Hà Nội, Chủ nhật Ngày 13/10/2024

Ô tô dễ cháy phanh trong trường hợp nào?

VIETQ 06:48 19/09/2020

Ô tô dễ cháy phanh khi đổ đèo nếu tài xế mắc sai lầm- những nguyên tắc cần nắm vững

Nhiều trường hợp xe ô tô bị tai nạn do hệ thống phanh không hoạt động, cháy phanh. Mỗi khi gặp trường hợp này tài xế cho rằng do lỗi kỹ thuật của xe, nhưng thực tế phần lớn do lỗi điều khiển xe của chính tài xế như rà phanh liên tục ở tốc độ cao, tải nặng là nguyên nhân hàng đầu khiến phanh mất tác dụng.

Đặc biệt, tình huống cháy phanh khi đổ đèo vô cùng nguy hiểm mà nguyên nhân chính có thể là do tài xế đạp ga mạnh đồng thời rà phanh trong khoảng thời gian chỉ 2 phút đã khiến đĩa phanh nóng đỏ, dần mất tác dụng và gần bốc cháy. Ma sát quá lớn khiến phần ngoài cùng của đĩa bị mòn, khi đó tiếp xúc giữa má phanh và đĩa không còn, phát ra tiếng kêu và dần nóng đỏ.

Thực tế, để chịu nhiệt các xe thường chế tạo đĩa phanh với chất liệu khác nhau, thường xe đua có chất liệu đĩa phanh tốt nhất. Những vật liệu này có thể chịu nhiệt khoảng 1.500-2.000 độ C. Xe thương mại bao giờ cũng làm từ vật liệu chịu nhiệt kém chất lượng hơn để giảm chi phí và do nhu cầu không cần thiết.

Xe tải nặng, xe khách chạy đèo núi là những mẫu xe hay bị mất tác dụng của phanh nhất nếu tài xế thường xuyên rà phanh khi xuống dốc. Không chỉ làm đĩa phanh nóng, mòn mà còn khiến dầu phanh sôi, mất tác dụng thủy lực. Do đó, để hạn chế tình trạng cháy phanh khi đổ đèo tài xế nhất định phải nắm vững một số nguyên tắc dưới đây:=

Hạn chế tối đa phanh chân

Mấu chốt của kỹ thuật này là sử dụng phanh bằng động cơ và hạn chế tối đa phanh chân khi di chuyển xe xuống dốc. Nhiều tài xế có thói quen rà phanh chân khi xuống dốc để hãm tốc độ, tuy nhiên việc hãm xe bằng phanh chân là hoàn toàn sai. Đặc biệt việc những cung đèo dài ở Việt Nam quá nhiều và nguy hiểm thì việc rà phanh trên sẽ rất nguy hiểm. Nguy hiểm hơn, khi thấy phanh đã bắt đầu mất tác dụng, nhiều tài xế càng cố gắng ấn phanh sâu hơn, đây là sai lầm chết người.

Trước đó, các sách hướng dẫn lái xe của Mỹ dạy rằng, tài xế nên hạn chế việc phanh chân, chỉ dùng khi buộc phải dừng xe hẳn. Thay vào đó, tài xế dùng lực phanh của động cơ (phanh bằng số) để giảm tốc độ. Cách này được hiểu đưa xe về chế độ số sàn hoặc đưa xe về các số thấp.

Chuyển về số thấp trước khi đổ đèo

Theo kinh nghiệm lái xe ô tô, nếu tài xế đang lái một chiếc xe số sàn, giữ chân côn và chuyển xe về các số thấp hơn xe sẽ bắt đầu chậm lại. Nếu đang điều khiển xe số tự động, chuyển xe xuống số L hoặc D1, D2, D3. Do đó, tài xế cần phải về số thấp trước khi xuống dốc bởi một khi xe đã xuống dốc ở tốc độ cao thì tài xế không thể về số được nữa. Lực hãm của động cơ sẽ tốt và an toàn hơn nhiều so với lực phanh.

Tuyệt đối không được rà phanh liên tục

Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng phanh thì không được rà phanh liên tục mà nên đạp dứt khoát để cho xe giảm hẳn xuống dưới tốc độ an toàn, sau đó nhả phanh ra hoàn toàn. Có thể lặp lại thao tác này nhưng tuyệt đối không được giữ phanh ở trạng thái hờ (rà phanh).

Nhiều tài xế thường truyền tai nhau khi lên dốc nào thì xuống dốc bằng số đó. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng vì thực tế cho thấy là rất ít con dốc có độ dốc khi lên và xuống không giống nhau. Hơn nữa, tình trạng mặt đường và đặc điểm địa lý, địa hình, cũng như thực tế tình trạng giao thông cũng khác nhau của hai bên dốc.

Do vậy, việc đổ đèo dốc an toàn phải tùy thuộc vào con dốc, tình trạng địa lý, tình trạng địa hình, tình trạng tham gia giao thông mà quyết định sẽ để cần số ở vị nào. Tuy nhiên, không chuyển số đến số quá thấp vì khiến xe bị gằn và vòng tua lên cao.

Bạn đang đọc bài viết Ô tô dễ cháy phanh trong trường hợp nào? tại chuyên mục Xe cộ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Xe cộ