Lợi dụng bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, bằng mọi phương thức thủ đoạn, từ nhiều nguồn khác nhau, bánh Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn được tuồn vào thị trường nội địa và rao bán trực tiếp cũng như qua mạng xã hội. Do đó, để bảo vệ người tiêu dùng, cơ quan chức năng đã vào cuộc kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn "thực phẩm bẩn".
Mua, bán online lên ngôi
Vì tình hình dịch Covid-19 vẫn đang căng thẳng kéo dài khiến thói quen mua sắm cũng thay đổi. Bởi vậy, nắm bắt xu hướng mới của người tiêu dùng, các doanh sản xuất bánh kẹo truyền thống như Hải Hà, Hữu Nghị, Thu Hương, Kinh Đô… đang đẩy mạnh kênh bán hàng online thông qua các sàn giao dịch thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada, Sendo… và những ứng dụng giao hàng Grab, Gojek, Baemin.
Ngoài ra, với các tiểu thương sản xuất bánh thủ công (handmade) cũng tận dụng mạng xã hội Zalo, Facebook, các nhóm mua bán online, cộng đồng khu dân cư để tiêu thụ sản phẩm.
Cụ thể, mức giá bánh Trung thu loại “bình dân” dao động từ 50.000 - 70.000 đồng/chiếc, các dòng bánh cao cấp dao động từ 300.000 - 750.000 đồng/chiếc. Đặc biệt khi mua sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử người mua sẽ được hưởng ưu đãi chiết khấu từ 5 - 10%.
Lợi dụng tâm lý người tiêu dùng, trên nhiều trang mạng xã hội Facebook, Zalo đã liên tục xuất hiện những lời quảng cáo, rao bán “Bánh Trung thu siêu ngon, siêu rẻ” là hàng “xách tay” từ nhiều nơi khác nhau hoặc sản phẩm handmade nhà làm với giá bán rẻ tới bất ngờ.
Còn trên sàn thương mại điện tử Shopee, nhiều gian hàng quảng cáo, rao bán combo bánh nướng Trung thu mini do Đài Loan (Trung Quốc) sản xuất chỉ 39.000 đồng/10 chiếc. Tuy nhiên, nếu khách hàng mua theo ki lô gam giá chỉ còn 68.000 - 71.000 đồng/kg (20 chiếc).
Không chỉ rao bán bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất giá rẻ, nhiều cơ sở sản xuất cũng “quảng cáo” bánh handmade với nguyên liệu sạch, giá rẻ thu hút một lượng tương đối người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia những chiếc bánh này không được chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, không công khai thành phần dinh dưỡng trên bao bì, thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ về chất bảo quản, phẩm màu, phụ gia vượt quá mức cho phép hoặc không bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng.
Phát hiện hàng loạt vụ vận chuyển, tàng trữ bánh Trung thu không rõ nguồn gốc
Thực tế, thời gian gần đây, lực lượng quản lý thị trường tại các địa phương trên cả nước liên tiếp phát hiện bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, lưu thông trên thị trường.
Cụ thể, mới đây nhất, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã phối hợp với Công an Hà Nội đột xuất kiểm tra cơ sở kinh doanh tại địa chỉ số 1, ngõ 72, đường La Phù, Hoài Đức (Tp.Hà Nội) do ông Nguyễn Quang Thạch là chủ.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng đã thu giữ 11.130 chiếc bánh Trung thu, do nước ngoài sản xuất. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ, chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.
Hay trước đó, Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Tây Ninh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành đối với một hộ kinh doanh số tiền 12 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ tang vật là 1.524 chiếc bánh Trung thu các loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Ngoài ra, khi kiểm tra đột xuất phương tiện vận tải xe “luồng xanh” tại thôn La Lâm, xã La Krêl, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, Đội Quản lý thị trường số 3, Cục Quản lý thị trường cũng Gia Lai phát hiện và tạm giữ 139kg sản phẩm thực phẩm được đóng gói trong 59 thùng với tổng cộng trên 3.000 cái bánh Trung thu các loại. Toàn bộ số hàng hóa trên có ghi nhãn tiếng nước ngoài nhưng không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.
Lực lượng chức năng tỉnh Gia Lai phát hiện xe vận tải luồng xanh vận chuyển bánh Trung Thu nhập khẩu không có hóa đơn chứng từ. (Ảnh: TTXVN). |
Nguyễn Văn Nam cùng tang vật tại cơ quan điều tra. Ảnh: An ninh thủ đô. |
Đội QLTT số 4, Cục QLTT Hà Nội thu giữ 2400 sản phẩm bánh Trung thu nhân trứng do nước ngoài do nước ngoài sản xuất không có hoá đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc. Ảnh: TTXVN. |
Theo ông Trần Hữu Linh - Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, trong dịp Tết Trung thu năm 2021, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã và đang tăng cường quản lý địa bàn, thu thập thông tin, giám sát thị trường để kịp thời triển khai các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường.
Cùng với đó, kịp thời ngăn chặn, xử lý các vi phạm về sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Trung thu như bánh kẹo, hoa quả, đồ chơi...
Ngoài ra, trong dịp này lực lượng quản lý thị trường cả nước cũng tập trung kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, mẫu mã, nhãn hiệu, chất lượng, an toàn thực phẩm, đo lường, các nguyên liệu, thành phẩm có nguồn gốc nước ngoài.
Ông Trần Hữu Linh cho biết thêm, Tổng cục Quản lý thị trường đã yêu cầu Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố khu vực biên giới và các tỉnh, thành phố dọc theo tuyến vận chuyển từ biên giới vào nội địa cần có phương án kiểm tra đột xuất, ngăn chặn và xử lý kịp thời vi phạm. Mặt khác, Cục Quản lý thị trường các địa phương cần tăng cường hậu an toàn thực phẩm đối với mặt hàng bánh Trung thu lưu thông trên thị trường.
Là một trong những thị trường trọng điểm của cả nước, ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho hay, vài năm trở lại đây, các loại bánh trung thu quảng cáo tự làm, bán trực tuyến (online) có xu hướng tăng mạnh. Khó khăn nhất trong kiểm soát an toàn thực phẩm với bánh Trung thu tự làm là nguồn gốc nguyên liệu.
Theo quy định, ngoài hợp đồng, hóa đơn mua bán, cơ sở kinh doanh phải có thêm giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của cơ sở sản xuất nhân bánh và giấy chứng nhận kiểm nghiệm định kỳ nhân bánh đạt yêu cầu. Tuy nhiên, những loại bánh do các tiệm bánh nhỏ hoặc gia đình làm ra với mục đích để ăn, tặng và bán lẻ, khó có thể đáp ứng được yêu cầu này.
Vì thế, để bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã yêu cầu Đội trưởng các Đội Quản lý thị trường chủ động tăng cường quản lý địa bàn, rà soát các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh Trung thu, nhất là các cá nhân, cơ sở kinh doanh, bán online mặt hàng bánh trung thu trên website thương mại điện tử, sử dụng thương mại điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo...). chưa thông báo với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương).
Quá trình rà soát, nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm, các đội tổ chức kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền. Quá trình thẩm tra, xác minh, kiểm tra, xử lý phải bảo đảm các quy định phòng chống dịch Covid-19 do Bộ Y tế, UBND Thành phố và địa phương quy định.
Đặc biệt, sau dịp Tết Trung thu, lực lượng quản lý thị trường sẽ kiểm soát việc thu hồi và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, ngăn chặn việc tái sản xuất ra các sản phẩm khác gây mất an toàn.
Nhằm ngăn chặn tình trạng lợi dụng thương mại điện tử để tiêu thụ bánh Trung thu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ qua đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cũng khuyến cáo người tiêu dùng khi lựa chọn, sử dụng bánh Trung thu cần chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có tên, địa chỉ nhà sản xuất, hướng dẫn sử dụng, bảo quản. Ngoài ra chỉ nên mua hàng tại những website đã đăng ký hoặc thông báo với Bộ Công Thương.
Khó nhưng không nản
Trong khi một số thương hiệu phải tạm ngưng sản xuất bánh Trung thu vì ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh Covid-19 thì các thương hiệu như Bảo Ngọc, Kinh Đô,... đã lựa chọn việc đẩy mạnh bán hàng online trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki cùng với những ưu đãi từ 5 - 10% về giá. Thậm chí nhiều doanh nghiệp tung ra các combo hộp bánh Trung thu 2021, giá bán dao động khoảng 100.000 đồng đến dưới 1.000.000 đồng.
Các nhà sản xuất không chỉ đơn thuần đầu tư vào chất lượng, hương vị mà còn kèm theo hàng loạt chương trình khuyến mãi hấp dẫn.
Có thể kể đến như bánh Trung thu của 1 khách sạn 5 sao tại Hà Nội đã gây ấn tượng với người tiêu dùng bằng những họa tiết cách điệu sang trọng. Những hộp bánh được lấy cảm hứng từ những bông cúc họa mi trắng, gồm 6 bánh nướng các vị và 2 hộp trà Ô Long hảo hạng hoặc chai rượu vang có giá từ 1,1 triệu trở lên tùy từng hộp kèm rượu loại nào.
Hay như một thương hiệu khác, hộp bánh Trung thu được lấy cảm hứng từ năm Tân Sửu với hình tượng con trâu biểu tượng của làng quê Việt, được in dập trên Giấy Dó, cùng hình ảnh cá chép và hoa cúc đại đóa hòa. Trong hộp bánh còn có những món quà tặng kèm như trà cổ truyền hay đồ uống ngọt ngào và các khuyến mại hấp dẫn.
Có thể nói, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nhưng các thương hiệu sản xuất bánh Trung thu vẫn đang cố gắng đem đến cho người dân những sản phẩm truyền thống chất lượng. Và đây có lẽ cũng chính là một món quà tinh thần, lời chúc bình an của nhà sản xuất gửi đến mọi người trong ngày Rằm tháng 8 vô cùng đặc biệt của năm nay.
Theo Người đưa tin