Hà Nội, Thứ Ba Ngày 19/03/2024

Giá nguyên liệu tăng cao, kinh doanh thụt lùi, Vinamilk tăng giá bán để 'đẩy khó' cho người tiêu dùng?

NHỊP SỐNG THỊ TRƯỜNG 06:29 26/05/2022

Vinamilk ghi nhận quý thứ 5 liên tiếp có lợi nhuận giảm cùng với áp lực lớn nhất là giá nguyên liệu tăng cao.

Để giảm bớt tác động đến biên lợi nhuận, Vinamilk đã tăng giá bán để "đẩy" một phần khó khăn cho người tiêu dùng.

Giá nguyên liệu tăng cao, kinh doanh thụt lùi, Vinamilk tăng giá bán để
Việc sử dụng 60% nguyên liệu đầu vào là sữa bột nguyên liệu đã đem lại lợi thế về giá thành sản xuất cho Vinamilk so với các doanh nghiệp nhỏ khác dùng nguyên liệu chính là sữa tươi. (Ảnh: Int)

Thách thức từ giá sữa bột

Báo cáo tài chính quý I/2022 mới công bố của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM) tiếp tục cho thấy một bức tranh kém tích cực.

Doanh thu ba tháng đầu năm của "đại gia ngành sữa" chỉ tăng 5% cùng kỳ, đạt 13.940 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế lại giảm tới 12%, còn 2.283 tỷ đồng, đánh dấu quý thứ 5 liên tiếp lợi nhuận không tăng.

Áp lực lớn nhất đối Vinamilk là giá sữa bột nguyên liệu.

Doanh nghiệp lớn nhất ngành sữa của Việt Nam này sử dụng tới 60% nguyên liệu là sữa bột nhập khẩu để sản xuất ra các sản phẩm sữa bột, sữa nước, sữa chua, sữa đặc…

Trong khi đó, nguyên liệu chiếm khoảng 50% chi phí sản xuất của Vinamilk, theo con số từ báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán FPTS năm 2020.

Khi giá sữa bột nguyên liệu tăng với tốc độ "phi mã" từ đầu năm 2020 đến nay, lợi nhuận của Vinamilk gặp áp lực rất lớn.

Cùng với sữa bột nguyên liệu thì chi phí thức ăn chăn nuôi, đường… đều tăng mạnh trong xu hướng tăng giá hàng hóa sau đại dịch.

Theo đánh giá trong báo cáo phân tích mới đây của Công ty Chứng khoán SSI, Vinamilk đã tăng 5% giá bán bình quân so với cùng kỳ nhưng tăng trưởng sản lượng chỉ chưa đầy 2% đối với thị trường trong nước, cho thấy sự phục hồi về nhu cầu vẫn còn rất yếu.

Biên lợi nhuận gộp trong quý 1/2022 đạt 40,5%, giảm so với con số 42,1% của quý 4/2021 và 43,5% của quý 1/2021.

Mức này cũng là biên lợi nhuận gộp thấp nhất của Vinamilk kể từ quý 2/2015 đến nay.

Tuy nhiên, dù sụt giảm lợi nhuận liên tục, biên lợi nhuận gộp của “bò sữa” Vinamilk vẫn là con số đáng mơ ước của nhiều doanh nghiệp cùng ngành.

Bình quân 5 năm qua, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp này vẫn trên 46% - thậm chí còn cao hơn của Masan Consumer, là đơn vị kinh doanh các mặt hàng như mì ăn liền, nước mắm công nghiệp, gia vị…

Thực tế, chính việc sử dụng 60% nguyên liệu đầu vào là sữa bột nguyên liệu đã đem lại lợi thế về giá thành sản xuất cho Vinamilk so với các doanh nghiệp sữa quy mô nhỏ hơn chỉ dùng nguyên liệu sữa tươi.

Các sản phẩm sữa nước trên thị trường chia làm hai dòng sản phẩm chính là sữa tươi (có nguồn gốc từ sữa tươi nguyên liệu) và sữa hoàn nguyên (có nguồn gốc từ sữa bột).

Nguồn cung sữa tươi nguyên liệu tại Việt Nam phụ thuộc lớn vào lượng sữa thu mua từ nông dân.

Theo chia sẻ của Vinamilk, sữa tươi nguyên liệu thu mua có giá cao hơn khoảng 30% so với sữa bột nguyên liệu nhập khẩu, nên các sản phẩm sữa tươi cũng có giá thành cao hơn so với các sản phẩm sữa hoàn nguyên. Do đó, việc các doanh nghiệp sữa tập trung phát triển vùng nguyên liệu bò sữa tự chủ là rất quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung sữa tươi trong nước cũng như khả năng cạnh tranh trong ngành.

Tuy nhiên, việc phát triển một trang trại bò sữa không phải chuyện một sớm một chiều. Thông thường, doanh nghiệp phải mất vài năm để các trang trại có thể cho ra sản phẩm.

"Sự thật" về Sữa chua - mảng kinh doanh đang hái ra tiền cho Vinamilk

Một trong những mảng sản phẩm được chú ý gần đây của Vinamilk là sữa chua. Đây là ngành hàng có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong thị trường sữa và các sản phẩm từ sữa với mức tăng trưởng sản lượng tiêu thụ đạt 10%/năm giai đoạn 2014 – 2019.

Theo số liệu của Kantar Worldpanel, trong quý 1/2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, mối quan tâm của người tiêu dùng tới các sản phẩm liên quan đến sức khỏe tăng mạnh. Các sản phẩm giúp tăng cường miễn dịch và dinh dưỡng cho trẻ em, người cao tuổi đạt tăng trưởng ấn tượng, trong đó sữa chua uống tăng trưởng 36% so với cùng kỳ năm trước tại khu vực thành thị và 17% so với cùng kỳ tại khu vực nông thôn.

Trong báo cáo thường niên 2021, Vinamilk cũng tỏ ra lạc quan với mảng này khi tiêu thụ sữa chua đạt mức tăng trưởng tốt nhất ngành sữa trong năm 2021 (theo Euromonitor).

Tận dụng xu thế đó, Vinamilk rất tích cực trong việc quảng bá sản phẩm sữa chua uống men sống probi.

Mặc dù vậy, sản phẩm này đã từng bị người tiêu dùng soi thành phần nguyên liệu chỉ gồm có nước, đường, sữa bột, hương liệu tổng hợp – thậm chí sản phẩm sữa chua nhưng dùng hương sữa chua tổng hợp, chất ổn định và đặc biệt là xiro fructoza – hay còn gọi là đường ngô.

Đường ngô là một chất tạo ngọt được làm từ tinh bột ngô, lúa mì và gặp nhiều khuyến cáo gây hại cho sức khỏe.

Theo nhận định của Euromonitor, người tiêu dùng Việt Nam ngày nay, đặc biệt là người dân thành thị, khá am hiểu về an toàn và dinh dưỡng thực phẩm. Người tiêu dùng ưa thích các sản phẩm sữa uống liền vì độ tiện lợi, bảo đảm được nguồn gốc xuất xứ, cũng như các yêu cầu về dinh dưỡng.

Tuy nhiên, người tiêu dùng cũng dần trở nên khắt khe hơn và yêu cầu các sản phẩm cao cấp hơn các sản phẩm như trước kia. Do đó, các doanh nghiệp sữa tại Việt Nam phải nghiên cứu và phát triển nhiều sản phẩm đa dạng, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng, ra mắt các dòng sản phẩm cao cấp, đem lại giá trị gia tăng cao.

Bạn đang đọc bài viết Giá nguyên liệu tăng cao, kinh doanh thụt lùi, Vinamilk tăng giá bán để 'đẩy khó' cho người tiêu dùng? tại chuyên mục Hỏi đáp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Hỏi đáp