Hà Nội, Chủ nhật Ngày 24/11/2024

Bài 3: Các “ông lớn” ngành xây dựng kêu cứu Thủ tướng xin giảm thuế, giãn nợ

DOANH NHÂN VIỆT NAM 15:33 23/08/2021

Trước những ảnh hưởng từ dịch Covid-19, nhiều “ông lớn” ngành xây dựng đã gửi kiến nghị lên Chính phủ xin tháo gỡ khó khăn bằng việc giảm thuế, giãn nợ, giảm lãi vay.

Lãi suất 0% cho khoản vay dự án dừng thi công do Covid-19

Hàng loạt nhà thầu xây dựng lớn như Delta, Vinaconex, Cienco 4, Eurowindow, Thành An, Phục Hưng Holdings... vừa có văn bản gửi Hiệp hội các nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) để kiến nghị với Thủ tướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp.

Trong văn bản gửi Thủ tướng, VACC khẳng định diễn biến dịch Covid-19 đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng. Thay mặt cho các nhà thầu, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng hướng dẫn việc áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng giao nhận thầu thực hiện trong thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Thứ hai, bổ sung các chi phí phòng dịch bắt buộc, các chi phí tạm dừng thi công chờ việc, các chi phí kiểm tra nhanh dịch bệnh cho cán bộ, công nhân... vào chi phí đầu tư xây dựng công trình.

Thứ ba, đề nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng có quy định hướng dẫn cụ thể về điều kiện để công trình được tiếp tục thi công trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, công trình nào phải tạm dừng.

Thứ tư, xin Thủ tướng hỗ trợ dừng thu BHXH 6 tháng cuối năm cho tất cả lao động thời vụ ký hợp đồng lao động từ dưới 6 tháng tại các doanh nghiệp xây dựng.

Bài 3: Các “ông lớn” ngành xây dựng kêu cứu Thủ tướng xin giảm thuế, giãn nợ - ảnh 1

Nhiều “ông lớn” ngành xây dựng đã gửi kiến nghị lên Chính phủ xin tháo gỡ khó khăn bằng việc giảm thuế, giãn nợ, giảm lãi vay. (Ảnh minh họa)

Về tài chính doanh nghiệp, VACC đề nghị giãn thời gian nộp thuế giá trị gia tăng từ quý II/2021 sang đầu năm 2022 (các khối lượng nghiệm thu hoàn thành đến quý II/2021 đã xuất hóa đơn nhưng chưa được thanh toán); Giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp thời điểm từ tháng 4/2021 đến tháng 12/2021 cho tất cả doanh nghiệp xây dựng.

Với các khoản vay ngân hàng phục vụ cho công trường, dự án nhưng phải dừng thi công do giãn cách chống dịch được tính lãi suất 0%. Cho hoãn nộp tiền sử dụng đất cho các doanh nghiệp đến hết năm 2021, đồng thời có phương án giảm giá thuê đất đặc biệt đối với các diện tích đất làm nhà kho, xưởng phục vụ thi công, sản xuất.

Về những khó khăn doanh nghiệp xây dựng đang mắc phải, Tập đoàn Xây dựng Delta cho biết Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động của công ty, công nhân trong các dự án trong tình trạng bấp bênh, khó duy trì số lượng. Điều này ảnh hưởng đến sản lượng thi công hàng tháng và tiến độ thi công công trình, phát sinh chi phí.

Trong khi đó, Công ty Eurowindow cho biết dịch làm khó tiếp cận khách hàng, các dự án không triển khai được trong thời gian giãn cách. Giá nguyên vật liệu tăng cao, các loại chi phí cũng tăng, trong khi chi phí lãi vay ngân hàng vẫn chưa được giảm theo chỉ đạo của Chính phủ.... Lợi nhuận doanh nghiệp giảm 70-80%.

Khoanh nợ, giãn nợ cho các doanh nghiệp

Trước đó mấy ngày, Hội các Nhà quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) chính thức gửi lên Thủ tướng Chính phủ bản kiến nghị các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19.

Theo đó, VACD đề nghị giảm 50% các loại phí ngân hàng cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Hiệp hội này cho rằng, các khoản vay ngắn, trung và dài hạn cần có gói hỗ trợ lãi suất tiền vay ít nhất là 4%/năm (tương đương gói hỗ trợ năm 2008 - 2009) tính trên số tiền vay và thời hạn cho vay thực tế, thời hạn hỗ trợ lãi suất tối đa là 24 tháng, kể từ tháng 8/2021.

Bài 3: Các “ông lớn” ngành xây dựng kêu cứu Thủ tướng xin giảm thuế, giãn nợ - ảnh 2

Hàng loạt doanh nghiệp tiếp tục giải thể, ngừng hoạt động vì ảnh hưởng của Covid-19.

Khoản đi vay của doanh nghiệp để trả lương cho người lao động và đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cần có chính sách hỗ trợ lãi suất 100%.

Thực hiện khoanh nợ, giãn nợ đối với các khoản nợ mà khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận cho vay, cho thuê tài chính đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà không bị ảnh hưởng nhảy nhóm nợ.

VACD cũng cho rằng các thời hạn được quy định trong Thông tư số 03/2021/TT-NHNN quá ngắn so với những khó khăn của doanh nghiệp đã và đang gặp phải do dịch bệnh đến nay chưa có dấu hiệu giảm. Vì vậy, đề nghị Ngân hàng Nhà nước có văn bản mới gia hạn các điều khoản trong thông tư này ít nhất 1 năm nữa hoặc hết thời điểm Việt Nam công bố tình trạng “bình thường mới”, nên có đường dây nóng để tiếp nhận và phản hồi phản ánh từ doanh nghiệp.

Chính phủ nên cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Chính phủ mua có điều kiện với lãi suất 0% trong thời gian dịch Covid-19 và lãi suất thấp trong vòng 3-5 năm tiếp theo để tạo nguồn vốn tái cơ cấu, tái sản xuất và giúp doanh nghiệp sớm phục hồi.

Về thuế giá trị gia tăng, VACD đề nghị giảm 50% cho năm 2021 và 2022, giảm 30% cho năm 2023 cho doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, cho tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các lĩnh vực đang cực kỳ khó khăn như du lịch, khách sạn, vận tải… cần được miễn thuế này trong năm 2021và 2022, giảm 50% trong năm 2023.

Thời hạn nộp thuế cần được giãn tối thiểu 12 tháng từ khi hết dịch và hoãn thuế cho đến khi doanh nghiệp hồi phục và có khả năng để nộp.

Về thuế thu nhập doanh nghiệp, VACD đề nghị tiếp tục giảm 30% trong năm 2021, 2022 và giảm 25% năm 2023 cho tất cả doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp là đảm bảo tương lai của mình

Tiến sĩ Kinh tế Trần Khắc Tâm, ĐBQH khóa XIII, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng chia sẻ: “Tôi cho rằng, “vaccine ngân hàng” với các “tác dụng” hạ lãi suất, giãn nợ bây giờ chính là một trong những biện pháp cứu cánh cho doanh nghiệp. Bởi Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành đã có nhiều chính sách, chủ trương để hỗ trợ doanh nghiệp như cấp “luồng xanh” trong lưu thông hàng hóa, tiêm vaccine, tìm đầu ra cho sản phẩm… thì bây giờ cộng đồng doanh nghiệp cần được các ngân hàng hỗ trợ”.

Theo ông Trần Khắc Tâm, ở một mặt khác, chúng ta thấy rằng doanh nghiệp có khoẻ, có cầm cự được và vượt qua được khó khăn thì hoạt động ngân hàng mới lành mạnh và phát triển tốt được. Các ngân hàng hỗ trợ tốt đội ngũ doanh nghiệp cũng là bảo đảm tương lai của chính mình.

Cũng đáng mừng là trong thời gian qua Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có nhiều văn bản về vấn đề này. Gần đây một số ngân hàng thương mại lớn đã tuyên bố có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bằng biện pháp hạ lãi suất cho vay. Chúng tôi hy vọng các ngân hàng thương mại có nhiều động thái và quyết định mạnh mẽ hơn nữa, vì nhiệm vụ chung là khôi phục kinh tế đất nước trong tương lai gần.

Link gốc : https://doanhnhanvn.vn/cac-ong-lon-nganh-xay-dung-keu-cuu-thu-tuong-xin-giam-thue-36739.html

Bạn đang đọc bài viết Bài 3: Các “ông lớn” ngành xây dựng kêu cứu Thủ tướng xin giảm thuế, giãn nợ tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp