Hà Nội, Thứ Năm Ngày 25/04/2024

70 năm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Từ phụ thuộc đến tự in tiền

Người đưa tin 21:44 05/05/2021

Ngân hàng nhà nước có vai trò quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối và có nhiệm vụ in ấn, phát hành tiền, cung ứng dịch vụ tiền tệ cho chính phủ. Nhiệm vụ nào cũng quan trọng,

Ngân hàng Nhà nước có vai trò quản lý nhà nước về tiền tệ, hoạt động ngân hàng và ngoại hối.

Với mọi chế độ, tiền giấy hay kim loại chỉ là phương tiện thanh toán trong giao dịch thương mại, nó cũng là tài sản tích trữ. Nhưng, tiền là đại diện cho quốc gia vì thế có đồng tiền riêng là khẳng định nền độc lập của chế độ đó.

Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2/9/1945, công việc quan trọng đầu tiên để khẳng định một nước Việt Nam độc lập là phải in ấn đồng tiền riêng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ này cho bộ Tài chính và Bộ trưởng bộ Tài chính khi đó là Phạm Văn Đồng nhanh chóng tổ chức thực hiện. Ông Phạm Văn Đồng đã mời các họa sỹ vẽ mẫu, tiếp đó kêu gọi sự giúp đỡ của các nhà tư sản yêu nước và các nhà tư sản Đỗ Đình Thiện, Ngô Tử Hạ đã nhiệt tình hưởng ứng bất chấp nguy hiểm tính mạng bản thân cũng như gia đình.

Ngày 31/1/1946, những đồng tiền giấy đầu tiên có chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ở mặt phải đã phát hành tại Trung bộ sau đó ra Bắc bộ.

Thời điểm này tình hình chính trị ở Việt Nam hết sức phức tạp và tiền tệ trong nước cũng rối ren. Khi quân đội Trung Hoa Dân quốc sang giải giáp quân Nhật theo yêu cầu của Đồng minh đã mang theo đồng Kim quan mất giá, đồng Yên của Nhật vẫn đang lưu hành và tiền do Ngân hàng Đông Dương phát hành vẫn sử dụng trên thị trường.

Tuy nhiên, tiền giấy do bộ Tài chính phát hành vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhân dân ủng hộ và gọi bằng cái tên thân thương là "giấy bạc Cụ Hồ".

Cuối năm 1946, thực dân Pháp tái chiếm Việt Nam, việc in tiền phải chuyển lên nhà máy ở Chi Nê (Hòa Bình) sau đó phải liên tục di chuyển vì Pháp ném bom đánh phá. Khó khăn là vậy nhưng những đồng tiền kháng chiến vẫn được tiếp tục in. Tại miền Nam, vì điều kiện không thể chuyển tiền in từ miền Bắc vào được nên nhiều tỉnh đã tự in tiền, bất chấp nguy hiểm.

Sau khi chiến dịch Biên giới năm 1950 giành thắng lợi, cuộc kháng chiến chống Pháp ở Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới với thế chủ động. Thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ 2, ngày 6/5/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam.

Từ đây, việc in ấn, phát hành, quản lý đồng tiền kháng chiến chuyển từ bộ Tài chính sang Ngân hàng Quốc gia Việt Nam. Thời điểm này nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời được 2 năm đã tạo điều kiện để chính phủ kháng chiến Việt Nam kết nối với các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu.

Nhờ sự giúp đỡ của phe xã hội chủ nghĩa dành cho cuộc kháng chiến chống Pháp của Việt Nam nên từ năm này tiền Việt Nam được in ở Tiệp Khắc.

Sau năm 1954, đất nước chia làm hai miền, miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các nước trong phe xã hội chủ nghĩa và đồng tiền giấy có mệnh giá cao được in tại Trung Quốc. Ngày 19/2/1979, Trung Quốc cho quân xâm chiếm biên giới phía Bắc vì thế tiền Việt Nam được chuyển sang in tại Liên Xô và sau đó là Cộng hòa Dân chủ Đức. Các cơ sở trong nước chỉ in các mệnh giá nhỏ bằng công nghệ offset thông thường.

In tiền khác với in văn hóa phẩm, ngoài chất lượng còn phải đảm bảo tính bảo an để hạn chế bị làm tiền giả. Vì thế không có phương tiện thiết bị máy móc chuyên nghiệp sẽ không in được tiền. Trên thế giới, nhiều quốc gia không có điều kiện tự in họ buộc phải in ở nước ngoài.

In tiền ở các nước có công nghệ in tiên tiến sẽ có đồng tiền với chất lượng tốt, công nghệ tiên tiến cũng cho phép họ thực hiện các giải pháp bảo an của họa sỹ vẽ mẫu. Tuy nhiên, in tiền ở nước ngoài lợi bất cập hại, nhà nước sẽ không giữ được bí mật số tiền in ra. In tiền ở nước ngoài cũng khiến nhà nước không thể chủ động khi cần một lượng tiền mặt lớn trong một thời gian ngắn để giải quyết các vấn đề cấp thiết của quốc gia. Không những thế, in tiền ở nước ngoài còn phát sinh chi phí vận chuyển nên giá thành một tờ tiền sẽ cao. Song đáng lo ngại nhất, in tiền ở nước ngoài có thể dẫn đến mất chủ quyền quốc gia.

Để có được một nền tiền tệ độc lập, tự chủ thực sự dù đất nước bị bao vây cấm vận và còn hết sức khó khăn, năm 1984, Đảng, Nhà nước đã quyết tâm dành nguồn lực xây dựng nhà máy in tiền. Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện.

Sau 7 năm triển khai, nhà máy đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và là cơ sở để Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) quyết định thành lập Nhà máy In tiền Quốc gia trực thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vào ngày 22/4/1991.

Việc ra đời Nhà máy In tiền Quốc gia đã chấm dứt hoàn toàn in tiền tại nước ngoài. Thế nhưng, có nhà máy với máy móc và thiết bị hiện đại cũng không có nghĩa tiền sẽ không bị in giả. Khi tiền có tỷ lệ in giả cao, người dân sẽ không tin vào tiền và nền kinh tế bị ảnh hưởng.

Thập niên 90, tiền in bằng chất liệu cotton truyền thống bị làm giả xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường nên chính phủ đã tính tìm vật liệu mới xuất hiện là polymer. Polymer ngoài giá thành cao, khó làm giả khi dùng máy scan còn cho phép họa sỹ đưa vào thiết kế các tính năng bảo an cao hơn. Chất liệu Polymer cũng phù hợp với các máy đếm tiền, cây ATM và vận chuyển.

Thế nhưng, in được tiền polymer phải có công nghệ hiện đại. Và, việc đồng tiền polymer ra đời năm 2003 đã chứng minh Nhà máy In tiền Quốc gia đã làm chủ được công nghệ.

18 năm kể từ ngày phát hành tờ tiền polymer đầu tiên cho đến nay, tỷ lệ tiền giả rất thấp và có thể phát hiện bằng mắt thường, với người khiếm thị có thể phát hiện bằng tay.

Với lịch sử một nhà máy, 30 năm không phải là quãng thời gian dài, có được thành tích như ngày nay là do sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước qua các thời kỳ và đặc biệt là ngày hôm nay. Và cũng phải kể đến sự cố gắng vươn lên làm chủ công nghệ, hợp lý hóa quy trình sản xuất, tiết giảm chi phí, tận tâm, tận lực của lãnh đạo nhà máy.

70 năm kể từ khi Ngân hàng Nhà nước ra đời thực hiện in ấn thì hiện tại là thời kỳ đồng tiền Việt Nam được xã hội tin tưởng nhất nhờ đồng tiền an toàn và cách điều hành linh hoạt phù hợp với quy luật kinh tế của lãnh đạo ngành ngân hàng.

Link gốc : https://www.nguoiduatin.vn/nhnn-viet-nam-tu-phu-thuoc-den-chu-dong-in-tien-bang-cn-hien-dai-a513262.html

Bạn đang đọc bài viết 70 năm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Từ phụ thuộc đến tự in tiền tại chuyên mục Tài chính ngân hàng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tài chính ngân hàng