Hiện trên nhiều trang mạng xã hội cũng như website bán hàng đang rao bán một số sản phẩm bánh trung thu mini có mức giá rất rẻ chỉ khoảng 3,5 nghìn đồng/cái. Nếu khách hàng mua số lượng nhiều thì giá chỉ 2 nghìn đồng/cái.
Theo quan sát thì loại bánh này có trọng lượng khoảng 40 gram, kích thước bằng 1/4 bánh trung thu thông thường, bao bì ghi chữ Trung Quốc, không có tem phụ bằng tiếng Việt, người mua không rõ hạn sử dụng, không rõ nơi sản xuất, không rõ thành phần…khiến người tiêu dùng lo ngại về chất lượng sản phẩm.
Đáng chú ý, thời gian gần đây, khi mùa trung thu cận kề, lượng hàng bánh không nguồn gốc xuất xứ đổ về Việt Nam rất nhiều. Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội vừa phát hiện 13.000 sản phẩm bao gồm bánh trung thu... do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng tứ chứng minh nguồn gốc xuất xứ tại một cơ sở ở Hà Nội.
Số hàng hóa trên được xác định là thu gom, mua trôi nổi trên thị trường tại khu vực cửa khẩu phía Bắc, sau đó tập kết tại địa chỉ nêu trên để bán cho các “mối buôn” tại Hà Nội và các tỉnh kiếm lời.
Được biết, đối với các loại bánh trung thu nhập khẩu, khi bán ra phải có tem phụ bằng tiếng Việt, đơn vị nhập khẩu phải chứng minh nguồn gốc qua hóa đơn, tờ khai nhập khẩu, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, mới có thể đảm bảo đối với người sử dụng. Với mức giá rẻ “bất thường”, chưa được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, cho phép lưu hành sẽ tiềm ẩn những rủi ro đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Chia sẻ trên báo Tin tức về những chiếc bánh trung thu giá rẻ, ThS. Trương Nhật Khuê Tường, Khoa Dinh dưỡng – Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cho rằng, với giá từ 3.000 đến 5.000 đồng/chiếc bánh trung thu thì đây là mức giá rẻ đến bất ngờ và nguy cơ mất an toàn thực phẩm là rất lớn. Đặc biệt là những thành phần trong nhân bánh được xay nhuyễn, dù được giới thiệu nhân sầu riêng, nhân đậu xanh... nhưng người ăn hoàn toàn không biết được đó là gì.
Ông Trương Nhật Khuê Tường cũng e ngại có quá nhiều chất béo chuyển hóa (trans-fat) trong những chiếc bánh giá rẻ bởi nó thường được sử dụng để tạo mùi và bảo quản lâu. “Tuy các loại bánh trung thu không rõ nguồn không gây ngộ độc cấp, nhưng có thể ảnh hưởng lâu dài đến các cơ quan nội tạng như gan, thận... đường tiêu hóa nói chung. Nguy hiểm nhất là người ăn không nhận biết được hậu quả của nó, ăn vẫn thấy ngon”, ThS. Khuê Tường cảnh báo.
Để bảo vệ sức khỏe của gia đình và người thân, người tiêu dùng cẩn trọng trước những sản phẩm không rõ nguồn gốc, không rõ về chất lượng, không có nhãn phụ đề tiếng Việt.
Ngoài ra, trước thực tế trên, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo, người tiêu dùng khi lựa chọn và sử dụng bánh trung thu, để đảm bảo an toàn thực phẩm cần mua sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản...
Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Sản phẩm được bày bán ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như: có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập, bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất.
Người tiêu dùng phải sử dụng cảm quan để đánh giá bảo đảm sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Tuyệt đối không lựa chọn, mua sản phẩm trôi nổi, không có nguồn gốc, hàng hết hạn sử dụng, bao bì rách nát, sản phẩm biến dạng, hàng lậu.
Trong quá trình bảo quản, Cục An toàn thực phẩm cho rằng, người tiêu dùng cần bảo quản và sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất ghi trên bao bì hàng hóa của sản phẩm và lưu ý một số khuyến cáo của nhà sản xuất như: đối tượng sử dụng và một số lưu ý khi sử dụng (nếu có). Không ăn quá nhiều bánh và các thực phẩm giàu đạm, mỡ, đường trong khẩu phần ăn để tránh rối loạn hấp thu thực phẩm. Khi có những bất thường về sức khỏe do ăn uống cần nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, trợ giúp kịp thời về chuyên môn.