Xe máy Honda được bán với giá cao hơn đề xuất đã trở thành chuyện chẳng lạ ở Việt Nam. Thậm chí, mỗi lần hãng ra sản phẩm mới, công bố giá trên các phương tiện đại chúng, người tiêu dùng xác định luôn là "chỉ để cho có".
"Anh mua giá đó thì lên mạng mà mua chứ tụi em không bán được giá đó", lời một người bán hàng nói với tôi khi thắc mắc vì sao Honda Vision có giá niêm yết 35 triệu đồng cho bản Cá tính nhưng giá ở đại lý lên tới 45 triệu đồng.
Xe Honda "đội giá" gần 30%
Con số 10 triệu đồng tiền chênh lệch mà khách hàng phải bỏ ra nếu mua Honda Vision là đáng kể. Nó càng lớn hơn khi so tương quan với giá xe 35 triệu đồng được hãng niêm yết: chênh tới 28% giá trị thực của chiếc xe.
Thông thường, đại lý sẽ được mua xe từ Honda Việt Nam với giá dưới mức đề xuất, tức giá nhập rẻ hơn 35 triệu đồng. Khoản tiền thu được khi bán ra chính là tiền lãi (sau khi trừ đi chi phí mặt bằng, nhân viên, kho vận…).
Điều này có nghĩa nếu bán xe đúng giá đề xuất thì đại lý đã có lãi rồi. Đại lý bán chênh lệch tới 10 triệu đồng, người mua đang nhận về chiếc Honda Vision không đúng với giá trị thực của sản phẩm. Hay nói cách khác, bỏ ra 45 triệu đồng mua xe thì khoảng 1/4 số đó vào túi người bán, khách hàng chỉ nhận về chưa đầy 3/4 giá trị thực.
Hàng trăm tỷ đồng về đâu?
Tính riêng trong tháng 3, Honda Việt Nam bán được hơn 180.000 xe máy các loại, với mẫu Vision chiếm gần 26%, tương đương trên 46.000 chiếc.
Nếu tạm tính mỗi xe Vision được đại lý bán chênh 10 triệu đồng thì số tiền mà khách hàng bị "móc thêm" trong tháng qua là 46.000 x 10.000.000 = 460.000.000.000 đồng. Con số 460 tỷ đồng là với riêng Honda Vision (giả sử tất cả các xe đều bị chênh 10 triệu đồng).
Các mẫu Honda SH, SH Mode kênh giá 15-25 triệu đồng, SH350i chênh tới 40 triệu đồng. Ngay cả Honda Wave cũng đội giá 3 triệu đồng, nhân với hơn 28.000 xe bán ra mỗi tháng.
Không khó để tính ra con số gần đúng về khoản tiền mà khách hàng bị "móc túi" mỗi tháng, bởi đại lý xe Honda và có thể tới cả nghìn tỷ đồng chứ không dừng lại ở trăm tỷ đồng.
Không chỉ mỗi khách hàng chịu thiệt, mà cả cơ quan thuế, nhà nước cũng bị thất thu rất nhiều. Đầu tiên, lệ phí trước bạ được tính căn cứ theo giá trị xe, bằng 2-5% (tùy địa phương, khu vực đăng ký). Khoản này lại chỉ nộp theo giá xe đề xuất chứ không phải giá mua bán thực tế.
Thứ hai, thuế GTGT cũng căn cứ theo giá xe do nhà sản xuất công bố. Trong khi đó, giá xe giao dịch thực tế lại chênh vài chục %. Đây phải chăng cũng là khoản thu mà nhà nước, cơ quan chức năng bị thất thoát?
Những con số nêu trên là tính toán tương đối, nhưng chắc chắn đáng để cơ quan chức năng vào cuộc. Đồng ý là giá xe theo biến động thị trường, người mua chấp nhận mức chênh giá 20-30%, song giá trị giao dịch thực tế ra sao thì cần được ghi nhận toàn bộ, để doanh nghiệp và nhà nước thực hiện đúng trách nhiệm với nhà nước.
Theo Dân Trí