UBND TP. Hải Phòng vừa có văn bản trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh du lịch tại Vườn Quốc gia Cát Bà.
Trước đó, các doanh nghiệp này đã có kiến nghị UBND TP. Hải Phòng tạo điều kiện để hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án và thuê môi trường rừng để tiếp tục kinh doanh dịch vụ.
Các doanh nghiệp đề nghị thành phố cho phép hoàn thiện thủ tục để tiếp tục kinh doanh dịch vụ tại Vườn Quốc gia Cát Bà theo Quyết định số 2360/QĐ-UBND ngày 11/9/2017 của UBND TP. Hải Phòng về việc phê duyệt Đề án cho thuê môi trường rừng để kinh doanh du lịch sinh thái kết hợp bảo tồn thiên nhiên tại Vườn Quốc gia Cát Bà và Quyết định số 33/2017/QĐ-UBND ngày 19/12/2017 của UBND thành phố Hải Phòng quy định giá thuê môi trường rừng Vườn Quốc gia Cát Bà, TP. Hải Phòng.
Xây dựng không phép
Năm 2009, Hải Phòng thành lập Trung tâm Dịch vụ du lịch và Giáo dục môi trường và đơn vị này thay mặt Vườn quốc gia Cát Bà để thực hiện nhiệm vụ phát triển du lịch sinh thái và các hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp.
Từ đó đến nay, các doanh nghiệp đã đầu tư tại Vườn Vải trung tâm Vườn Quốc gia Cát Bà, Cát Dứa 1, Cát Dứa 2, Bãi Nam Cát, Hòn Ba Cát Bằng với tổng giá trị đầu tư hơn 600 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngày 7/9/2020 UBND thành phố Hải Phòng có Thông báo số 309 sẽ tháo dỡ các công trình xây dựng sinh thái lưu trú theo hoạt động liên doanh, liên kết tại Vườn Quốc gia Cát Bà.
Các doanh nghiệp lập luận nếu họ làm sai thì tại sao trong 11 năm qua vẫn được kinh doanh, đồng thời gửi đơn kêu cứu lên nhiều cơ quan chức năng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị thành phố Hải Phòng giải quyết kiến nghị.
Theo văn bản trả lời kiến nghị của UBND thành phố, các quyết định về thuê môi trường rừng ở Cát Bà hiện nay không còn hiệu lực. UBND TP. Hải Phòng đã có Quyết định số 369/QĐ-UBND ngày13/02/2018 hủy bỏ Quyết định số 2360/QĐ-UBND ngày 11/9/2017 và Quyết định số 19/2018/QĐ-UBND ngày 12/7/2018 về việc bãi bỏ Văn bản quy phạm pháp luật đối với Quyết định số 33/2017/QĐ-UBND ngày 19/12/2017.
Mặt khác, việc đầu tư xây dựng công trình để kinh doanh du lịch tại Vườn Quốc gia Cát Bà của các doanh nghiệp này là vi phạm quy định pháp luật và không phù hợp với quy hoạch. Vì vậy, thành phố không xem xét đề nghị nêu trên của các doanh nghiệp.
Theo đó, từ năm 2009 đến nay, Vườn Quốc gia Cát Bà đã để Trung tâm Dịch vụ du lịch và Giáo dục môi trường thuộc Vườn Quốc gia Cát Bà sai phạm trong việc liên doanh liên kết với 7 doanh nghiệp, cụ thể như sau:
TT | Tên công ty | Theo bản cam kết | Thực tế xây dựng công trình | ||
Địa điểm và thời gian liên doanh | Diện tích đất và mặt nước quản lý | Diện tích xây dựng | |||
1 | Công ty TNHH Du lịch dịch vụ thủy sản thương mại Thùy Trang | Khu vực Nam Cát; liên doanh lần 1 ngày 09/4/2009; lần 2 ngày 01/01/2012 | Không xác định | 1.695m2 | 7.792,4m2 |
2 | Công ty Cổ phần Thương mại Tùng Long | Khu vực Hòn Ba Cát Bằng và Bãi Tháp Nghiêng; liên doanh lần 1 ngày 28/3/2009, lần 2 ngày 22/4/2012 | 50 ha (gồm cả phần mặt biển) | Không xác định | 4.155,3m2 |
3 | Công ty Cổ phần dịch vụ du lịch Đảo Cát Dứa | Khu vực cát Dứa II; liên doanh ngày 15/12/2011 | 100ha (gồm cả diện tích mặt biển) | Không xác định | 9.741,84m2 |
4 | Công ty Cổ phần Khu du lịch Đảo Cát Bà | Khu vực đảo cát Dứa I; liên doanh ngày 20/4/2011 | 100 ha (gồm cả mặt nước biển) | Không xác định | 5.122m2 |
5 | Công ty TNHH Đảo Cát | Khu vực Bãi Tai Kéo; liên doanh ngày 16/6/2010 | Không xác định | 100m2 | 2.286,5m2 |
6 | Công ty Cổ phần đầu tư Thương mại và Dịch vụ Đông Kinh | Khu vực Bãi tắm Vạn Bội; liên doanh ngày 06/6/2013 | Không xác định | Không xác định | 2.931,8m2 |
7 | Công ty Cổ phần Thương mại Thanh Bình | Khu vực Trung tâm Vườn Quốc gia Cát Bà; liên doanh ngày 28/01/2011 | Không xác định | Không xác định | 7.642,6m2 |
Sau khi kiểm tra, rà soát, UBND TP. Hải Phòng xác định, Trung tâm Dịch vụ du lịch và giáo dục môi trường thuộc Vườn Quốc gia Cát Bà đã sai phạm trong việc ký các hợp đồng liên doanh liên kết với 7 doanh nghiệp trên khi chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận theo quy định.
Nhà chức trách khẳng định, bảy doanh nghiệp đã vi phạm đầu tư xây dựng các công trình khi chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận đầu tư dự án, không có hồ sơ pháp lý về đầu tư xây dựng, không có giấy phép xây dựng và không đủ điều kiện để cấp phép xây dựng, không lập, trình phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, không có các thủ tục về phòng cháy chữa cháy, không có giấy phép kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành, dịch vụ lưu trú.
Về nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước của một số doanh nghiệp, Công ty TNHH Đảo Cát có thời gian hoạt động từ năm 2010 đến năm 2018, công ty không thực hiện kê khai, nộp hồ sơ khai thuế và nộp thuế; không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế, nên đã bị cơ quan Thuế thực hiện tạm đóng mã số thuế từ ngày 23/02/2011 đến ngày 22/5/2019.
Công ty Cổ phần Dịch vụ du lịch Đảo Cát Dứa hoạt động từ năm 2009, nhưng từ năm 2012 đến nay mới thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, tổng cộng 288 triệu đồng. Trong đó, năm 2012 và 2013, mỗi năm công ty nộp được 1 triệu đồng.
Công ty TNHH Du lịch dịch vụ thủy sản thương mại Thùy Trang hoạt động từ năm 2009, thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước, tổng cộng đến nay 462 triệu đồng; trong đó từ năm 2009 đến 2016, mỗi năm trung bình nộp được 4,4 triệu đồng/năm.
Công ty CP Thương mại Thanh Bình hoạt động từ năm 2011 đến nay, không thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước. Công ty đã bị cơ quan thuế tạm đóng mã số thuế từ ngày 26/02/2014 do không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế, không kê khai và không nộp thuế.
Sở Kế hoạch và đầu tư đã có Quyết định số 4534/QĐ-ĐKKD ngày 27/10/2014 thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nhưng công ty không tiến hành giải thể, không nộp lại con dấu và vẫn sử dụng con dấu để giao dịch.
Đối với các doanh nghiệp còn lại, do hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm tại huyện Cát Hải nên không tách được việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với các điểm kinh doanh dịch vụ du lịch tại Vườn Quốc gia Cát Bà.
Trước những sai phạm này, từ ngày 22/11/2016, UBND thành phố đã có 7 văn bản chỉ đạo Vườn Quốc gia Cát Bà chấm dứt các hoạt động với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018 và đầu năm 2019, Trung tâm Dịch vụ du lịch và giáo dục môi trường thuộc Vườn Quốc gia Cát Bà mới có thông báo gửi từng doanh nghiệp về việc dừng liên kết với các doanh nghiệp.
Đồng thời, trong giai đoạn từ năm 2009 đến đầu năm 2016, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND huyện Cát Hải, Vườn Quốc gia Cát Bà đã tiến hành kiểm tra việc đầu tư xây dựng và tổ chức kinh doanh du lịch tại các điểm liên doanh liên kết nêu trên.
Tuy nhiên, các cơ quan này đã thiếu kiên quyết trong việc xử lý vi phạm, không báo cáo UBND thành phố để xử lý các sai phạm, dẫn đến các doanh nghiệp không thực hiện, mà tiếp tục kinh doanh, dịch vụ tại các địa điểm trên.
Hiện nay, các sở, ngành, đơn vị chức năng của thành phố đang tập trung triển khai các trình tự thủ tục để xử lý tháo dỡ các công trình vi phạm theo quy định pháp luật.
Bác bỏ liên quan đến Sun Group
Đối với nội dung trong đơn kiến nghị của 7 doanh nghiệp cho rằng TP. Hải Phòng chỉ đạo tháo dỡ các công trình tại Vườn Quốc gia Cát Bà là để giao cho Tập đoàn Sun Group là lợi ích nhóm, thành phố khẳng định không có lợi ích nhóm.
Việc xử lý các vi phạm trên không phải để lấy đất giao cho cho Tập đoàn Sun Group hay bất cứ một doanh nghiệp nào khác mà chỉ để trồng cây, trả lại diện tích rừng tự nhiên, môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học cho Vườn Quốc gia Cát Bà, khu dự trữ sinh quyển thế giới và đặc biệt là khu vực Vịnh Lan Hạ.
Cũng theo văn bản của UBND TP. Hải Phòng xác định, việc các doanh nghiệp sai phạm tại Vườn Quốc gia Cát Bà là vụ việc phức tạp, TP. Hải Phòng sẽ xử lý nghiêm khắc đối với các cán bộ và các doanh nghiệp đã sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Đối với các cán bộ có sai phạm, UBND thành phố yêu cầu công an thành phố khẩn trương hoàn thiện hồ sơ khởi tố bị can trong vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Vườn Quốc gia Cát Bà theo quy định.
UBND thành phố sẽ xem xét, chỉ đạo xử lý các cán bộ có liên quan đến sai phạm nêu trên đối với các trường hợp chưa đến mức phải xử lý trách nhiệm hình sự.
Đối với các doanh nghiệp, thành phố yêu cầu Thanh tra Sở Xây dựng, UBND huyện Cát Hải và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện các thủ tục theo quy định để thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng của các doanh nghiệp tại các điểm kinh doanh du lịch tại Vườn Quốc gia Cát Bà, yêu cầu doanh nghiệp tự tháo dỡ công trình.
Trường hợp các doanh nghiệp không tự tháo dỡ các công trình vi phạm thì tổ chức cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả tháo dỡ công trình vi phạm để khôi phục lại tình trạng ban đầu theo quy định.
Sau khi thực hiện việc tháo dỡ các công trình, thành phố giao Vườn Quốc gia Cát Bà cải tạo lại các khu vực trên để trồng cây, trả lại diện tích rừng tự nhiên, môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học cho Vườn Quốc gia Cát Bà.
Bên cạnh đó, UBND TP. Hải Phòng cũng yêu cầu huyện Cát Hải, Vườn Quốc gia Cát Bà rà soát và xử lý các trường hợp vi phạm khác trong phạm vi quản lý của Vườn Quốc gia Cát Bà theo đúng quy định pháp luật, không để xảy ra các trường hợp tương tự.