Hà Nội, Thứ Ba Ngày 10/12/2024

Hòa Bình: Dự án nghỉ dưỡng xây dựng không phép trên đất rừng, chính quyền làm ngơ?

TDVN 11:18 29/06/2021

Thời gian gần đây, tình trạng xẻ đồi, bạt đất rừng, xây dựng không phép các biệt thự nghỉ dưỡng diễn ra một cách ồ ạt, ngang nhiên trên địa bàn TP.Hòa Bình (tỉnh Hòa Bình).

Trong đó, Dự án Khu trang trại nông, lâm nghiệp kết hợp du lịch sinh thái Kami Cun Hill dù chưa được UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận chủ trương đầu tư, nhưng khu du lịch với những công trình kiên cố, quy mô đồ sộ đã mọc lên trên đất rừng.

Chưa phê duyệt đầu tư đã tiến hành xây dựng

Dự án Khu du lịch trang trại Nông nghiệp Happy Farm (nay là dự án Khu trang trại nông, lâm nghiệp kết hợp du lịch sinh thái Kami Cun Hill) được chủ đầu tư là Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Anh Đặng xây dựng trên khu đất rộng hơn 63.000 m2 tại tổ 4, phường Thống Nhất, TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.

Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình xác định trong tổng số hơn 63.000 m2 đất trên có 4,25 ha rừng sản xuất, 1,77 ha rừng phòng hộ và 0,31 ha ngoài quy hoạch lâm nghiệp. Sở NN&PTNT cũng đề nghị không chuyển đổi diện tích rừng tự nhiên hiện có sang mục đích khác theo quy định tại Điều 14 Luật Lâm nghiệp và Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII…

Trong hồ sơ đề xuất dự án đầu tư kèm theo văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư vào cuối tháng 11/2019, Công ty Anh Đặng ghi rõ: “Hiện trạng toàn bộ khu đất trên là đất rừng sản xuất công ty đã thỏa thuận nhận lại quyền sử dụng đất để thực hiện dự án. Nên ngay sau khi UBND tỉnh Hòa Bình chấp thuận Quyết định chủ trương đầu tư, Công ty sẽ làm việc ngay với các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình để chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thuê đất phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai đúng với kế hoạch Công ty đã đề ra”.

Đặc biệt, nhà đầu tư còn cam kết sẽ chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật Việt Nam và các quy định của Quyết định chủ trương đầu tư.

Tuy nhiên, mặc dù đến nay dự án này vẫn chưa được UBND tỉnh Hòa Bình và các đơn vị liên quan chấp thuận cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng sản xuất sang mục đích khác. Đồng thời, chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án; chưa được cấp phép xây dựng. Vậy nhưng, suốt 3 năm qua, chủ đầu tư vẫn ngang nhiên xẻ thịt đất rừng, xây dựng công trình “khổng lồ” bất chấp quy định của pháp luật.

Theo đó, các phương tiện cơ giới rầm rập đổ bộ lên khu vực đỉnh Cun để mở đường bê tông, phá núi, đào đất và tạo thành những đường đồng mức giật cấp. Trên hông đồi bằng phẳng có độ cao 298,8 m, Công ty Anh Đặng đã triệt hạ cây cối, cạo trọc vạt rừng, san ủi mặt bằng với diện tích rất lớn và làm biến dạng địa hình khu đồi rộng lớn ở khu vực đỉnh Cun.

Xe chở đá hộc, xi măng, sắt thép rầm rập được chuyển tới công trường để kè ta luy; kiến tạo một khu du lịch sinh thái có đẳng cấp, dự kiến bao gồm nhà nghỉ phục vụ khách tham quan; biệt thự nghỉ dưỡng, khu nhà ở cho nhân viên phục vụ, hồ bơi và các hạ tầng kỹ thuật…

Trách nhiệm của chính quyền ở đâu?

Liên quan đến công trình xây dựng trái phép trên, ông Lê Ánh Thép – Phó Chủ tịch UBND phường Thống Nhất cho biết: “Phường có lập hồ sơ, báo cáo thành phố, nhưng tỉnh với thành phố chủ trương là thu hút doanh nghiệp về địa phương… Xã báo cáo lên thì thành phố cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp”. “Các dự án to kiểu này không bao giờ quan tâm đến cấp xã đâu”.

Cũng theo ông Thép, nếu sử dụng đất sai mục đích thì cấp xã được phạt đến 5 triệu đồng; xây dựng trái phép thì được phạt đến 10 triệu đồng, đó chỉ là thủ tục hành chính.

Được biết hàng năm, tỉnh Hòa Bình vẫn chứng kiến các trận lở đất kinh hoàng, nhiều người đã bỏ mạng trước thiên tai. Thế nhưng, hệ sinh thái rừng vẫn bị tàn phá trước sự thờ ơ của các cấp chính quyền, mà dự án Kami Cun Hill do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Anh Đặng làm chủ đầu tư là ví dụ điển hình. Dù chính quyền xã Thống Nhất đã lập biên bản và báo cáo lên cấp thành phố và cấp tỉnh. Thế nhưng, những công trình phi pháp ngày một phình to.

Theo văn bản UBND xã Thống Nhất gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình ngày 26/12/2019, vị trí đầu tư dự án Khu trang trại nông, lâm nghiệp kết hợp du lịch sinh thái Kami Cun Hill của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Anh Đặng là đất lâm nghiệp theo bản đồ Quy hoạch rừng giai đoạn 2017 – 2025, định hướng đến năm 2030. Dự án chiếm 3/4 diện tích trên địa bàn xã Thống nhất, thuộc rừng sản xuất của một số hộ dân quản lý, sử dụng.

Đối với tác động tiêu cực của dự án về ảnh hưởng ô nhiễm môi trường, UBND xã Thống Nhất cho biết, khu vực xây dựng dự án nằm trên sông đồi, sườn đồi có độ dốc lớn, đầu nguồn của hai con suối nhỏ chảy về suối cái trên địa bàn xã Thống Nhất rồi đổ ra địa phận phường Thái Bình, xã Dân Chủ, xã Sủ Ngòi ra sông Đà qua địa phận dân cư sinh sống rất đông.

Có thể thấy, dự án không chỉ tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nếu không có biện pháp xử lý nước thải, mà còn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất; làm biến dạng địa hình dẫn đến nguy cơ lũ ống, lũ quét đe dọa an toàn cho TP.Hòa Bình.

Trong thông báo số 188 ngày 22/1/2020 về việc từ chối hồ sơ đề nghị quyết định chủ trương đầu tư dự án Khu trang trại nông, lâm kết hợp du lịch sinh thái Kami Cun Hill, Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ: “Đề nghị nhà đầu tư dừng tổ chức thi công xây dựng các hạng mục ở khu vực đề xuất thực hiện dự án”.

Đặc biệt, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh: “Trường hợp nhà đầu tư tiếp tục triển khai thực hiện thi công không đảm bảo các điều kiện về pháp luật về đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ xử lý theo quy định tại Nghị định số 50/2016/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư".

Thế nhưng, theo ghi nhận gần đây của các cơ quan chức năng, nhà đầu tư vẫn tổ chức cho công nhân xây dựng nhiều hạng mục công trình như xây dựng bể chứa nước rất lớn ngay sát sườn dốc Cun để dẫn nước vào dự án. Những công trình bê tông hóa, nhiều hạng mục xây dựng khác của dự án Kami Cun Hill vẫn tiếp tục mọc lên.

Dù UBND xã Thống Nhất (nay là phường Thống Nhất) đã lập biên bản về hành vi vi phạm của chủ đầu tư, đồng thời báo cáo lên các cấp có thẩm quyền. Nhưng cho đến nay, cơ quan chức năng của TP.Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình vẫn chưa có động thái xử lý hành vi sai phạm trắng trợn của Công ty Anh Đặng.

Luật sư Nguyễn Văn Hải – Đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết, Điều 12 Luật Đất đai năm 2013 quy định về những hành vi bị nghiêm cấm: Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai; Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được công bố; Không sử dụng đất, sử dụng đất không đúng mục đích…”.

Như vậy, có thể khẳng định việc cố ý hủy hoại và xây dựng công trình trái phép trên đất nói chung, đất rừng sản xuất, rừng phòng hộ của Công ty Anh Đặng là hành vi vi phạm pháp luật. Với hành vi này sẽ bị xử phạt theo khoản 2, 3 Điều 10 Nghị định 91/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Cũng theo luật sư Nguyễn Văn Hải, hành vi trên của công ty Anh Đặng không chỉ vi phạm các quy định về đất đai mà còn bị xử lý theo quy định của Luật Đầu tư. Cụ thể, theo điểm a Khoản 3 Điều 5 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc nhanh chóng và đưa ra những biện pháp cứng rắn để kịp thời ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật. Trong trường hợp này, thì cơ quan có thẩm quyền cần trực tiếp áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật.

Theo Kinh tế môi trường

Link gốc : https://kinhtemoitruong.vn/hoa-binh-du-an-nghi-duong-xay-dung-khong-phep-tren-dat-rung-chinh-quyen-lam-ngo-56847.html

Bạn đang đọc bài viết Hòa Bình: Dự án nghỉ dưỡng xây dựng không phép trên đất rừng, chính quyền làm ngơ? tại chuyên mục Pháp luật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp luật