Nhiều doanh nghiệp thiệt hại nặng
Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát với sự tấn công của biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh khiến nhiều địa phương trên cả nước buộc phải giãn cách xã hội. Điều này gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Nhiều nhà máy, công xưởng, xí nghiệp, cơ sở sản xuất đã xảy ra tình trạng gián đoạn hoặc ngừng hoạt động bởi nhiều nguyên nhân. Trong đó, có thể kể đến như thiếu hụt nhân công lao động, thiếu hụt nguồn cung, đứt gãy chuỗi cung ứng trong sản xuất và đứt gãy kênh lưu thông phân phối, tiêu thụ dẫn tới tồn kho, ứ đọng hàng hóa sản phẩm.
Ông Đỗ Xuân Hưng, Giám đốc Tài chính Công ty TNHH May Tinh Lợi cho biết, để không mất đi những khách hàng quốc tế hàng đầu, Công ty chấp nhận giao hàng bằng đường hàng không, với chi phí gấp 10 lần so với đường biển. Tuy nhiên, tình hình nếu kéo dài, bồi thường và mất đơn hàng là điều không tránh khỏi.
”Nếu thời gian giao hàng chậm, quá xa đối tác sẽ hủy đơn hàng, doanh nghiệp không thu hồi được vốn đã bỏ ra để mua nguyên liệu và chi phí sản xuất đã chi trả", ông Đỗ Xuân Hưng nói.
Cần có thêm những liều thuốc bổ trợ chữa đúng bệnh và tiếp sức kịp thời cho doanh nghiệp từ phía các cơ quan chức năng. Ảnh minh họa. |
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam nhận định, nếu doanh nghiệp ngừng sản xuất trong thời gian ngắn thì các đối tác có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nếu quá trình ngừng sản xuất kéo dài thì các nhãn hàng sẽ dịch chuyển đơn hàng ra khỏi Việt Nam. Cơ hội cho Việt Nam sẽ bị mất là hiển nhiên.
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, nếu doanh nghiệp không đủ lực để cầm cự, không đáp ứng được yêu cầu, khách hàng quốc tế sẽ có sự điều chỉnh để có nguồn cung khác. Điều này sẽ dẫn đến việc khi doanh nghiệp từng bước phục hồi sản xuất, họ sẽ phải mất thời gian nhiều hơn, thậm chí là không thể để có lại được các đơn hàng từ các khách hàng cũ. Trong khi đó, tình hình dịch bệnh vẫn đang hết sức phức tạp.
Gỡ đúng chỗ khó
Khó khăn về nhân lực, khó khăn về lưu thông, nguyên liệu, khó khăn về dòng tiền..., khi các khó khăn đã được chỉ mặt đặt tên, cần gỡ đúng chỗ khó. Doanh nghiệp đang mong chờ những liều thuốc bổ trợ chữa đúng bệnh và tiếp sức kịp thời từ phía chính phủ, các cơ quan chức năng.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cần tổ chức một số chương trình giám sát để kịp thời đánh giá và nâng cao hiệu quả triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do dịch Covid-19. VCCI kỳ vọng Chính phủ, các bộ, ngành và chính quyền địa phương tăng cường phổ biến, tuyên truyền chính sách hỗ trợ để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận được các gói hỗ trợ đã ban hành. Trong đó, cần có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết và đầy đủ về các thủ tục, quy trình thực hiện theo hướng đơn giản, dễ thực hiện đối với các doanh nghiệp.
Cần nghiên cứu, xây dựng và sớm ban hành các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và mở rộng đầu tư kinh doanh cho giai đoạn mới 2021-2025; có chọn lọc, phân loại ngành nghề để hỗ trợ, như tiếp tục chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều do dịch bệnh.
Đối với các chính sách đã ban hành, cần chủ động nắm bắt tình hình triển khai, đặc biệt là những vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện để điều chỉnh hoặc kiến nghị điều chỉnh kịp thời và có cách thức hỗ trợ phù hợp đối với các doanh nghiệp ở từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn, chú trọng các doanh nghiệp thuộc các ngành bị tổn thương nặng nề bởi dịch Covid-19. VCCI cũng kiến nghị, cần quan tâm hơn nữa các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, siêu nhỏ bởi khả năng chống chịu kém của nhóm doanh nghiệp này.
Về dài hạn, cần xây dựng chính sách phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ theo hướng bớt lệ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài, giảm tình trạng gia công đã kéo dài quá lâu, mặt khác cũng tạo thêm giá trị gia tăng và vị thế tốt hơn của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, tạo thêm cơ hội hưởng lợi từ các FTA đòi hỏi hàm lượng xuất xứ nội địa/nội khối cao. Đại dịch Covid-19 đang tạo cho Việt Nam cơ hội làm việc đó, khi các đối tác lớn như Nhật, Mỹ, EU, Australia… đang tìm kiếm nơi để chuyển một phần nguồn cung cho các chuỗi của họ ra khỏi Trung Quốc.
VCCI cho rằng, với một số FTA thế hệ mới như CPTPP và EVFTA, Việt Nam càng có cơ hội được chọn, nếu có chính sách, mục tiêu rõ ràng nhằm khuyến khích thu hút đầu tư từ các đối tác trên vào những lĩnh vực/ngành cần phát triển công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ nhất.
"Cần có chính sách hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp tư nhân trụ lại được và có khả năng vượt lên sau dịch Covid-19, đặc biệt về đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực chất lượng cao, sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh mới. Việc này quan trọng không kém việc cứu các doanh nghiệp gặp khó khăn, vì sẽ giúp doanh nghiệp và nền kinh tế sớm vươn lên phục hồi tăng trưởng và đi vào giai đoạn phát triển mới cao hơn", VCCI khuyến nghị.
Theo VietQ