Theo Báo Dân trí, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai đánh giá: “Ngày càng có nhiều bố mẹ Việt lạm dụng thực phẩm chức năng cho trẻ”.
“Tôi không khuyến khích việc cho trẻ em ăn các thực phẩm ngoài thức ăn thông thường, như trong trường hợp này là các loại thực phẩm chức năng. Chúng ta cần hiểu rằng, những loại thực phẩm thông thường mà được chế biến đúng cách, ăn theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng thì nó đã cung cấp quá đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ (đạm, đường, mỡ, vitamin và chất khoáng). Đặc biệt, những chất này đều có nguồn gốc từ tự nhiên, không qua xử lý và con người ta sinh ra là để ăn những thức ăn tự nhiên đấy", PGS.TS Dũng nói.
--Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai. |
Theo vị chuyên gia này, việc sử dụng các loại thực phẩm chức năng hoặc là những thực phẩm thuốc, thực phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao (nhân sâm, đông trùng hạ thảo, yến sào) chỉ phù hợp với những trường hợp đặc biệt như: trẻ ốm yếu, trẻ mắc một số loại bệnh lý mà dinh dưỡng bình thường không cung cấp đủ.
Theo Viện Dinh dưỡng, bữa ăn gia đình có vai trò vô cùng quan trọng và cần được đảm bảo cả về số lượng và chất lượng. Một bữa ăn cân đối cần có đủ 4 nhóm thực phẩm là nhóm bột đường (chủ yếu từ các loại ngũ cốc), nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...), nhóm chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật), nhóm vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả...).
Công thức kết hợp giữa các thành phần chính của bữa ăn, theo khuyến nghị của các chuyên gia là: 60-70% gluxit + 10-12% protein + 18-25% lipit cùng với đó là vitamin và khoáng chất. Đối với mỗi nhóm thực phẩm cũng cần có sự phối hợp đa dạng các nguồn cung cấp để đảm bảo sự toàn vẹn về dưỡng chất.
--Những loại thực phẩm thông thường mà được chế biến đúng cách, ăn theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng thì nó đã cung cấp quá đầy đủ dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ |
Ví dụ: Với nhóm bột đường cần phối hợp giữa các loại ngũ cốc, khoai tây, khoai lang, bánh mì, mì…; với nhóm chất đạm kết hợp đa dạng nguồn đạm từ thịt gia cầm, thịt đỏ, cá, đạm thực vật; nhóm chất béo cần kết hợp giữa dầu thực vật, mỡ động vật…
Dựa trên công thức chung này, đối với mỗi lứa tuổi lại cần có một lưu ý riêng về chế độ ăn uống cũng như cách chế biến để phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng và đặc điểm của từng nhóm đối tượng.
“Thực phẩm chức năng, thực phẩm thuốc chỉ nên dùng vào các trường hợp đặc biệt, không nên sính các loại thực phẩm này mà cho trẻ sử dụng một cách đại trà, kể cả khi điều kiện kinh tế cho phép, bởi chúng chỉ cung cấp một số yếu tố vi lượng, không thể đảm bảo cung cấp trọn vẹn dinh dưỡng thay thế cho bữa ăn hàng ngày. Do đó, cần nhắc lại rằng, việc đảm bảo sự cân bằng và trọn vẹn dưỡng chất trong bữa ăn hàng ngày vẫn là điều quan trọng nhất”. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.
Dần Thanh (TH) – DTVN – CLVN