Thủy điện có phá rừng?
Cơn đại hồng thủy tại miền Trung vừa qua là vô cùng thảm khốc. Nó khiến cho nhiều người mất mạng, mất nhà cửa và thiệt hại về kinh tế, môi trường vô cùng lớn. Phần lớn dư luận đều cho rằng, lũ chồng lũ là do phá rừng làm thủy điện, xả lũ khiến cho sạt lở đất và lũ dâng cao.
Tuy nhiên, PGS.TS Vũ Thanh Ca của Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội nêu quan điểm: "Ta cứ chửi thủy điện phá rừng. Nhưng rừng của ta cơ bản không còn. Chỉ còn một ít trong khu bảo tồn, rừng nguyên sinh. Thủy điện có phá rừng nhưng phá không đáng kể".
Ông nêu dẫn chứng thực trạng rừng Việt Nam hiện nay Việt Nam hầu như không còn gì về đa dạng sinh học từ rừng, sông, biển… Nhiều người vào rừng không còn nghe tiếng gì, im lặng hoàn toàn. Rừng không thú, muông, sông, biển gần như hết cá.
Ông cho rằng, lòng hồ thủy điện một phần là sông, một phần là rừng. Có một số thủy điện lợi dụng thủy điện để phá rừng lấy gỗ. Nhưng chỉ phá trong diện tích hồ, trong quy hoạch.
PGS.TS Vũ Thanh Ca nêu quan điểm cá nhân là không ủng hộ thủy điện vì cho rằng vấn đề biến đổi khí hậu rất phức tạp.
Đồng tình với quan điểm, thủy điện phá rất ít rừng và còn trồng bù lại diện tích đã mất, ông Nguyễn Tài Sơn, chuyên gia thủy điện Bộ Công thương đưa ra những số liệu về sự phục hồi của rừng nhờ thủy điện. Năm 1995 độ che phủ rừng còn 28,2%. Năm 2019, độ che phủ tăng lên 41,89%.
Tất nhiên, chất lượng rừng trồng không thể so với rừng tự nhiên. Nhưng vào năm 1995, Việt Nam chưa có thủy điện. Sau năm 2000, thủy điện phát triển mạnh mẽ nhất và chấm dứt trước 2012. Độ che phủ tăng lên 40,7% vào 2012. Rừng phụ hồi do thủy điện, lấy bao nhiêu bù bấy nhiêu. Thủy điện có quỹ phục hồi rừng. Chi cho người dân sinh kế để họ bảo vệ rừng.
Thủy điện xả điều tiết không xả lũ
Ông Sơn cho rằng, thủy điện xả điều tiết chứ không xả lũ như dư luận từng nói. Ông cũng phản bác quan điểm cho rằng, thủy điện gây ra lũ lụt. Theo ông, thủy điện không gây ra lũ lụt mà còn góp phần chống hạn và cắt lũ. Ông đưa ra dẫn chứng trong đợt mưa lũ vừa qua:
Hồ thủy điện Quảng Trị cắt 21% lũ. Nhưng do lượng lũ quá lớn nên dân vẫn khốn đốn. Hương Điền cắt 45%. Sông Bung 4 cắt 42,7%. Đăk Mi cắt 74,7%. Tổng cắt hạn chế được hạ du. Sông Tranh 2 cắt 20,3% lũ, hôm 29/10/2020 cắt được một nửa. Vì vậy, không nên nói lũ do thủy điện xả lũ.
Trả lời câu hỏi tại sao phải làm thủy điện nhỏ, ông Nguyễn Tài Sơn cho rằng:
Do địa hình địa chất, hiệu quả kinh tế nên phải làm thủy điện nhỏ. Hồ nhỏ thì tác động môi trường gần như không đáng kể. Tất cả quốc gia trên thế giới khuyến khích làm thủy điện nhỏ, trừ Việt Nam. Chỉ riêng Việt Nam bài xích thủy điện nhỏ, từ truyền thông đến nhà chính trị. Tôi thấy không đúng.
Về vấn đề lũ lụt, PGS.TS Vũ Thanh Ca không ủng hộ quan điểm cho rằng, lũ chồng lũ là do thủy điện vì: "Không có lý do gì để hồ xả lớn hơn mực nước về. Nước trong hồ là tài sản, tích nước quan trọng".
Trái với nhiều quan điểm trên, TS. Nguyễn Ngọc Chu cho rằng: Rừng mới trồng không thể tính là tự nhiên. Việc lợi dụng xây dựng thủy điện để lấy rừng, lấy tài nguyên là có.
Miền Trung không cần làm thủy điện để giữ lũ vì không giữ được. Mặt khác, quản lý thủy điện nhỏ chưa tốt còn gây tác hại.
Sau tất cả những tranh cãi về thủy điện nhỏ liên quan đến lũ lụt, Cục phó Cục điện lực và năng lượng tái tạo Bộ Công thương Đỗ Đức Quân cho biết: "Không phải không làm thủy điện nhỏ nữa. Chỉ dừng dự án từ 3MW trở xuống. Xem xét các dự án ảnh hưởng đất rừng, đất lúa, hạ du sẽ dừng. Bộ Công thương đang đề nghị các tỉnh rà soát lại dự án trên địa bàn sau lũ cực đoan đề có hướng phát triển".