Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 22/11/2024

Doanh số máy tính bảng, laptop tăng cao, doanh nghiệp phân phối vẫn than khó

TDVN 17:35 08/09/2021

Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và người dân phải thực thiện giãn cách xã hội, hàng loạt chuỗi cửa hàng thiết bị điện tử kêu khó vì doanh số giảm mạnh.

Thị trường iPhone ảm đạm

Theo thống kê của hệ thống cửa hàng thiết bị điện tử FPT, trong nửa đầu năm 2021, iPhone 12 Pro Max từng là mẫu iPhone bán chạy nhất, nằm trong top 3 smartphone ăn khách nhất, cạnh tranh doanh số với các mẫu Android giá rẻ. Tuy nhiên đến tháng 8, sản phẩm thậm chí không có mặt trong top 10.

Tại chuỗi cửa hàng ShopDunk, doanh số chung của iPhone trong tháng 8 và đầu tháng 9 đã giảm khoảng 60% so với giai đoạn trước đó. Mẫu máy cao cấp nhất iPhone 12 Pro Max từng liên tục giữ vị trí top đầu về doanh số, nhưng nay được tiêu thụ chậm hơn các mẫu iPhone 11, iPhone XR.

Còn tại chuỗi Hnam Mobile tại TP.Hồ Chí Minh, doanh số iPhone tháng 8 đã giảm khoảng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

iPhone 12 Pro Max từng liên tục đạt doanh số cao tại Việt Nam trong nửa đầu năm 2021. Ảnh minh hoạ

Trước thực trạng trên, đại diện các hệ thống bán lẻ đều nhận định, đây là giai đoạn ảm đạm nhất của thị trường iPhone trong suốt thời gian qua. Dịch bệnh và tâm lý chờ iPhone mới là hai yếu tố chính ảnh hưởng đến nhu cầu của người dùng.

Theo đó, ông Phạm Tuấn Anh, đại diện ShopDunk cho biết, việc giãn cách xã hội cùng nhu cầu học tập, làm việc trực tuyến tăng cao đã tác động lớn đến quyết định lựa chọn iPhone. Dịch bệnh khiến việc vận chuyển, mua bán khó khăn. Người dùng cũng hạn chế ra ngoài, không thể đi du lịch, nên không phát sinh nhu cầu mua điện thoại mới.

Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác được đề cập là người dùng đang thắt chặt chi tiêu và ưu tiên cho các nhu cầu cấp thiết hơn. Thống kê tại hệ thống trên trong tháng 8, doanh số iPhone giảm mạnh, nhưng bù lại doanh số máy tính Mac tăng 10%, iPad Air 4 tăng 150%. Các mẫu MacBook, iPad liên tục khan hàng do nhiều người chọn để học và làm việc online.

Đại diện FPT Shop, ông Nguyễn Thế Kha nhận định, trước thời điểm iPhone thế hệ mới ra mắt, các mẫu iPhone của năm trước, thuộc phân khúc giá cao thường chịu ảnh hưởng đầu tiên, như giai đoạn này là iPhone 12 Pro Max. Trong khi đó, các máy đời cũ hơn thường có doanh số ổn định hơn, do giá đã được điều chỉnh nhiều lần.

Xu hướng chờ iPhone mới năm nào cũng có, nhưng thường chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và ít ảnh hưởng đến doanh số, do các đại lý luôn có chương trình giảm giá trong giai đoạn này. Tuy nhiên năm nay, doanh số iPhone thấp hơn, chủ yếu do tác động từ dịch bệnh và giãn cách xã hội.

Tại TP.Hồ Chí Minh, đại diện một chuỗi cửa hàng thiết bị điện tử cũng cho hay, thông thường giai đoạn này hàng năm, các cửa hàng sẽ giảm giá iPhone năm trước đó để kích cầu. Nhưng năm nay nhu cầu xuống thấp, trong khi việc vận chuyển đến người dùng gặp khó khăn, giảm giá chưa chắc đã mang lại hiệu quả.

Trên thực tế, doanh số iPhone cũng giảm thời gian qua. Ngày 2/9, công ty nghiên cứu thị trường TrendForce cho biết, Apple đứng ở thứ tư về doanh số smartphone trong quý II/2021. Doanh số iPhone trong thời gian này đạt khoảng 42 triệu máy, giảm 22% so với quý trước đó.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính của việc này là do đây là giai đoạn chuyển giao giữa hai thế hệ iPhone. Người dùng trên thế giới đang có xu hướng chờ iPhone 13 với các cải tiến mới như camera, màn hình, chip Apple A15.

Khó mua, khó bán tại thị trường điện máy

Không chỉ thị trường thiết bị điện tử đang gồng mình trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, thị trường điện máy cũng ghi nhận doanh thu ở mức thấp kỷ lục, người tiêu dùng muốn mua sản phẩm cũng khó.

Để kích cầu tiêu dùng, các doanh nghiệp điện máy đã phải đại hạ giá rất nhiều sản phẩm để đẩy hàng tồn kho. Sản phẩm được các siêu thị giảm giá giảm nhiều nhất là tivi. Nhiều mẫu tivi Led, 4K, 8K, Qled, Oled đã giảm giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng. Thống kê chung, tivi đã giảm giá từ 30-50%, máy giặt giảm từ 30%, máy điều hòa không khí giảm 15%, giá tủ lạnh giảm từ 10-30%, các sản phẩm thiết bị âm thanh giảm 20%, máy ảnh giảm 35- 41%...

Đơn cử, khảo sát một số chuỗi siêu thị như Pico, Điện máy xanh… có thể thấy ở phân khúc trung bình, hiện nay tivi Led 50 inch Full HD của Samsung có giá khoảng trên dưới 10 triệu đồng; Samsung Led 55 inch 4K-Ultra HD có giá khoảng 12 triệu, tivi Led LG 65 inch 4K-Ultra HD khoảng 18 triệu đồng tivi Led Samsung 65 inch 4K-Ultra HD 24 triệu đồng...

Giá tủ lạnh và điều hòa cũng giảm, nhưng mức giảm ít hơn. Điều hòa từ 9.000-18.000 BTU của các thương hiệu như Panassonic, LG, Mitsubishi... mức giá giảm từ 1,5-2 triệu đồng tùy từng sản phẩm. Tủ lạnh cao cấp của các thương hiệu khác như Hitachi, Panasonic, Mitshubishi... giảm từ 4-12 triệu đồng.

Mặc dù đã được ưu đãi sâu như vậy nhưng ghi nhận chung, tốc độ tiêu thụ các sản phẩm rất chậm. Anh Nguyễn Ngọc Chiến, chủ một siêu thị điện máy tại đường Phạm Văn Đồng cho biết, khó khăn hiện tại chính là không thể mở cửa hàng, khó khăn trong vận chuyển hàng hóa đến người tiêu dùng. Nếu như trước đây, các hệ thống bán lẻ chỉ chạy chương trình ưu đãi vào các dịp lễ còn năm nay phải tổ chức liên tục để thu hút khách hàng. Đồng thời thuyết phục khách hàng đặt cọc và nhận hàng sau khi hết giãn cách. Tuy nhiên, không nhiều người tiêu dùng đồng ý với cách này.

Đối với một số mặt hàng khác như tủ lạnh, điều hòa… khó khăn còn ở chỗ không thuê được thợ lắp đặt vì yêu cầu giãn cách khiến thợ lắp đặt không thể ra khỏi nhà nếu không có giấy đi đường. Ngoài các hệ thống siêu thị đã có sẵn đội ngũ lắp đặt tại siêu thị, nhiều cửa hàng nhỏ hơn trước đây thường thuê ngoài thợ lắp đặt, đến nay rất khó để thuê người.

Ông Nguyễn Quang Đức, Giám đốc Marketing của chuỗi siêu thị điện máy Pico, nhận xét, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, từ đầu 5/2021, sản phẩm điện máy các loại tiêu thụ rất chậm, giá giảm mạnh mà không có khách mua. Doanh số sụt giảm mạnh nhất thuộc về mặt hàng tivi, dù giá giảm sâu vẫn ế ẩm. Lợi thế của Pico là có nhiều cửa hàng hoạt động tại một số tỉnh đang không phải giãn cách. Tuy nhiên, Hà Nội lại là thị trường lớn, có doanh số bán lớn nhất nên việc thành phố giãn cách kéo dài khiến việc tiêu thụ hàng hóa rất khó khăn.

Để duy trì hoạt động, siêu thị điện máy Pico cũng xúc tiến phối hợp với các hãng để chạy nhiều chương trình giảm giá mạnh đến 50%. Bên cạnh đó, phối hợp với các đơn vị tài chính để đưa ra nhiều giải pháp thanh toán cho người tiêu dùng, chẳng hạn trả góp kéo dài lên đến 24 tháng, tăng thời gian bảo hành sản phẩm… Tuy nhiên, việc tiêu thụ cũng không dễ.

Các doanh nghiệp điện máy rất lo lắng nếu tình hình dịch bệnh kéo dài sẽ khiến khó khăn ngày càng chồng chất. Trong khi đó, dòng đời nhiều sản phẩm điện máy rất ngắn, mỗi năm đều ra mắt mẫu mã mới. Vì vậy, những mẫu cũ không bán được, coi như lỗi mốt và càng để lâu càng mất giá.

Thông thường, dịp cuối năm như Noel, Tết Dương lịch, Tết Âm lịch là thời điểm kinh doanh của doanh nghiệp điện máy. Nếu được gỡ khó kịp thời, đây sẽ là thời điểm để các doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, giảm bớt khó khăn do dịch bệnh từ đầu năm đến nay.

Theo VietQ

Link gốc : https://vietq.vn/doanh-so-may-tinh-bang-laptop-tang-cao-doanh-nghiep-phan-phoi-van-than-kho-d191034.html

Bạn đang đọc bài viết Doanh số máy tính bảng, laptop tăng cao, doanh nghiệp phân phối vẫn than khó tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp