Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Cạn tiền doanh nghiệp đi phát hành trái phiếu, nhà đầu tư cảnh giác 'con dao 2 lưỡi'

Theo ĐTVN/SHTT 20:47 15/02/2020

Doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đẩy mạnh phát hành trái phiếu. Trong khi đó mối quan hệ thân quen giữa nhà băng và doanh nghiệp làm ăn với nhau lại được lộ rõ.

Theo báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2019 của SSI, tổng lượng trái phiếu bất động sản phát hành năm 2019 khoảng 106.000 tỉ đồng, chiếm 38% tổng phát hành toàn thị trường

Với con số trên, trái phiếu bất động sản chỉ xếp sau nhóm ngân hàng (một số lô phát hành của các tổ chức đa ngành nghề nhưng mục đích sử dụng vốn là đầu tư bất động sản nên vẫn được xếp vào nhóm này).

Kỳ hạn bình quân của nhóm này là 3,7 năm và lãi suất bình quân là 10,3%/năm – cao nhất thị trường nếu loại trừ lô phát hành của Hồng Hoàng.

Hàng loạt dự án đang bị thanh tra kiểm tra đã khiến các doanh nghiệp bất động sản lao đao

Cũng theo báo cáo, nhà đầu tư cá nhân mua gần 11.000 tỉ đồng trái phiếu bất động sản, còn lại là các nhà đầu tư tổ chức. Trong đó các ngân hàng thương mại mua khoảng 19.000 tỉ đồng, các công ty chứng khoán mua 4.400 tỉ đồng, tổ chức nước ngoài mua 1.660 tỉ đồng các trái phiếu của Khang Điền, Phát Đạt, Đất Xanh. Còn lại được ghi chung chung dưới tên là “tổ chức trong nước” hoặc thiếu thông tin cụ thể.

Giới chuyên gia cho rằng, cần “tuýt còi” những doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất quá cao để thị trường này phát triển lành mạnh hơn.

Số liệu cập nhật từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho thấy, lũy kế 11 tháng của năm 2019, có 189 doanh nghiệp đã thực hiện 726 đợt phát hành trái phiếu, qua đó huy động được lượng vốn lên đến 233.000 tỉ đồng với kỳ hạn phát hành bình quân là 4,13 năm.

Hai nhóm đối tượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất trong năm qua là nhóm ngân hàng và bất động sản. Trong đó, các ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn trung và dài hạn qua kênh trái phiếu nhằm đáp ứng chuẩn Basel II cũng như lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của Ngân hàng Nhà nước.

Ngân hàng VPBank cũng là nhà băng thân thuộc với các doanh nghiệp khi phát hành trái phiếu.

Nhóm các doanh nghiệp bất động sản xem đây là một kênh để đa dạng hóa nguồn vốn khi hệ số rủi ro cho vay bất động sản được quy định ở mức cao, khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng.

Trong đó, một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu với mức lãi suất lên tới 14-14,5%/năm, có trường hợp lên đến 20%.

Về phía các doanh nghiệp, phát hành trái phiếu nếu thành công sẽ rất có lợi vì lãi suất dù cao hơn so với lãi vay ngân hàng, nhưng điều kiện lại dễ dàng hơn, thủ tục đơn giản, không cần tài sản đảm bảo.

Tuy nhiên, ở phía các nhà đầu tư, nhiều chuyên gia cho rằng mức lãi suất này là quá cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro với người mua.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA), cũng đồng quan điểm, cho rằng trái phiếu doanh nghiệp là một thị trường đầy tiềm năng. Đây cũng là một trong những kênh dẫn vốn quan trọng cho các doanh nghiệp bất động sản. Tuy nhiên, cần minh bạch thị trường trái phiếu để đây trở thành bệ đỡ cho doanh nghiệp bất động sản phát triển.

Nhiều doanh nghiệp bất động đang “đói vốn”, nhưng việc vay ngân hàng cũng không hề dễ. Nguyên nhân là do các ngân hàng hiện rất thận trọng trong việc cho doanh nghiệp bất động sản vay vốn, bởi thời gian tới có thể NHNN sẽ nâng hệ số rủi ro cho vay bất động sản từ mức 200% hiện nay lên mức 250%. Với quy định này, nếu tỷ lệ cho vay bất động sản nhiều thì hệ số CAR của ngân hàng sẽ giảm xuống không đạt mức quy định tối thiểu của NHNN là 9% hay theo tiêu chuẩn Basel II.

Bên cạnh đó nguồn vốn cho vay cũng bị hạn chế bởi theo Thông tư 19/2017/TT-NHNN, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ mức 45% về còn 40%. Việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn buộc các ngân hàng phải cân nhắc việc cho vay đối với những dự án có nhiều rủi ro trong giai đoạn hiện nay.

MBBank đổ tiền ôm trái phiếu hàng trăm tỷ của cáp treo Bà Nà

Yếu tố quan trọng khác là nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ khó “giải trình” minh bạch việc sử dụng vốn khi vay, bởi vì thực tế không ít doanh nghiệp bất động sản phải huy động vốn mới để trả nợ cũ. Một khi các dự án bị “đóng băng” do thanh tra, hoặc thị trường bất động sản gặp khó khăn thì dòng tiền từ kinh doanh khó trả được các khoản nợ đến hạn. Do đó, các doanh nghiệp phải đảo nợ để tránh nợ xấu là điều tất yếu và các ngân hàng cũng rất khó cho doanh nghiệp vay vốn để “đảo nợ”.

Bên cạnh các lý do trên, việc cho vay của ngân hàng cũng gặp không ít trở ngại bởi đang bị giới hạn trần chi tiêu tăng trưởng tín dụng.

Theo báo cáo tài chính của ngân hàng này thì đến cuối tháng 6/2019, tổng giá trị đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của Techcombank lên tới hơn 60.000 tỉ đồng. Phần lớn trái phiếu Techcombank đầu tư là thông qua công ty con là Chứng khoán Kỹ thương.

Trái phiếu mà Techcombank nắm nhiều nhất liên quan đến các Tập đoàn như Vingroup, Sun Group… Chẳng hạn, mới đây nhất, Techcombank đã mua 740 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm với lãi suất 10,3% của Công ty Cổ phần Dịch vụ cáp treo Bà Nà.

Các ngân hàng có lượng trái phiếu lớn khác là SHB với 24.000 tỉ đồng, BIDV với 22.600 tỉ đồng. Trong đó, một phần không nhỏ (hơn 6.000 tỉ đồng) trái phiếu BIDV đầu tư là trái phiếu cơ cấu lại nợ của Hoàng Anh Gia Lai. Các ngân hàng khác cũng có một lượng trái phiếu doanh nghiệp tương đối lớn là Vietinbank khoảng 18.900 tỉ đồng; Ngân hàng Quận đội (MB) 15.000 tỉ đồng.

Một số doanh nghiệp bị thiếu hụt dòng tiền trong hoạt động kinh doanh phải phát hành trái phiếu phải kể đến như Bất động sản Phát Đạt (PDR). Trong sáu tháng đầu năm, PDR đã phát hành ba đợt trái phiếu, trong đó đợt phát hành 200 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 1 năm hồi tháng 3 có lãi suất lên tới 14,5%, hai đợt phát hành trong tháng 5 với lần lượt 100 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 1 năm lãi suất 12% và 550 tỉ đồng trái phiếu kỳ hạn 5 năm lãi suất 10,5%. Đầu tư Văn Phú (VPI) phát hành 1.000 tỉ đồng; Kinh doanh Nhà Khang Điền (KDH) phát hành 900 tỉ đều với lãi suất 12%.

Từ ngày 11/11 đến nay, VinFast đã thông báo phát hành hàng chục loại trái phiếu, với khối lượng từng đợt khá nhỏ lẻ, phổ biến chỉ 95 tỷ đồng. Tổng giá trị huy động trái phiếu mà VinFast công bố trong đợt này lên tới hơn 4.000 tỷ đồng.

Riêng một đợt phát hành cao nhất là 475 tỷ đồng đối với trái phiếu VF11202201. Trái phiếu có kỳ hạn 36 tháng, lãi suất năm đầu tối đa 10%/năm. Lãi suất các năm tiếp theo bằng lãi suất tham chiếu + 4%/năm. Lãi suất tham chiếu là trung bình cộng của lãi suất tiết kiệm cá nhân kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng lớn Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank.

Đơn cử như VPB mua toàn bộ 1.598 tỉ đồng trái phiếu của Công ty City Garden và 125 tỉ đồng trái phiếu của Công ty Thương mại Du lịch và Dầu tư Cù Lao Chàm. Ngân hàng MB mua 60 tỉ đồng trái phiếu của Công ty Phú Tài.

Dù đã có sự tham gia của một số doanh nghiệp quy mô nhỏ hơn, song về bản chất, thị trường trái phiếu vẫn là cuộc chơi của các ngân hàng và tổ chức kinh tế tư nhân quy mô lớn. Ví dụ, Techcombank mua 1.340 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 7 năm của CTCP Dịch vụ Cáp treo Bà Nà (thành viên của Sungroup), PVCombank mua 1.300 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 4 năm của Novaland, Chứng khoán Kỹ thương (công ty con của Techcombank) mua 2.200 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm của CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc (thành viên của Vingroup).

MBBank chi nhánh Hoàng Quốc Việt vừa mua trọn lô trái phiếu 100 tỷ, kỳ hạn 8 tháng của Công ty cổ phần Dịch vụ Cáp treo Bà Nà vào ngày 31/1/2020. Trước đó, trong năm 2019, MBBank cũng đã đứng ra mua trọn 4 đợt phát hành trái phiếu của công ty này. Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, có tài sản đảm bảo, kỳ hạn tính lãi 3 tháng/ lần với lãi suất được tính bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm tham chiếu tại MBBank - Sở Giao dịch áp dụng cho khoản tiền gửi tiết kiệm trên 200 tỷ đồng (kì hạn 24 tháng) cộng với biên độ 2,9%/năm. Trước đó, trong năm 2019, MBBank - chi nhánh Hoàng Quốc Việt cũng đã mua trọn 4 đợt phát hành trái phiếu của Cáp treo Bà Nà, vào tháng 7, 8, 9, 11/2019 với tổng giá trị là 600 tỷ đồng. Trái phiếu có kỳ hạn 8 năm.

Không bất ngờ khi phần nhiều các doanh nghiệp hoạt động tích cực trên thị trường trái phiếu đều có "họ" bất động sản. Trong bối cảnh nguồn vốn tín dụng ngân hàng dần bị siết chặt, các doanh nghiệp địa ốc đang chuyển mạnh qua mảng trái phiếu, bởi dù phải chịu lãi suất cao hơn, nhưng trái phiếu mang tới sự linh hoạt đáng kể, khi có thể được giải ngân 1 lần và không chịu sự kiểm soát chặt chẽ như tín dụng ngân hàng.

Với lý do đó, lãi suất phát hành cho một số trường hợp đang được đẩy lên cao, vượt xa mức phổ biến từ 9-11%. Như lô trái phiếu PVCombank mua của Novaland có lãi suất 11,75% cho năm đầu, CTCP Vận chuyển Mercury (13%/ năm), CTCP Bông Sen (400 tỷ đồng lãi suất 12%/ năm), CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (450 tỷ đồng lãi 12%/ năm), CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest (VPBank mua 800 tỷ đồng trái phiếu lãi 12%/ năm) hay cá biệt là trường hợp của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt với lãi suất lên tới 14%/ năm.

Techcombank cũng ôm hàng loạt trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản bên cạnh những ngân hàng như MBBank, VPBank, PVcomBank

Nhìn nhận ở góc độ thị trường, lãi suất đạt được theo căn cứ thoả thuận giữa hai bên, giữa người cần tiền và người có tiền cho vay. Doanh nghiệp tính toán được tỷ lệ lợi nhuận đủ để bù đắp lãi vay mới chấp nhận mức lãi suất cao. Tuy nhiên ở khía cạnh quản lý nhà nước, lãi suất trái phiếu mà trên thực tế không khác lãi cho vay của các ngân hàng thương mại bị đẩy lên quá cao sẽ kéo theo lãi suất huy động, đồng nghĩa với thị trường tiền tệ bị biến dạng mà hậu quả nhãn tiền là lạm phát đi lên, tiền Đồng mất giá.

Tại phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về đổi mới và phát triển doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý hiện tượng doanh nghiệp phát hành trái phiếu với lãi suất rất cao, từ 12-14%/ năm là bất thường, và đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cùng Ngân hàng Nhà nước sớm có báo cáo cụ thể.

"Nếu vốn của doanh nghiệp mà dựa cả vào ngân hàng thương mại thì sẽ khó khăn. Do vậy, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp là bước tất yếu. Doanh nghiệp có nhu cầu vốn mà họ phát hành được thì tốt, tăng vốn cho nền kinh tế. Nhưng nếu có bất thường, thiếu minh bạch hoặc thiếu an toàn thì phải chấn chỉnh", Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, đưa ra băn khoăn về việc các ngân hàng thương mại có mua hay không, hay chỉ các nhà đầu tư tư nhân tham gia mua trái phiếu doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng đồng thời chỉ đạo Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan lưu ý cần dẫn vốn đúng mục tiêu với liều lượng phù hợp, không khuyến khích hiện tượng các doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu".

Kỳ tới: Những mối quan hệ thân quen và bí ẩn dòng tiền chạy vòng quanh

Bạn đang đọc bài viết Cạn tiền doanh nghiệp đi phát hành trái phiếu, nhà đầu tư cảnh giác 'con dao 2 lưỡi' tại chuyên mục Pháp luật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp luật