Qua thanh tra, lãnh đạo Bộ Y tế khẳng định 3 nội dung tố cáo không có cơ sở, 1 nội dung không có cơ sở để xác minh, kết luận.
Dược sĩ Lê Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT, Tổng Công ty Dược Việt Nam - CTCP phát biểu tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên 2018, ngày 23/4/2018. Ảnh: Intetrnet |
Nội dung tố cáo 1: Tố cáo ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) Tổng Công ty Dược Việt Nam có dấu hiệu tham nhũng, không minh bạch của Tổng Công ty Dược Việt Nam về việc tổ chức tái cơ cấu trước và sau khi cổ phần hóa (CPH). Tổng Công ty Dược Việt Nam thực hiện CPH đã vi phạm Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011, không thông qua đại diện người lao động (NLĐ) (Ban Chấp hành Công đoàn Tổng Công ty Dược Việt Nam), không chia quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi cho 43 NLĐ tại Trung tâm Dịch vụ thương mại dược mỹ phẩm, gồm người có tên dự họp ngày 12/10/2016.
Về tố cáo ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dược Việt Nam có dấu hiệu tham nhũng, không minh bạch của Tổng Công ty Dược Việt Nam về việc tổ chức tái cơ cấu trước và sau khi CPH, căn cứ thông tin, tài liệu thu thập được và biên bản làm việc với người tố cáo, các cá nhân có liên quan, đoàn xác minh nhận thấy:
Trước khi CPH Tổng Công ty Dược (trước ngày 01/01/2014): Trước khi CPH, Tổng Công ty Dược Việt Nam hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu với hình thức công ty mẹ - công ty con. Tại thời điểm này, ông Nguyễn Quý Sơn là Chủ tịch Hội đồng Thành viên (HĐTV), ông Nguyễn Đức Sơn là Tổng Giám đốc. Ông Lê Văn Sơn là Ủy viên HĐTV, Phó Tổng Giám đốc (kiêm nhiệm) và hưởng lương, đóng bảo hiểm xã hội tại Công ty TNHH MTV Dược phẩm Trung ương 2, có trụ sở tại TP Hồ Chí Minh. Ông Lê Văn Sơn không tham gia vào Ban Chỉ đạo CPH Công ty mẹ - Tổng Công ty Dược Việt Nam.
Kết quả xác minh cho thấy, ngày 26/11/2015, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án CPH công ty mẹ - Tổng Công ty Dược Việt Nam. Tổng Công ty Dược Việt Nam đã tiến hành tổ chức hội nghị bất thường ngày 28/9/2015 để thông qua phương án CPH Tổng Công ty Dược Việt Nam, trong đó có đủ các thành phần Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐTV, Chủ tịch Công đoàn Cơ quan Tổng Công ty Dược Việt Nam, toàn thể cán bộ, nhân viên các phòng, văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí Minh, các trung tâm trực thuộc và đại diện CTCP Chứng khoán Quốc gia (NSI).
Tại biên bản ngày 29/8/2015 về hội nghị bất thường thông qua phương án CPH Tổng Công ty Dược Việt Nam, ghi rõ các ý kiến phát biểu, thảo luận của các đại biểu đại diện các bên liên quan đề cấp nhiều vấn đề trong đó có công tác nhân sự, việc kế thừa, trả lương, thưởng, các chế độ đãi ngộ cho NLĐ sau khi CPH, quyền được mua CPH của NLĐ theo số năm làm việc khu vực Nhà nước và số năm làm việc cam kết. Hội nghị đã thống nhất nhiều nội dung quan trọng trong phương án CPH Tổng Công ty Dược Việt Nam và biểu quyết thông qua việc ủy quyền cho Ban Lãnh đạo Tổng Công ty Dược Việt Nam được quyền điều chỉnh phương án trong trường hợp cần thiết mà không cần phải thông qua hội nghị NLĐ. Biên bản hội nghị đã được Thư ký, Chủ trì Hội nghị và đại diện NLĐ thay mặt Ban Chấp hành Công đoàn Tổng Công ty Dược Việt Nam ký tên.
Sau khi CPH Tổng Công ty Dược (sau ngày 01/01/2014): Ngày 08/12/2016, ông Lê Văn Sơn được bầu, bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT, người đại diện theo pháp luật của Tổng Công ty Dược Việt Nam - công ty cổ phần (CTCP) (theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (DN) CTCP, mã DN số 0100109385 đăng ký thay đổi lần thứ 5 ngày 08/12/2016).
Sau khi chuyển đổi hoạt động sang CTCP, Tổng Công ty Dược Việt Nam - CTCP hoạt động theo mô hình CTCP được quy định tại Luật DN, Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng Công ty.
Đoàn xác minh chưa thấy có văn bản nào của Tổng Công ty Dược Việt Nam - CTCP có chủ trương tái cơ cấu từ khi chuyển đổi sang CTCP đến nay.
Mặt khác, ngày 10/11/2017, Bộ Y tế có Văn bản số 6444/BYT-KHTC về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước về SCIC, nêu: Trong thời gian Bộ Y tế chưa chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Dược Việt Nam - CTCP về SCIC, đề nghị người đại diện phần vốn Nhà nước tại Tổng Công ty Dược Việt Nam - CTCP xem xét, biểu quyết việc không thay đổi quy mô và cơ cấu vốn điều lệ của DN, biểu quyết việc không bán vốn tại các công ty con, công ty liên kết theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 10382/VPCP-ĐMDN ngày 11/12/2015 của Văn phòng Chính phủ.
Với kết quả như đã nêu, đoàn xác minh nhận thấy không có cơ sở để nói rằng ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Dược Việt Nam - CTCP có dấu hiệu tham nhũng, không minh bạch của Tổng Công ty Dược Việt Nam liên quan đến tổ chức tái cơ cấu trước và sau khi CPH.
Về nội dung tố cáo Tổng Công ty Dược Việt Nam thực hiện CPH đã vi phạm Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011, không thông qua đại diện NLĐ (Ban Chấp hành Công đoàn Tổng Công ty Dược Việt Nam), không chia quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi cho 43 NLĐ tại Trung tâm Dịch vụ thương mại dược mỹ phẩm, gồm người có tên dự họp ngày 12/10/2016, căn cứ thông tin, tài liệu thu thập được và biên bản làm việc với người tố cáo, các cá nhân có liên quan, đoàn xác minh nhận thấy:
Về hoạt động của Trung tâm Dịch vụ thương mại dược mỹ phẩm: Trung tâm Dịch vụ thương mại dược mỹ phẩm là đơn vị có con dấu riêng, tài khoản riêng, mã số thuế riêng, quyết toán thuế riêng, có báo cáo tài chính riêng.
Ngày 08/7/2008, Tổng Công ty Dược Việt Nam ban hành Quyết định số 072/QĐ-TCTD về việc ban hành quy định “phân cấp quản lý về công tác tổ chức - lao động tiền lương” cho Trung tâm Dịch vụ thương mại dược mỹ phẩm. Nội dung quyết định ghi: Giám đốc Trung tâm chỉ đạo xây dựng Quy chế trả lương, Quy chế thưởng để áp dụng trong nội bộ Trung tâm; Trung tâm chịu trách nhiệm trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho NLĐ theo quy định của pháp luật hiện hành; giải quyết mọi chế độ chính sách đối với NLĐ (nghỉ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, nghỉ hưu, chấm dứt hợp đồng lao động…) theo quy định của Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành.
Quyết định nêu trên đã quy định NLĐ của Trung tâm được hưởng lương, đóng bảo hiểm do Trung tâm chi trả và không có tên trong bảng lương của Tổng Công ty Dược Việt Nam.
Ngày 23/01/2013, Trung tâm Dịch vụ thương mại dược mỹ phẩm đã ban hành Quyết định số 001/QĐ-TTD về việc ban hành Quy chế làm việc nội bộ. Tại Chương XVI của Quy chế có quy định rõ về đối tượng áp dụng khen thưởng, phúc lợi, cụ thể gồm: Các tập thể là các bộ phận, phòng, ban, quầy kinh doanh có thành tích trong công tác, kinh doanh của Trung tâm; các cá nhân là NLĐ trong Trung tâm có thành tích trong công tác, ý thức và kỷ luật lao động cao mang lại hiệu quả cho Trung tâm, chấp hành tốt nội quy, quy chế của Trung tâm.
Việc chi trả tiền lương, thưởng, phúc lợi tập thể của Trung tâm trên thực tế thể hiện ở việc Trung tâm đã có các quyết định, phiếu chi tiền thưởng kèm theo danh sách ký nhận cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện công tác tại các năm 2013 - 2014 nhân dịp các ngày lễ lớn của đất nước, của ngành.
Về chia Quỹ Khen thưởng phúc lợi cho NLĐ khi CPH DN: Quỹ Khen thưởng phúc lợi của Văn phòng Tổng Công ty được trích từ lợi nhuận sau thuế của Tổng Công ty (không bao gồm Trung tâm Dịch vụ thương mại dược mỹ phẩm) và dựa trên Quỹ Tiền lương của NLĐ Văn phòng Tổng Công ty. Do vậy, việc chia Quỹ Khen thưởng phúc lợi chỉ cho những NLĐ có tên trong bảng lương và tiền lương do Tổng Công ty chi trả.
Việc chia Quỹ Khen thưởng phúc lợi hàng năm của Tổng Công ty (không bao gồm Trung tâm Dịch vụ thương mại dược mỹ phẩm) đều có sự tham gia của Chủ tịch Công đoàn Cơ quan Tổng Công ty, được ghi Biên bản họp số 469/BB- TCTD ngày 26/11/2016 về việc chi tiền Quỹ Khen thưởng, Quỹ Phúc lợi.
Căn cứ Điều 19, Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011: “Số dư bằng tiền của Quỹ Khen thưởng, Quỹ Phúc lợi, sau khi bù đắp các khoản đã chi vượt quá chế độ cho NLĐ, được chia cho NLĐ đang làm việc ở DN tại thời điểm xác định giá trị DN theo số năm công tác tại DN CPH”.
Căn cứ khoản 3, Điều 4, Thông tư 33/2012/TT-BLĐTBXH ngày 20/12/2012 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội: “NLĐ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Thông tư này, có tên trong danh sách lao động thường xuyên của DN CPH tại thời điểm xác định giá trị DN (thời điểm khóa sổ kế toán, lập báo cáo tài chính để xác định giá trị DN) được chia số dư bằng tiền của Quỹ Khen thưởng, Quỹ Phúc lợi (bao gồm cả giá trị tài sản dùng trong sản xuất kinh doanh đầu tư bằng nguồn Quỹ Khen thưởng, Quỹ Phúc lợi) theo quy định tại khoản 5 Điều 14 và Điều 19 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP theo tổng số năm (đủ 12 tháng) làm việc thực tế của NLĐ tính từ thời điểm tuyển dụng đến thời điểm xác định giá trị DN để CPH. Đối với phần tháng lẻ của tổng số năm làm việcthực tế của NLĐ để tính chia số dư Quỹ Khen thưởng, Quỹ Phúc lợi lợi do DN quyết định”.
Ngày 04/9/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3717/QĐ-BYT về giá trị DN CPH Tổng Công ty Dược Việt Nam - công ty TNHH MTV, thời điểm xác định giá trị DN để CPH Tổng Công ty Dược Việt Nam là 0h ngày 01/01/2014 (tức là thời điểm 31/12/2013, thời điểm Tổng Công ty Dược Việt Nam khóa sổ kế toán, lập báo cáo tài chính để xác định giá trị DN). Việc chia Quỹ Khen thưởng phúc lợi theo các quy định nêu trên sẽ chỉ thực hiện đối với NLĐ có tên trong danh sách lao động thường xuyên tại thời điểm 31/12/2013.
Ngày 10/2/2015, Tổng Công ty Dược Việt Nam đã chuyển về tài khoản của Trung tâm Dịch vụ thương mại dược mỹ phẩm Quỹ Khen thưởng phúc lợi năm 2013 của Trung tâm với số tiền là 779.973.909 đồng, tương đương với 03 tháng tiền lương thực hiện năm 2013 của Trung tâm Dịch vụ thương mại dược mỹ phẩm (phiếu ủy nhiệm chi kèm theo).
Căn cứ chứng từ chi số tiền trên, Trung tâm Dịch vụ thương mại dược mỹ phẩm đã chi năm 2015, 2016 về các khoản chi thưởng A-B-C; chi Ngày Thầy thuốc Việt Nam; chi Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3 cho NLĐ nữ tại Trung tâm là 284.300.000 đồng (phù hợp với Điều 39 Nghị định số 71/2013/NĐ-CP ngày 11/7/2013) và thực hiện bù trừ phần chi Quỹ Khen thưởng phúc lợi đã chi năm 2013 là 493.087.500 đồng (số tiền chi này Tổng Công ty đồng ý để Trung tâm thực hiện chi và không thu của NLĐ do chi vượt Quỹ Khen thưởng phúc lợi.
Về việc thông qua đại diện NLĐ (Ban Chấp hành Công đoàn Tổng Công ty Dược Việt Nam): Biên bản họp số 677/BB-TCTD ngày 28/9/2015 của Tổng Công ty Dược về cuộc họp bất thường thông qua phương án CPH, có đủ các thành phần Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐTV, Chủ tịch Công đoàn Cơ quan Tổng Công ty Dược Việt Nam, toàn thể cán bộ, nhân viên các phòng, văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí Minh, các trung tâm trực thuộc và đại diện CTCP Chứng khoán Quốc gia (NSI). Nội dung biên bản hội nghị có các ý kiến thảo luận và đóng góp ý kiến của: Ông Nguyễn Văn Thảo - Chủ tịch Ban Chấp hành Công đoàn, bà Nguyễn Thị Hà - chuyên viên Phòng Tổ chức Hành chính, bà Vũ Kim Chi - Thư ký HĐTV, bà Đặng Lệ Thu - Kiểm soát viên, ông Nguyễn Đức Thắng - Trưởng Văn phòng Đại diện tại TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Đức Thịnh - Phụ trách Phòng Kế hoạch Đầu tư.
Phần giải đáp và tiếp thu các ý kiến của thành viên tham dự cuộc họp là ông Nguyễn Huy Thanh - Trưởng phòng Tổ chức Hành chính, ông Nguyễn Đức Sơn - Tổng Giám đốc, ông Nguyễn Quý Sơn - Chủ tịch HĐTV.
Kết luận của hội nghị: Biểu quyết 100% thông qua phương án CPH Tổng Công ty Dược Việt Nam và có tiếp thu, bổ sung các ý kiến góp ý của NLĐ để hoàn thiện phương án CPH Tổng Công ty Dược Việt Nam và biểu quyết 100% thông qua phương án bán cổ phần ưu đãi cho cán bộ nhân viên. Hội nghị thống nhất thông qua phương án sắp xếp, sử dụng lao động. Theo đó, số lao động sẽ chuyển sang làm việc tại CTCP là 101 người. Hội nghị biểu quyết 100% thông qua về việc ủy quyền cho Ban Lãnh đạo Tổng Công ty Dược Việt Nam được quyền điều chỉnh phương án trong trường hợp cần thiết mà không cần phải thông qua Đại hội NLĐ lần nữa. Biểu quyết 100% thông qua Dự thảo Nghị quyết Hội nghị NLĐ bất thường của Tổng Công ty Dược Việt Nam.
Biên bản đã được ông Nguyễn Đức Sơn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dược Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thảo - Chủ tịch Ban Chấp hành Công đoàn và bà Nguyễn Thị Hà - Thư ký Hội nghị ký.
Với kết quả xác minh như đã nêu, đoàn xác minh nhận thấy không có cơ sở để nói rằng Tổng Công ty Dược Việt Nam thực hiện CPH đã vi phạm Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011, không thông qua đại diện NLĐ (Ban Chấp hành Công đoàn Tổng Công ty Dược Việt Nam).
Theo Môi trường và Đô thị