Báo Tuổi Trẻ đưa tin, Bộ Khoa học & Công nghệ (Bộ KH&CN) vừa có văn bản về "việc rà soát công tác quản lý cán bộ và cung cấp thông tin cho báo chí". Văn bản chỉ rõ, trong những ngày gần đây, báo chí có phản ánh một số thông tin liên quan đến ông Cao Xuân Quân - Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam trực thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.
Cụ thể, thời gian qua hàng trăm công nhân điêu đứng vì Công ty Minh Quân nợ lương. Có nhiều người phải đi nhặt ve chai, nhịn ăn, ngủ ngoài đường, vay lãi sống qua ngày. Theo phản ánh của những công nhân môi trường, dù làm 30, 31 ngày/tháng nhưng thu nhập cũng chỉ khoảng 5 triệu đồng trong khi đa số công nhân còn phải lo "cơm áo gạo tiền" cho cả gia đình. Thậm chí, nhiều người còn phải ngủ ở ngoài để tiết kiệm thêm được chút cho gia đình trang trải cuộc sống.
Đáng chú ý, Công ty Minh Quân sau khi được đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội cùng một công ty khác lại mới trúng gói thầu duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn quận Hà Đông (thời hạn 3 năm, kể từ đầu năm 2021) với số tiền lên tới 485 tỉ đồng.
Nhiều công nhân môi trường lao đao vì không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng. (Ảnh: Báo Dân Việt) |
Liên quan đến việc công nhân môi trường bị nợ lương, ông Trần Quang Tuấn - Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội cho biết, trách nhiệm trả nợ lương cho công nhân là ông Cao Xuân Quân, Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam. Theo ông Tuấn, do mới mua lại cổ phần từ Công ty Minh Quân vài tháng nên phần trách nhiệm trước đây thuộc về cổ đông cũ.
Trao đổi với báo chí, TS Cao Xuân Quân, Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam lại cho rằng: "Tôi không làm trực tiếp, giờ điều hành là tổng giám đốc mới, tập đoàn mới. Họ có nhiều tiền, giờ gia đình tôi khó khăn nên không làm nữa...". Ông Quân cho biết thêm, thời điểm ông còn điều hành công ty thì trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (TP.Hà Nội) phát sinh từ 150-170 tấn rác thải/ngày. "Vất vả, khối lượng phát sinh nhiều quá mong được chia sẻ...", ông Quân nói.
Được biết, vào ngày 9/3/2017, ông Cao Xuân Quân, Phó viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam được trao quyết định bổ nhiệm giữ chức vụ Viện trưởng kể từ ngày 1/3. Trước khi lên viện trưởng, ông Quân là cán bộ công tác nhiều năm tại Viện Đo lường Việt Nam.
Cũng đầu năm 2017, Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển công nghệ cao Minh Quân (gọi tắt là Công ty Minh Quân) trúng 6 gói thầu dịch vụ công ích vệ sinh môi trường giai đoạn 2017-2020 tại nhiều quận, huyện của TP.Hà Nội với tổng giá trúng thầu hơn 1.150 tỉ đồng.
Kể từ năm 2007 đến trước thời điểm đổi tên mới thành Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Hà Nội, Công ty Minh Quân thay đổi hơn 20 lần giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Đến tháng 5/2020, Bảo hiểm xã hội TP.Hà Nội xác định công ty này nợ đóng bảo hiểm xã hội 24 tháng của 459 lao động với tổng tiền khoảng 19 tỉ đồng. Đầu năm 2021 Công ty Minh Quân bị Thanh tra TP.Hà Nội thanh tra.
Trước tình hình trên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, đề nghị Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiến hành rà soát công tác quản lý cán bộ đã được phân cấp theo quy định phân cấp quản lý công chức, viên chức trong các đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN.
Liên quan đến việc nợ lương công nhân, bà Trần Thị Bích - đại diện Tập đoàn Nam Hà Nội cho biết, tại khoản 7, Điều 2 - Thỏa thuận chuyển nhượng ngày 20/11/2020 quy định, bên chuyển nhượng các cổ đông và công ty hoàn toàn độc lập và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về nghĩa vụ nợ đã ký kết và/hoặc đã phát sinh trước thời điểm ký Hợp đồng chuyển nhượng. Thời hạn chậm nhất phải thanh toán nghĩa vụ nợ của bên chuyển nhượng là ngày 31/12/2020.
Bên chuyển nhượng chịu trách nhiệm trước pháp luật cũng như tránh cho bên nhận chuyển nhượng về mọi thiệt hại, kiện tụng, khiếu nại, tranh chấp,… liên quan đến nghĩa vụ nợ trước ngày ký kết thỏa thuận chuyển nhượng… Do đó, để xảy ra tình trạng nợ lương, chậm giải quyết những tồn tại phát sinh đó là trách nhiệm của Công ty Minh Quân.
Luật sư Mai Thảo, Phó giám đốc Công ty luật TAT Law Firm (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) bày tỏ, với người lao động làm việc tại các công ty môi trường đô thị, mức lương của công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải cao hơn ít nhất 5-7% so với mức lương của công việc có độ phức tạp tương đương, làm việc trong điều kiện lao động bình thường.
Ngoài tiền lương, những người lao động này được hưởng thêm phụ cấp, mức phụ cấp xấp xỉ 600.000 đồng/tháng.
Với quy định pháp luật hiện hành, việc công ty chuyển đổi tên không làm thay đổi quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sử dụng lao động phải có trách nhiệm với chính lao động của mình, ở đây không chỉ là vấn đề luật pháp mà còn là đạo đức kinh doanh…".
Theo Kinh Tế Môi Trường