Thứ trưởng Lê Anh Tuấn vừa có văn bản trả lời đề xuất của UBND TP.Hà Nội về việc quy hoạch sân bay thứ hai cho Vùng Thủ đô ở huyện Ứng Hòa.
Sau cuộc họp với UBND TP.Hà Nội, Bộ GTVT đã giao các đơn vị liên quan đánh giá tổng thể ưu, nhược điểm của các kịch bản quy hoạch sân bay Nội Bài cùng với phương án nghiên cứu vị trí sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô.
Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, các đơn vị đã xây dựng 3 kịch bản phát triển sân bay Nội Bài, tương ứng với 3 phương án hoạch định sân bay thứ 2 của Vùng Thủ đô về quy mô, vị trí và thời điểm nghiên cứu, và đã kiến nghị quy hoạch Nội Bài giai đoạn đến năm 2030 đáp ứng quy mô 60-65 triệu hành khách/năm; giai đoạn đến năm 2050 đáp ứng quy mô khoảng 100 triệu hành khách/năm.
Sân bay quốc tế Nội Bài đến năm 2050 đáp ứng quy mô khoảng 100 triệu hành khách/năm. (Ảnh: Zingnews.vn) |
Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, đây là các phương án có nhiều ưu điểm vượt trội dựa trên các yếu tố: Phát huy tối đa hiệu quả tài chính, kinh tế và lợi thế về vị trí của Nội Bài về điều kiện tự nhiên, vùng đất, vùng trời; điều hành bay; về tổ chức, quản lý, khai thác; diện tích đất chiếm dụng, chi phí; giao thông kết nối.
"Phương án hoạch định sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô được các đơn vị đánh giá là vị trí Ứng Hòa rất khó khả thi trong việc bố trí sân bay mới với mục đích hỗ trợ, chia sẻ lưu lượng cho Nội Bài. Các vị trí tiềm năng khác tại Thanh Miện (tỉnh Hải Dương), Tiên Lãng (tỉnh Hải Phòng) có tính khả thi cao hơn" - ông Tuấn thông tin.
Trong hồ sơ trình thẩm định quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đơn vị kiến nghị thời điểm nghiên cứu vị trí sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô sau năm 2040.
Tuy nhiên, Bộ GTVT tiếp thu kiến nghị của UBND TP.Hà Nội và sẽ căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội; tình hình phục hồi, phát triển của hàng không sau đại dịch Covid-19 để có đầy đủ số liệu, cơ sở nghiên cứu vị trí sân bay thứ hai vùng thủ đô (gồm cả khu vực phía đông, phía nam thủ đô và vùng lân cận), dự kiến sau giai đoạn năm 2030.
"Bộ GTVT mong UBND TP.Hà Nội nghiên cứu và ủng hộ phương án phát triển sân bay Nội Bài với quy mô 100 triệu hành khách/năm, nghiên cứu quy hoạch sân bay thứ hai vùng thủ đô giai đoạn sau năm 2030" - Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho hay.
Hồi tháng 3 vừa qua, UBND TP Hải Phòng đề nghị Bộ GTVT xem xét xác định sân bay Tiên Lãng là cảng hàng không quốc tế số hai Vùng Thủ đô trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cơ sở để Hải Phòng đưa ra đề xuất là tại Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định đến năm 2045, Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045 đang được Bộ Xây dựng thẩm định có quy hoạch sân bay Tiên Lãng (sau năm 2045) cùng các quy hoạch đường bộ, đường sắt đô thị kết nối sân bay Tiên Lãng.
Trong khi đó, tại Báo cáo cuối kỳ quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sân bay thứ hai cho Vùng Thủ đô chưa được xác định cụ thể mà chỉ khẳng định “sẽ được nghiên cứu vị trí khi có nhu cầu, dự kiến sau năm 2040”.
Trước đó, theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, có tới 4 phương án xây dựng sân bay thứ hai cho Vùng Thủ đô gồm: Sân bay tại Ứng Hòa (TP.Hà Nội), Lý Nhân (tỉnh Hà Nam), Thanh Miện (tỉnh Hải Dương) và Tiên Lãng (tỉnh Hải Phòng), cách trung tâm Hà Nội khoảng 120 km.
Tại Hội thảo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, Tiên Lãng nên là sân bay thứ hai của Hải Phòng thay cho sân bay Cát Bi quá tải, thay vì là sân bay thứ hai của Vùng Thủ đô.
“Mỗi sân bay trong quy hoạch đều tính toán trên nhiều yếu tố, từ nhu cầu đi lại, khoảng cách, mạng đường bay trên không, chi phí đầu tư. Hiện sân bay lượng khách dưới 2 triệu/năm đều phải bù lỗ, nên dù đầu tư ngân sách hay tư nhân đều phải tính tới hiệu quả, không lãng phí nguồn lực xã hội.
Định hướng đầu tư sân bay thời gian tới sẽ giảm phụ thuộc vào ngân sách Trung ương. Các sân bay đầu tư mới trong tương lai, như Sa Pa, Phan Thiết, Lai Châu, Quảng Trị... sẽ kêu gọi hợp tác công - tư, với sự tham gia của ngân sách địa phương, địa phương muốn có sân bay phải tự tìm nhà đầu tư.
Còn sân bay hiện hữu, nếu ít yếu tố quốc phòng an ninh có thể nhượng quyền khai thác cho doanh nghiệp”, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Đầu tư (Bộ GTVT) Nguyễn Anh Dũng nhận định.