Không cần thanh tra giao thông ra đường
Cho ý kiến tại phiên thảo luận tổ ngày 11/11, phân tích một số vấn đề dư luận băn khoăn, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết, khi tách làm hai luật sẽ tiết kiệm được rất nhiều chứ không lãng phí như một số lo ngại. Việc này không làm phát sinh thêm nhân sự, thậm chí còn rút gọn được. Ông ví dụ như, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) có thể phối hợp các đơn vị khác xử lý, không cần lực lượng thanh tra giao thông hoạt động trên mặt đường nữa.
“Không nước nào mà CSGT giữ xe vi phạm, sau đó chờ Thanh tra giao thông đi kiểm tra, như thế rất chồng chéo, bất cập”, Bộ trưởng Bộ Công an nói, đồng thời khẳng định lực lượng CSGT hoàn toàn có thể hoàn thành thêm các nhiệm vụ này nhờ áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật.
Trước băn khoăn về các cơ sở sát hạch lái xe vốn đã được Bộ GTVT đầu tư thời gian qua, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định không đụng chạm đến các cơ sở này, bởi việc đào tạo lái xe chủ yếu là xã hội hoá. Bộ Công an chỉ kiểm soát cấp bằng lái xe và quản lý bằng lái xe đúng quy trình, quy chuẩn.
Thực trạng hệ thống camera giao thông hiện nay rất nhiều đơn vị trang bị trên nhiều tuyến đường nhưng mỗi bên một kiểu, khi có vi phạm cần kiểm tra xem xe màu gì, biển số bao nhiêu thì camera đó lại không đáp ứng được, lại cần phải trang bị thêm camera chuyên dụng. “Việc trang bị này phải đạt chuẩn, kết nối và hệ thống lại và như thế sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều”, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng, việc ban hành luật cũng góp phần phục vụ công tác phòng chống tội phạm. Qua tham khảo kinh nghiệm các nước, các xe được tích hợp vào hệ thống dữ liệu trung tâm, giúp kịp thời phát hiện, xử lý thông tin, cũng như phát hiện xe biển giả, biển lệch chuẩn, còn như hiện nay ở ta kiểm soát biển giả rất khó khăn.
Cam kết ban soạn thảo sẽ cố gắng hoàn thiện dự án luật trước kỳ họp tới, Đại tướng Tô Lâm đề xuất luật sớm được ban hành để giải quyết được 2 vấn đề nhân dân rất bức xúc hiện nay là hạ tầng và trật tự an toàn giao thông.
Đề xuất lấy ý kiến đại biểu Quốc hội
Trong khi đó, không ít đại biểu còn băn khoăn về việc tách dự án luật này ra thành hai luật riêng. Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật băn khoăn, điều ông muốn nghe nhất là tại sao chúng ta lại tách ra thành hai luật, thì Bộ trưởng GTVT lại chưa đề cập. Ông cũng cho rằng, có nhiều điểm còn trồng lấn, trùng lắp giữa hai dự thảo luật.
Ông Tùng ví dụ, cùng là phương tiện giao thông nhưng dự án Luật Giao thông đường bộ điều chỉnh an toàn kỹ thuật, tức là đăng kiểm, môi trường; còn phương tiện giao thông của Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông thì dưới góc độ đăng ký xe, cấp biển số xe.
“Cái tổng thể của giao thông bao gồm hai yếu tố cấu thành: tĩnh và động. Liệu chúng ta có tách được hai cái này ra không để điều chỉnh trong hai luật mà nó không liên quan tới nhau và đều hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn giao thông?”, ông Tùng đặt câu hỏi.
Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) băn khoăn, khi giao thông tĩnh và động là 2 mặt của vấn đề, quan hệ chặt chẽ với nhau, không thể tách một cách cơ học như thế.
Về lý do có hiện tượng bằng giả, đào tạo sát hạch có tiêu cực nên phải chuyển đổi, theo ông Phong “ngành nào chẳng có”. “Cần tăng cường kiểm tra, xử lý thôi, nói mà chuyển hết qua thì sổ đỏ cũng có giả, chứng minh thư cũng có giả, hộ chiếu cũng có giả, bằng cử nhân, thạc sĩ cũng có giả... Nếu để cho thật hết thì chuyển hết qua công an, ông cho hay.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) đề nghị sau buổi thảo luận này cần kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lấy ý kiến đại biểu Quốc hội xem có nên tách luật không rồi mới làm tiếp.