Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Bổ sung 21 vi chất: Xin đừng gieo rắc nỗi sợ hãi và câu chuyện “thầy bói xem voi”

Thời báo CK 07:32 19/12/2019

Phản biện luôn cần thiết cho sự phát triển tiến bộ. Nhưng, phản biện theo kiểu phủ nhận kết quả nghiên cứu khoa học, sử dụng cảm tính và tư duy chủ quan lại gây ra hậu quả gieo rắc nỗi sợ hãi...

Đằng sau những câu chữ khoa học ngắn gọn

Ngày 5/12/2019, Bộ Y tế ban hành Thông tư 31/2019/TT-BYT. Thông tư này quy định rõ Sữa học đường (SHĐ) phải có nguyên liệu đầu vào là sữa tươi và phải bảo đảm đủ 21 vi chất dinh dưỡng. Quyết định này được ban hành sau khi Ban cán sự Đảng Bộ Y tế đã họp và đi đến thống nhất. Về quy định bắt buộc bổ sung 21 vi chất vào SHĐ, Bộ Y tế quyết định dựa trên khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng Quốc gia.

Đáng chú ý, trong thông cáo báo chí phát đi sau đó, Bộ Y tế khẳng định: Quy định bắt buộc bổ sung 21 vi chất vào SHĐ nhằm đạt được các chỉ tiêu mà Chương trình SHĐ của Chính phủ yêu cầu. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng đã có văn bản đề nghị bổ sung 21 loại vi chất với hàm lượng cụ thể của từng loại vào sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình SHĐ và khẳng định cơ sở khoa học được nêu ra nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em. Việc bổ sung 21 loại vi chất vào sản phẩm sữa tươi sử dụng trong Chương trình SHĐ là rất cần thiết và cũng chỉ mới đáp ứng khoảng 30% nhu cầu về vitamin và khoáng chất hàng ngày của trẻ.Để có được những khẳng định khoa học ngắn gọn đó là cả một quá trình nghiên cứu, thực nghiệm nghiêm túc với nhiều công trình của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng như nhiều nhà khoa học ở Việt Nam.

Sữa học đường cho trẻ

Như các công trình nghiên cứu: Hiệu quả của bánh bích quy có bổ sung Ergosterol giàu vitamin D2 đến tình trạng dinh dưỡng và một số chỉ tiêu sinh hóa trên học sinh tiểu học (Nguyễn Xuân Ninh, Đỗ Bảo Hoa, Nguyễn Thị Lan Phương và cộng sự - 2014).

Hiệu quả bổ sung bánh bách quy có tăng cường đa vi chất trong cải thiện tình trạng dinh dưỡng của học sinh 6-9 tuổi tại một trường tiểu học (Trần Thị Huân – 2002).

Nghiên cứu hiệu quả bổ sung bánh quy giàu sắt, kẽm lên tình trạng dinh dưỡng và vi chất ở trẻ em 3-5 tuổi tại xã Eahiu, huyện Krông Pách, tỉnh Đắk Lắk. Tạp chí Dinh dưỡng (Đặng Oanh, Nguyễn Thị Thùy và Nguyễn Xuân Ninh - 2014).

Hiệu quả bổ sung kẽm và spinkles đa vi chất trên trẻ 6-36 tháng tuổi suy dinh dưỡng thấp còi tại huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh (Luận án Tiến sĩ Dinh dưỡng cộng đồng, Viện Dinh dưỡng - NCS Nguyễn Thanh Hà năm 2011).

Đánh giá hiệu quả của bột giàu năng lượng và vi chất trong việc phòng chống thiếu dinh dưỡng trên trẻ 5-8 tháng tuổi thuộc huyện Đồng Hỷ, Thái Nguyên, Luận án Tiến sĩ Y học, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương của NCS Cao Thị Thu Hương năm 2004.

Thực trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em và phụ nữ giai đoạn 2011-2015; tình hình dinh dưỡng chiến lược can thiệp 2011-2015 và định hướng 2016 – 2020 (Trần Thúy Nga, Trần Khánh Vân, 2011, NXB Y học).

Liên quan giữa nồng độ vitamin A, Hb với IGF-I và tình trạng dinh dưỡng Việt Nam (Nguyễn Xuân Ninh -2002).

Nghiên cứu đánh giá mối liên quan giữa thấp còi và thiếu hụt vitamin D, kẽm và iốt ở học sinh hai trường tiểu học tại thành phố Hồ Chí Minh (Trần Quốc Cường, Đỗ Thị Ngọc Diệp và Vũ Thị Quỳnh Hoa - 2014).

Hiệu quả của bổ sung sữa giàu năng lượng PediaPlus đến tình tạng dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng của trẻ em 36-72 tháng tuổi vùng nông thôn (Trần Thị Lụa, Lê Thị Hợp, Hà Huy Tuệ và cộng sự -2011).

Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2009-2010 ( Nhà xuất bản Y học).

Liên quan giữa nồng độ vitamin A, Hb với IGF-I và tình trạng dinh dưỡng Việt Nam (Nguyễn Xuân Ninh -2002).

Hiệu quả của sữa và sữa giàu đa vi chất lên tình trạng dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng của học sinh tiểu học (Bùi Thị Nhung, Đỗ Thị Kim Liên, Nguyễn Văn Khang và cộng sự -2006).

Hiệu quả cải thiện tình trạng dinh dưỡng của sữa bổ sung vi chất ở trẻ mẫu giáo tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An (Nguyễn Đức Vinh, Lê Thị Hợp, Cao Thị Thu Hương và cộng sự - 2017).

Hiệu quả của tăng cường vi chất vào thực phẩm đến tình trạng dinh dưỡng của học sinh tiểu học huyện Nghĩa Đàn (Nguyễn Đức Vinh, Lê Thị Hợp, Cao Thị Thu Hương và cộng sự - 2018)…

Bên cạnh hàng loạt công trình nghiên cứu, thực nghiệm trên là việc kế thừa, áp dụng các công trình khao học, kết quả thực tiễn của việc bổ sung đa vi chất vào thực phẩm nói chung, sữa nói riêng của nhiều quốc gia trên thế giới.

Với những người làm khoa học, có chuyên môn về dinh dưỡng, sức khỏe sẽ dễ dàng hiểu được “sức nặng” những lời khẳng định gắn gọn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của những người không có chuyên môn lại nhìn nhận sự việc đầy phiến diện, thậm chí đưa ra những “kết luận” hoàn toàn không có cơ sở khoa học “bổ sung 21 vi chất vào sữa gây tác hại cho học sinh”, “không được đưa học sinh ra thí nghiệm”

Chúng ta tin vào ai?

Denis Diderot từng nói: “Xã hội tồn tại nhờ niềm tin, và phát triển nhờ khoa học”. Nhưng dường như, luồng dư luận được gọi là “phản đối’ bổ sung 21 vi chất vào SHĐ tràn lan trên mạng xã hội đang cho thấy nhiều người đang thiếu cả niềm tin và khoa học.

Hiện, phổ biến nhất là cách đặt vấn đề “Viện Dinh dưỡng không đủ thẩm quyền khuyến nghị bổ sung 21 vi chất vào SHĐ” mà phải là “Hội đồng khoa học của Bộ Y tế” thậm chí là “Hội đồng khoa học cấp Nhà nước”.Trong khi đó, về cơ sở pháp lý, Quyết định 1340 ngày 8/7/2016 của Thủ tướng Chính phủ giao: Bộ Y tế xây dựng và ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình SHĐ, định mức, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tại Quyết định 5450 ngày 28/9/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế: Giao Viện Dinh dưỡng chủ trì, phối hợp với Cục An toàn thực phẩm và các đơn vị liên quan tiến hành nghiên cứu, tổng hợp nhu cầu vitamin, khoáng chất ở trẻ Việt Nam và quy định của quốc tế, đề xuất bổ sung vào sữa dùng cho Chương trình sữa học đường phù hợp với các nhóm đối tượng trẻ em mẫu giáo, tiểu học để đáp ứng được Mục tiêu và Chỉ tiêu của Chương trình sữa học đường đến năm 2020. Báo cáo Bộ Y tế trước ngày 30/6/ 2017.

Như vậy, Viện Dinh dưỡng có đủ thẩm quyền cũng như chịu trách nhiệm về cơ sở khoa học khi đưa ra khuyến nghị bổ sung 21 vi chất vào SHĐ. Sau hơn 3 năm nghiên cứu, Viện Dinh dưỡng đã trình khuyến nghị lên lãnh đạo Bộ Y tế. Với nhiều hội thảo, hội nghị Ban cán sự Bộ Y tế đã họp và đi đến thống nhất đồng ý với khuyến nghị của Viện Dinh dưỡng.

Vậy mà, một số ý kiến lại cho rằng “Bộ Y tế tùy tiện, vội vàng ban hành Thông tư 31!”. Thậm chí, nhiều người còn tỏ ra cực đoan khi đặt vấn đề “không tin tưởng vào Thông tư 31 vì văn bản pháp lý này do… Thứ trưởng Trương Quốc Cường ký”.

Người ta đang cố tình phủ nhận sức lao động, kết quả nghiên cứu khoa học, trí tuệ và cả quy trình làm việc, ban hành văn bản pháp luật của các nhà khoa học, bác sỹ cũng như tập thể lãnh đạo Bộ Y tế.

Khó hiểu hơn, một số ý kiến còn đưa ra “yêu cầu” phải tiến hành nghiên cứu, thực nghiệm việc bổ sung vi chất ở từng tỉnh, thậm chí từng huyện vì “mỗi nơi có một thực trạng thể chất, dinh dưỡng khác nhau” nên không thể áp dụng quy định bổ sung 21 vi chất vào SHĐ trên toàn quốc!

Với khoa học, đó là cách tư duy thô thiển và cảm tính, phủ nhận các phương pháp nghiên cứu khoa học. Bởi, thực tế mục tiêu của chương trình SHĐ không phải giải quyết tình trạng dinh dưỡng cho từng tỉnh, từng huyện riêng biệt. Đó là chương trình Quốc gia với những mục tiêu chung. Hơn nữa, đây là yêu cầu phi thực tế bởi nếu làm đủ các nghiên cứu, thực nghiệm ở hàng nghìn địa bàn riêng biệt đó thì chưa chắc 10 năm sáu chúng ta mới thực hiện xong. Hàng nghìn kết quả nghiên cứu với hàng nghìn mẫu số khác nhau sẽ đặt ra câu chuyện sản xuất như thế nào và quan trọng nó giải quyết bài toán dinh dưỡng nào?

Hy vọng rằng, đã đến lúc khép lại các tranh luận cảm tính về việc bổ sung 21 vi chất vào SHĐ. Xin đừng dùng cảm tính để thể hiện tâm lý “phẫn nộ đám đông”. Xin hãy nhìn nhận về thực tế trẻ em Việt Nam đang có tỷ lệ còi xương, suy dinh dưỡng, béo phì ở mức báo động để thấy sự cần thiết đến mức Bộ Y tế phải đưa ra từ cụm “phải đảm bảo đủ 21 vi chất dinh dưỡng”.

Mạc Thanh Hương (thực hiện)

Link gốc : https://tbck.vn/phan-doi-bo-sung-21-vi-chat-vao-shd-xin-dung-gieo-rac-noi-so-hai-va-cau-chuyen-thay-boi-xem-voi-55984.html

Bạn đang đọc bài viết Bổ sung 21 vi chất: Xin đừng gieo rắc nỗi sợ hãi và câu chuyện “thầy bói xem voi” tại chuyên mục Sữa, thực phẩm chức năng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Sữa, thực phẩm chức năng