Hà Nội, Thứ Năm Ngày 07/11/2024

Pate Minh Chay chứa độc tố: Ai bồi thường?

Sức khỏe cộng đồng 07:20 03/09/2020

Cục An toàn thực phẩm (ATTP) của Bộ Y tế đã đề nghị Công an TP Hà Nội điều tra, xác minh và xử lý. Vậy ai bồi thường cho nạn nhân bị ngộ độc pate Minh Chay?

Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định người tiêu dùng có quyền được bảo đảm tính mạng, sức khỏe khi giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp.

Tiếp đó, Luật An toàn thực phẩm năm 2010 ràng buộc trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh thực phẩm trong việc bảo đảm ATTP cho người tiêu dùng.

Điều 53 Luật An toàn thực phẩm 2010 quy định tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm mà gây ngộ độc, thì phải chịu toàn bộ chi phí điều trị cho người bị ngộ độc.

Ngoài ra tại Điều 590 Bộ luật Dân sự quy định, tổ chức hay cá nhân cung cấp thực phẩm gây ngộ độc phải bồi thường chi phí cho việc cứu chữa, phục hồi sức khỏe của người bị ngộ độc.

Ngoài ra, nạn nhân còn được đền bù khoản thu nhập bị mất hoặc bị giảm sút do phải đi điều trị ngộ độc và phí tổn thất tinh thần. Nếu thu nhập không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại.

Đáng chú ý, Bộ luật Dân sự cũng quy định bên gây thiệt hại phải bồi thường thêm phần chi phí và phần thu nhập bị mất của người nhà đến chăm sóc bệnh nhân.

Ngoài các khoản bồi thường, tổ chức hay cá nhân cung cấp thực phẩm còn phải nộp phạt theo chế tài của cơ quan quản lý Nhà nước về ATTP.

Bên cạnh các điều khoản trong các bộ luật, theo Nghị định 115/2018 của Chính phủ, bên gây ra tình trạng ngộ độc thực phẩm có thể bị phạt đến 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức sản xuất, cung cấp, bán thực phẩm không đáp ứng quy định về ATTP.

Về hình sự, Điều 317 Bộ luật Hình sự quy định các mức xử phạt về tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Tùy tính chất, mức độ mà người phạm tội sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đồng, phạt tù thấp nhất 1 năm, cao nhất là 20 năm.

Trong vụ việc người tiêu dùng ngộc độc Pate Minh Chay đặt ra câu hỏi về trách nhiệm cơ quan quản lý ATTP của Hà Nội. Luật An toàn vệ sinh thực phẩm 2010 nêu rõ Sở Y tế, Sở Công Thương và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đều phải có trách nhiệm quản lý an toàn trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm.

Trước đó, ngày 13/7, Bộ Y tế ghi nhận 9 ca bệnh có triệu chứng mệt mỏi, sụp mí, liệt cơ, khó thở sau khi sử dụng pate Minh Chay ở một số địa phương. Đại diện Công ty TNHH Hai thành viên Lối Sống Mới đã gửi tin nhắn thu hồi sản phẩm và xin lỗi khách hàng.

Ngày 29/8, Cục An toàn thực phẩm có thông báo khẩn về việc sản phẩm pate Minh Chay có chứa vi khuẩn Clostridium botulinum type B mang độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng đến sức khỏe, kéo dài và dễ gây tử vong.

Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng tạm thời không mua, sử dụng các sản phẩm của công ty này.

Bạn đang đọc bài viết Pate Minh Chay chứa độc tố: Ai bồi thường? tại chuyên mục Dư địa chí. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Dư địa chí