99 biểu mẫu mới trong đăng ký doanh nghiệp từ 01/5/2021
Thông tư 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 01/5/2021.
Trong đó, ban hành kèm theo 99 biểu mẫu sử dụng trong đăng ký doanh nghiệp, đăng ký hộ kinh doanh được sử dụng thống nhất trên toàn quốc, đơn cử như: Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (Phụ lục II-1); Thông báo thay đổi người đại diện theo pháp luật (Phụ lục II-2); Thông báo về việc đăng ký hoạt động chi nhánh/văn phòng đại diện/địa điểm kinh doanh (Phụ lục II-7); Giấy đề nghị công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp (Phụ lục II-24); Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh (Phụ lục III-1); Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (Phụ lục V-1);…
Quy định về chứng từ điện tử trong giao dịch thuế điện tử
Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 19/2021 hướng dẫn giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 3/5.
Theo đó, có một số điểm mới nổi bật đáng lưu ý về chứng từ điện tử như đã bổ sung quy định hồ sơ thuế điện tử bao gồm: Xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế; tra soát thông tin nộp thuế; thủ tục bù trừ tiền thuế, tiên chậm nộp, tiền phạt nộp thừa; miễn thuế, giảm thuế; miễn tiền chậm nộp; không tính tiền chậm nộp; khoanh tiền thuế nợ; xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt; gia hạn nộp thuế; nộp dần tiền thuế nợ.
Sửa đổi, bổ sung quy định chứng từ nộp ngân sách nhà nước (NSNN) điện tử:
Chứng từ nộp NSNN theo quy định tại Nghị định 11/2020 về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc Nhà nước; trường hợp nộp thuế qua hình thức nộp thuế điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thì chứng từ nộp NSNN là chứng từ giao dịch của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phải đảm bảo đủ các thông tin trên mẫu chứng từ nộp NSNN.
Quy định cũ trước đây là chứng từ nộp thuế điện tử là giấy nộp tiền hoặc chứng từ nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo quy định của Bộ Tài chính dưới dạng điện tử, trừ trường hợp nộp thuế qua hình thức nộp thuế điện tử của ngân hàng.
Yêu cầu về người đại diện theo pháp luật của DN thẩm định giá
Nghị định 12/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 89/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật giá về thẩm định giá có hiệu lực từ ngày 01/5/2021.
Theo đó, bổ sung quy định về yêu cầu đối với người đại diện theo pháp luật, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá.
Cụ thể, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá phải đáp ứng các yêu cầu sau:
Là thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp theo quy định tại điểm c khoản 1 hoặc điểm c khoản 2 hoặc điểm c khoản 3 hoặc điểm c khoản 4 hoặc điểm c khoản 5 Điều 39 Luật giá 2012;
Có ít nhất 03 năm (36 tháng) là thẩm định viên về giá hành nghề trước khi trở thành người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá;
Không là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá trong khoảng thời gian 01 năm (12 tháng) tính tới thời điểm nộp hồ sơ cấp, cấp lại Giấy chứng nhận này.
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá phải là thẩm định viên về giá, đăng ký hành nghề tại doanh nghiệp |
Quy định hỗ trợ tài chính trong Khu kinh tế - quốc phòng
Nghị định 22/2021/NĐ-CP về Khu kinh tế - quốc phòng có hiệu lực từ ngày 05/5/2021.
Theo đó, việc hỗ trợ tài chính trong Khu kinh tế - quốc phòng được quy định như sau:
Đoàn kinh tế - quốc phòng được hỗ trợ kinh phí mua, sửa chữa trang thiết bị y tế, giáo dục, phương tiện GTVT, phương tiện truyền thông, nhiên liệu và vật tư trang thiết bị khác;...
Doanh nghiệp quốc phòng an ninh được giao nhiệm vụ xây dựng Khu kinh tế - quốc phòng được hỗ trợ về BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động;
Hộ dân sinh sống hợp pháp tại Khu kinh tế - quốc phòng được hưởng các quy định về hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ giảm nghèo, hỗ trợ về nhà ở, công trình sinh hoạt thiết yếu và BHYT theo quy định;
Lực lượng trí thức trẻ tình nguyện, quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự đến công tác tại Khu kinh tế - quốc phòng được hưởng các chế độ chính sách, ưu đãi theo quy định.
Ngân hàng miễn giảm lãi vay do ảnh hưởng của dịch COVID-19
Thông tư 03/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời gian trả nợ, miễn giảm lãi, phí và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 sẽ có hiệu lực từ 17/5.
Trong đó, Thông tư hướng dẫn việc miễn, giảm lãi, phí theo quy định nội bộ đối với số dư nợ của khoản nợ phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cấp tín dụng (trừ hoạt động mua, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) mà nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi đến hạn thanh toán trong khoảng thời gian 23/1/2020-31/12/2021. Khách hàng không có khả năng trả đúng hạn nợ gốc hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng của dịch COVID -19.
Đồng thời, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cũng được yêu cầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với số dư nợ của khoản nợ đến ngày 31/12/2021 nếu khách hàng đáp ứng các điều kiện như phát sinh trước ngày 10/6/2020 từ hoạt động cho vay, cho thuê tài chính; Phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi trong khoảng thời gian từ ngày 23/01/2020 đến ngày 31/12/2021.
Theo Doanh nhân Việt Nam