nội và các cơ quan liên quan để đi đến kết quả cuối cùng”, ông Quỳnh nhấn mạnh.

Link gốc : https://kinhtemoitruong.vn/quy-hoach-khu-do-thi-song-hong-bo-nnptnt-noi-gi-ve-de-xuat-cua-ha-noi-57416.html

Bạn đang đọc bài viết Bộ NN&PTNT nói gì về đề xuất của Hà Nội quy hoạch đô thị sông Hồng? tại chuyên mục Vấn đề hôm nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Vấn đề hôm nay