Những năm gần đây, xuất khẩu gạo của nước ta đánh dấu sự chuyển hướng mạnh mẽ trong cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu theo hướng dần chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao, như: gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản... Đặc biệt, tại cuộc thi World's Best Rice do The Rice Trader tổ chức, gạo ST 25 của Việt Nam đã được đánh giá là gạo ngon nhất thế giới năm 2019…
Chất lượng tăng lên là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất để tăng trưởng về giá trị cho xuất khẩu gạo. Bởi lẽ, nhiều năm qua, Việt Nam luôn đứng trong tốp đầu các quốc gia xuất khẩu gạo trên thế giới nhưng chủ yếu là gạo phẩm cấp thấp, giá thấp và xuất sang các thị trường truyền thống, không đòi hỏi cao về chất lượng.
Đánh giá vấn đề này, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Như Cường cho biết: Sự chuyển hướng trong cơ cấu chủng loại có thể thấy rõ tại các địa phương ở vùng trọng điểm lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long, khi mà diện tích trồng lúa thơm, lúa đặc sản không ngừng tăng lên trong những năm vừa qua. Riêng đối với giống lúa thơm, sản lượng toàn vùng ước đạt 5,5 triệu tấn/năm, tương đương khoảng 3,5 triệu tấn gạo. Như vậy, nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về chất lượng thì đây chính là nguồn hàng lớn cho các hợp đồng sắp tới sang thị trường châu Âu.
Nắm bắt được tiềm năng này, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn đã đẩy mạnh đầu tư vào chất lượng gạo thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và các giải pháp bảo quản, chế biến. Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời cho biết, để chinh phục thị trường EU, gạo phải đáp ứng ba yêu cầu chính là có hệ thống quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm truy xuất nguồn gốc; đạt các chỉ tiêu cơ lý, bảo đảm độ thuần chuẩn; bảo đảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRL) trên 486 hoạt chất theo quy định của EU.
Đối với các yêu cầu này, Tập đoàn Lộc Trời đã có những chuẩn bị từ trước qua trao đổi trực tiếp với khách hàng châu Âu, nắm rõ từng yêu cầu của đối tác. Đến nay, Lộc Trời cũng là công ty đầu tiên trên thế giới đạt thành tích đạt 100 điểm tuyệt đối cho quy trình canh tác lúa theo tiêu chuẩn canh tác bền vững (SRP) vào đầu năm 2020.
Hiện nay, gạo Việt Nam đã có mặt tại rất nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó châu Á vẫn là thị trường chính, tiếp đến là thị trường châu Phi. Có thể kể đến các thị trường gạo lớn nhất của Việt Nam là: Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Ghana, Bờ biển ngà, Iraq, Indonesia, Senagal... Không chỉ giữ vững các thị trường truyền thống, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp đã giúp hạt gạo Việt vươn tới nhiều thị trường khó tính hơn.
Có thể thấy, sự tăng trưởng xuất khẩu gạo trong những năm qua, nhất là năm 2020 với những chuyển biến về thị trường, giá bán, cơ cấu chủng loại... đang tạo ra cơ hội thay đổi lớn cho ngành hàng lúa gạo nước ta cả trên lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu nhằm mang lại giá trị gia tăng cao hơn nữa.
Nhất là trong điều kiện các hiệp định thương mại tự do liên quan đến nông nghiệp được ký kết và có hiệu lực sẽ trở thành “bàn đạp” cho nỗ lực mở rộng thêm thị trường mới, tăng tính cạnh tranh của ngành hàng này. Do đó, việc chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và tận dụng tốt các cơ hội đang có chắc chắn sẽ đem lại vị thế mới cho hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới trong thời gian tới.