Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 20/04/2024

Từ hàng giả ở Sài Gòn Square đến ‘bài toán’ kiểm tra chất lượng hàng hóa

kinh doanh 15:50 06/11/2022

Vụ kiểm tra đột xuất “thiên đường mua sắm” Sài Gòn Square đã làm lộ rõ chuyện tràn lan hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng. Từ đây cũng đặt ra “bài toán” kiểm tra của cơ quan chức năng nhà n

Trung tâm thương mại Sài Gòn Square (77-89 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường Bến Thành, quận 1, Tp.HCM) ra đời từ năm 2000, được mệnh danh là “thiên đường mua sắm” của giới shopping Sài Thành. Đây cũng là "điểm nóng” với các vi phạm liên quan đến kinh doanh hàng giả, hàng nhái các thương hiệu nổi tiếng.

Kiểm tra kiểu “mưa dầm” liệu có "thấm lâu"?

Ngày 1/11 vừa qua, tại trung tâm thương mại này, kiểm tra một cách bất ngờ và đồng loạt ở 6 điểm kinh doanh các mặt hàng như túi ví, mắt kính, quần áo, phụ kiện trang sức mang các nhãn hiệu Gucci , Dior, Chanel, Louis Vuitton, Adidas, Nike, Hermes…, lực lượng quản lý thị trường đã tạm giữ gần 2.000 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm về hàng giả, hàng nhái để tiếp tục xử lý.

-2992-1667484147.jpg

Bên cạnh chuyện kiểm tra của Nhà nước về chất lượng hàng hoá, các DN cần ứng dụng công nghệ nhằm biết được sản phẩm thật của mình đi từ đâu đến đâu thay vì để cho hàng giả, hàng nhái chen chân vào.

Lực lượng quản lý thị trường cho rằng, các hộ kinh doanh ở đây có đủ các chiêu trò để đối phó với các cơ quan chức năng nhằm "ngăn chặn", hạn chế việc kiểm tra. Đây cũng là nơi “làm giàu” của nhiều hộ kinh doanh bởi “siêu lợi nhuận” từ việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái các nhãn hiệu nổi tiếng.

Trước đó, lực lượng chức năng đã nhiều lần kiểm tra Sài Gòn Square nhưng tình trạng buôn bán hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, giả nhãn hiệu, hàng nhái... vẫn diễn ra công khai hàng ngày.

Cho nên, theo quan điểm của quản lý thị trường, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, khi liên tục bị đánh vào kinh tế, các hộ kinh doanh tại đây sẽ dần thay đổi thói quen buôn bán hàng giả, hàng nhái để tiến tới kinh doanh các mặt hàng có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng.

Thế nhưng, trên thực tế việc kiểm tra kiểu “mưa dầm thấm lâu” chưa hẳn sẽ thay đổi một bộ phận giới kinh doanh từ bỏ lợi nhuận kếch xù từ bán hàng giả. Điều này có thể thấy rõ từ tình trạng hàng giả vẫn “mọc lên như nấm sau mưa” không chỉ ở một số trung tâm thương mại mà còn ở các sàn thương mại điện tử (TMĐT).

Đó là lý do mà một số sàn TMĐT như: Tiki, Sendo, Chotot... dùng công nghệ “máy học” (một ứng dụng của trí tuệ nhân tạo AI) để ngăn hàng giả. Chẳng hạn như Tiki mỗi tháng phát hiện hàng nghìn thương hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ hoặc kém chất lượng và thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ ra khỏi sàn trước khi khách hàng mua.

Tuy vậy, không phải sàn TMĐT nào cũng có thể ngăn chặn triệt để tình trạng hàng giả, hàng nhái. Nhất là khi kiểm tra của Nhà nước đối với hàng hoá lưu thông ở phương thức truyền thống còn nhiều thách thức thì ở môi trường TMĐT thậm chí còn gặp nhiều khó khăn hơn.

Thậm chí, để thực thi có hiệu quả các quy định về kiểm tra hàng hoá lưu thông trên các trang TMĐT, đồng thời không can thiệp quá sâu vào hoạt động của doanh nghiệp (DN) cũng là cả bài toán nan giải.

Phải bảo vệ doanh nghiệp chân chính

Như với dự thảo Thông tư Quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường thay thế Thông tư số 26/2012TT-BKHCN và Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN đang được Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra lấy ý kiến, theo quan điểm của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đối kiểm tra chất lượng hàng hoá trong hoạt động kinh doanh TMĐT, việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hoá nếu được thực hiện tốt sẽ cho phép ngăn chặn hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng đến tay người tiêu dùng, đồng nghĩa với bảo vệ các DN sản xuất, kinh doanh chân chính.

Tuy nhiên, VCCI bày tỏ băn khoăn là quy định hiện tại chưa rõ kế hoạch kiểm tra đối với hàng hoá giao dịch trên sàn TMĐT sẽ được phân loại theo mặt hàng hay theo sàn hay theo người bán?

Chẳng hạn nếu một sàn có đơn vị vận chuyển riêng thì có kiểm tra theo chuyến hàng hay tiêu chí nào ? Quy định chung chung như hiện tại sẽ dẫn đến khả năng có thể kiểm tra tất cả, nếu trong trường hợp kiểm tra hàng hoá trên đường vận chuyển một xe vận chuyển có thể phải kiểm tra hết toàn bộ, hoặc nếu chỉ kiểm tra một mặt hàng nhưng cũng sẽ gây ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng của tất cả các mặt hàng còn lại.

Ngoài ra, trong chuyện kiểm tra đột xuất về chất lượng hàng hoá cũng vấp phải những ý kiến trái chiều. Dựa theo Điểm a, khoản 2 Điều 5 của Dự thảo, một trong những căn cứ kiểm tra đột xuất về chất lượng hàng hóa hiện hành là: “Theo yêu cầu quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá”, tuy nhiên có ý kiến cho rằng quy định này chưa đủ rõ ràng (không rõ về phạm vi của “yêu cầu quản lý Nhà nước về chất lượng hàng hóa” là như thế nào ?

Hoặc phạm vi này là quá rộng và có thể kiểm tra DN bất kỳ lúc nào (vì bất kỳ lý do nào liên quan đến kiểm tra chất lượng hàng hóa) và có thể dễ bị lạm dụng để tiến hành kiểm tra và ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của DN.

Từ những mối băn khoăn nêu trên để thấy việc kiểm tra của Nhà nước đối với chất lượng hàng hoá là điều không hề đơn giản. Như với lĩnh vực TMĐT, có thể nên bổ sung cách xác định chủ sở hữu hàng hoá và tiêu chí xác định đối tượng thuộc diện kiểm tra là hàng hoá được lưu thông bằng phương thức TMĐT; bổ sung các quy định về trách nhiệm của chủ sở hữu hàng hoá, người vận chuyển…

Còn trên thực tế, trước vấn nạn hàng giả, ngoài vấn đề kiểm tra của Nhà nước về chất lượng hàng hoá, trao đổi với VnBusiness, ông Trần Minh Huy, Phó chủ tịch CTCP True Data nhấn mạnh, các DN làm ăn chân chính trước hết phải bảo vệ chính mình. Vì vậy, bên cạnh chuyện kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước, các DN cần ứng dụng công nghệ nhằm biết được sản phẩm thật của mình từ đâu đến đâu, người tiêu dùng cũng nhìn thấy được sản phẩm thật của DN thay vì để cho hàng giả, hàng nhái chen chân vào.

Bạn đang đọc bài viết Từ hàng giả ở Sài Gòn Square đến ‘bài toán’ kiểm tra chất lượng hàng hóa tại chuyên mục Sản phẩm dịch vụ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Sản phẩm dịch vụ