Doanh số ngành hàng laptop đã liên tục tăng trưởng mạnh mẽ trong 2 năm đại dịch nhưng đến nửa cuối 2022 mọi chuyện đã khác vì nhu cầu giảm mạnh. Cụ thể, theo số liệu của các hãng nghiên cứu thị trường, năm 2020 khi Covid-19 bắt đầu, tổng doanh thu thị trường tăng 22,5%. Tới 2021, ngành hàng laptop bùng nổ với mức tăng trưởng 72,5%. Tuy nhiên, hết năm 2022, toàn thị trường đi xuống với mức giảm 20%.
Trải qua 6 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh doanh ngành hàng laptop tại thị trường Việt Nam có phần ảm đạm. Theo chia sẻ từ đại diện hệ thống Thế Giới Di Động, thị trường laptop Việt Nam bị ảnh hưởng khá nhiều bởi đợt hàng tồn kho từ năm 2022 cùng với đó là sức mua giảm do tình hình kinh tế suy thoái.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc Khối Viễn thông di động, hệ thống FPT Shop cho biết, thị trường laptop tại Việt Nam duy trì ở mức thấp trong nửa đầu năm 2023 và dự đoán sẽ phục hồi đáng kể khi thị trường bước vào mùa cao điểm trong nửa cuối năm.
Sức bán laptop giảm mạnh bởi một số lý do như phần lớn khách hàng đã mua máy tính vào khoảng thời gian dịch trước đó nên hiện chưa đến chu kỳ đổi máy mới, ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế khiến sức mua giảm mạnh, điều này cũng làm tăng áp lực tồn kho, lượng cung ứng lại vượt quá khả năng đáp ứng nhu cầu.
“Giữa làn sóng suy thoái chung nên hệ thống cũng có bị ảnh hưởng khá nhiều bởi những yếu tố bất lợi từ thị trường như sức mua mặt hàng ICT giảm mạnh, chi phí tài chính liên tục tăng cao, lạm phát cao, thị trường mua trả góp liên tục suy giảm…”, ông Kha nói thêm.
Quý III và IV hàng năm thường ghi nhận thị trường máy tính tăng trưởng mạnh do là mùa tựu trường, mùa mua sắm cuối năm. Do đó, các hệ thống bán lẻ hãng máy tính đều bày tỏ sự lạc quan và cho rằng có những dấu hiệu tích cực để khôi phục thị trường nửa cuối năm 2023.
“Chúng tôi nghĩ rằng doanh số ngành hàng laptop sẽ tăng trưởng vào giai đoạn nửa cuối năm 2023. Thứ nhất, chúng tôi vừa cho ra mắt loạt sản phẩm mới trải dài nhiều phân khúc khác nhau nhằm đáp ứng đa dạng nhu cầu người dùng. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng hợp tác với các hệ thống bán lẻ lớn để mang đến các chương trình hấp dẫn cho mùa nhập học sắp tới. Cuối cùng, năm 2021, 2022 giá các sản phẩm laptop tăng cao, hiện tại thị trường dần điều chỉnh lại ở mức hợp lý hơn rất nhiều, từ đó có thể kích thích nhu cầu mua sắm của người dùng”, ông Michael Chang, Giám Đốc Marketing MSI Notebook Việt Nam nhận định.
Theo ông Nguyễn Thế Kha, mọi việc đều có tính chu kỳ, qua giai đoạn thấp điểm sẽ hồi phục trở lại. Hiện nay, tỷ lệ người dân có laptop nhiều, trong khi đó, tỷ lệ người dân có nhu cầu đổi máy 2-3 năm/lần khá cao. Bên cạnh đó, hàng năm đều có số lượng lớn học sinh, sinh viên cần sử dụng máy tính phục vụ việc học tập. Ngoài ra, sản phẩm công nghệ luôn được nâng cấp những tính năng mới ưu việt hơn nên nhiều người cũng có nhu cầu nâng cấp máy. Do đó, thị trường vẫn có mức tăng trưởng từ 5% - 10% mỗi năm.
“Dự báo thị trường laptop sẽ sôi động trong nửa cuối năm 2023, đặc biệt trong quý III khi bước vào mùa tựu trường. Đây là thời điểm người dùng tìm mua máy tính xách tay nhiều nhất năm do nhu cầu của tân sinh viên tăng cao. Đây cũng là thời điểm tăng trưởng vàng của ngành hàng laptop tại Việt Nam. Theo dữ liệu thống kê, vào mỗi Quý III hàng năm, doanh số máy tính tại FPT Shop thường tăng gấp đôi so với quý trước đó”, ông Kha nói.
Khi được hỏi về tính năng, công nghệ nào sẽ được các hãng hướng đến trong thời gian tới, ông Michael Chang cho rằng AI sẽ trở thành xu hướng. Hãng sẽ thể kết hợp phần cứng cùng phần mềm giúp mang đến nhiều trải nghiệm mới, tiện lợi cho người dùng.
Bên cạnh đó, sau dịch Covid-19, nhu cầu đi du lịch của mọi người tăng cao. Do đó, ai cũng mong muốn có mẫu laptop thực sự nhỏ gọn, nhẹ để vừa có thể dễ dàng bỏ vào balo, di chuyển nhưng vẫn đủ mạnh để đáp ứng công việc.
"Công nghệ 3D trên màn hình laptop đang một số hãng thử nghiệm và xem phản hồi từ người dùng. Do đó, tôi nghĩ nếu thành công và được đón nhận thì đây cũng sẽ trở thành xu hướng mới nhưng cần ít nhất 3-4 năm nữa mới có thể phổ biến", ông Michael Chang chia sẻ.
Theo Nhịp sống thị trường