Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Hé lộ thủ đoạn tinh vi buôn lậu hàng hóa với mác 'made in Vietnam'

VietQ 09:58 19/04/2021

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều thủ đoạn tinh vi của các đối tượng nhằm thực hiện hành vi buôn lậu hàng hóa, giả mạo xuất xứ Việt Nam.

Qua kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều thủ đoạn tinh vi của các đối tượng nhằm thực hiện hành vi buôn lậu hàng hóa, giả mạo xuất xứ Việt Nam.

Hàng nghìn vụ vi phạm bị phát hiện, xử lý

Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, thời gian qua, thực hiện Kế hoạch số 19/KH-BCĐ389 về tăng cường phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam, Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng đã đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt công tác góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 119/NQ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ về phòng chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, Quyết định số 824/QĐ-TTg ngày 4 tháng 7 năm 2019 phê duyệt Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.

Các lực lượng chức năng đã tích cực, chủ động trong việc nắm tình hình, tổ chức tuần tra, kiểm tra, kiểm soát từ biên giới đến nội địa; xác lập các chuyên án, kế hoạch đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của các đường dây tổ chức buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.

Các lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp, hiệp đồng, chủ động phòng ngừa, đấu tranh, nhất là ở các địa bàn, mặt hàng trọng điểm nên hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần ổn định tình hình an ninh – trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bảo vệ người tiêu dùng.

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Ban Chỉ đạo 389 các Bộ, ngành, địa phương, các lực lượng chức năng đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội đã quan tâm, làm tốt hơn công tác tuyên tryền, nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội về tác hại của việc buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam.

Theo kết quả báo cáo các Bộ, ngành và địa phương, các lực lượng chức năng trong cả nước đã xác lập các chuyên án, kế hoạch và triển khai nhằm kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh với các đường dây, tổ chức buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam trên cả nước. Điển hình như việc bộ đội biên phòng đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng bắt giữ 1.501 vụ/1.077 đối tượng thu giữ nhiều loại hàng hóa; lực lượng công an đã phát hiện, bắt giữ 411 vụ, trong đó khởi tố 22 vụ/14 bị can; xử lý hành chính 371 vụ, phạt tiền 2.404 triệu đồng; lực lượng Hải quan đã phát hiện, bắt giữ 30 vụ, trị giá hàng hóa ước tính trên 35 tỉ đồng; lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra/ xử lý 10.533 vụ/9.510 vụ, với số tiền xử phạt vi phạm hành chính 37.266.175.200 đồng, trị giá hàng hóa hơn 26,821 tỷ đồng.

Lực lượng Quản lý Thị trường kiểm tra một cơ sở kinh doanh hàng hóa. Ảnh minh họa

Nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi

Qua triển khai Kế hoạch 19, nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi của các đối tượng cũng đã được Ban chỉ đạo 389 quốc gia tập hợp và chỉ rõ. Trong đó, có tình trạng hàng hóa được đặt sản xuất ở nước ngoài trước khi nhập khẩu về Việt Nam các thông tin về nhãn hiệu, địa chỉ trụ sở, trang web được ghi sẵn bằng tiếng Việt và dòng chữ “Made in Vietnam hoặc sản xuất tại Việt Nam” trên sản phẩm, bao bì sản phẩm hoặc phiếu bảo hành, sau đó thông qua nhiều phương thức gian lận để vận chuyển về Việt Nam tiêu thụ.

Hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài, dán nhãn hàng hóa hoặc ghi xuất xứ hàng hóa được sản xuất tại nước ngoài nhưng khi đưa ra lưu thông, tiêu thụ nội địa hoặc xuất khẩu tiếp đi nước thứ 3 thì nhãn hàng hóa được thay mới ghi “Made in Vietnam” hoặc “sản xuất tại Việt Nam” hoặc “xuất xứ Việt Nam” để lừa dối người tiêu dùng.

Một số doanh nghiệp bao gồm cả doanh nghiệp FDI, khai nhập khẩu các loại linh kiện/nguyên vật liệu để sản xuất, gia công xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước nhưng thực chất là sản phẩm hoàn chỉnh, không trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc chỉ trải qua công đoạn gia công, lắp ráp đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định, ký khống các hợp đồng mua nguyên vật liệu trong nước, khai gian dối các chi phí đầu vào, hợp thức hóa về chứng từ, sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng cho nhiều tờ khai xuất khẩu để xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) của Việt Nam. Thậm chí doanh nghiệp không có chức năng cấp C/O nhưng đã tự thiết kế mẫu C/O để cấp cho doanh nghiệp khác xuất khẩu.

Tinh vi hơn, có doanh nghiệp còn đầu tư nhà máy, nhập khẩu trang thiết bị vừa đủ để có thể sản xuất, gia công, lắp ráp từ linh kiện/nguyên liệu thành sản phẩm hoàn chỉnh, đủ điều kiện cấp C/O và khai xuất xứ Việt Nam chỉ để phục vụ khi các cơ quan chức năng đến kiểm tra. Tuy nhiên, thực chất doanh nghiệp vẫn nhập khẩu sản phẩm hoàn chỉnh ở nước ngoài nhưng khai là linh kiện/nguyên vật liệu, sau đó khai là xuất xứ Việt Nam, được sản xuất, lắp ráp tại nhà máy đã đầu tư.

Doanh nghiệp đăng kí tờ khai nhập khẩu tại một Chi cục Hải quan nhưng xuất khẩu tại Chi cục Hải quan khác để tránh bị phát hiện hàng hóa xuất khẩu không trải qua quá trình sản xuất, không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo qui định. Có doanh nghiệp còn trộn lẫn hàng hóa có nguồn gốc nhập khẩu với hàng hóa sản xuất trong nước, trên toàn bộ bao bì và tờ khai ghi xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu.

Các đối tượng thành lập nhiều công ty, mỗi công ty nhập khẩu một số linh kiện, phụ tùng để lắp ráp hoặc bán linh kiện cho công ty khác để thực hiện gia công, lắp ráp đơn giản không đáp ứng tiêu chí xuất xứ theo quy định nhưng vẫn ghi sản xuất tại Việt Nam hoặc xuất xứ Việt Nam để tiêu thụ tại thị trường trong nước hoặc xuất khẩu sang nước thứ ba. Doanh nghiệp lợi dụng cơ chế chứng nhận xuất xứ tự động của một số quốc gia để đưa hàng hóa chuyển tải qua Việt Nam để có chứng từ ghi nhận địa điểm cảng xuất, sau đó khai báo sai thông tin xuất xứ để xuất khẩu.

Theo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, cơ quan này sẽ tiếp tục rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến công tác buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam;

Quan tâm việc đào tạo, tập huấn cho các lực lượng chức năng để nâng cao hiểu biết, năng lực về lĩnh vực này, kịp thời nhận diện phương thức, thủ đoạn mới.

Chủ động phối hợp nắm tình hình, phân tích thông tin, đánh giá, dự báo các mặt hàng có nguy cơ giả mạo xuất xứ Việt Nam để kịp thời phát hiện các đối tượng, xây dựng các chuyên án, kế hoạch, phương án đấu tranh, ngăn chặn, triệt phá hiệu quả các đường dây, ổ nhóm tội phạm.

Tăng cường công tác thông tin, tuyên tuyền những bài học kinh nghiệm của các lực lượng chức năng; lan tỏa gương người tốt, việc tốt, tuyên truyền tích cực hơn nữa để nhân dân không tiếp tay cho đối tượng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ Việt Nam, tham gia tố giác tội phạm.

Link gốc : http://vietq.vn/lat-tay-nhung-thu-doan-tinh-vi-buon-lau-hang-hoa-gia-mao-xuat-xu-viet-nam-d185937.html

Bạn đang đọc bài viết Hé lộ thủ đoạn tinh vi buôn lậu hàng hóa với mác 'made in Vietnam' tại chuyên mục Tiêu dùng thông minh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tiêu dùng thông minh