Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 29/03/2024

Giải bài toán phát triển nguồn nhân lực ngành logistics Việt Nam

TDVN 10:38 03/09/2021

Nguồn nhân lực luôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững ngành logistics. Tuy nhiên, hiện nay nhân lực ngành logistics ở Việt Nam đang thiếu cả về số lượng và yếu về chất lượng.

Nguồn nhân lực còn thiếu và yếu

Những năm gần đây, tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam tăng trưởng khoảng 14-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Các chuyên gia nhận định, mặc dù cơ sở hạ tầng, công nghệ quản lý và môi trường chính sách đã được cải thiện, tuy nhiên vẫn cần được đẩy mạnh để bắt kịp trình độ phát triển của các nước đối tác và đối thủ cạnh tranh trong khu vực.

Nguồn nhân lực đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững ngành logistics. Ảnh minh họa.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 3.000 doanh nghiệp logistics và dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về logistics là trên 200.000 nhân lực. Trong khi đó, khả năng đáp ứng về nhu cầu nguồn nhân lực logistics chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu của thị trường. Hơn nữa, các doanh nghiệp logistics Việt Nam đến nay hầu hết có quy mô nhỏ và vừa, chỉ đáp ứng được các dịch vụ giao nhận, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan và gom hàng lẻ, chưa tham gia điều hành cả chuỗi logistics như các doanh nghiệp FDI.

Ông Mai Xuân Thiệu, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) cho biết, nguồn nhân lực luôn đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển bền vững ngành logistics. Tuy nhiên, hiện nay nhân lực ngành logistics ở Việt Nam đang thiếu cả về số lượng và yếu về chất lượng.

“Hệ thống giảng viên và cơ sở vật chất phục vụ đào tạo logistics vẫn còn thiếu và chất lượng chưa cao; chương trình đào tạo, nội dung đào tạo còn thiếu và chưa được chuẩn hóa, phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn Việt Nam và thương mại, hàng hải quốc tế; quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp chưa gắn kết trong đào tạo và tuyển dụng”, ông Thiệu nói.

Với thực tế đó, nhu cầu liên kết, bổ sung, hỗ trợ cho nhau sẽ giúp mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics, đáp ứng nhu cầu lao động xã hội. Phát triển nhân lực logistics đang là nhu cầu tất yếu, cấp bách để cùng đóng góp cho sự phát triển ngành logistics nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.

Cần định hướng phát triển

Theo PGS. TS Hồ Thị Thu Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam (VLI-VLA), nhân sự logistics phải được hoàn thiện bộ kỹ năng nghề với sự tham gia góp ý xây dựng từ phía nhà trường và cả doanh nghiệp. Mỗi cơ sở đào tạo nhân lực cho ngành này cần có sự quan tâm đến công tác đào tạo, nâng cao chất lượng giảng viên đặc biệt trong lĩnh vực logistics, thông qua các chương trình đào tạo ngắn hạn và cần chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực nhằm thích ứng với sự biến động và rủi ro.

Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cả về quy mô cũng như chất lượng, phục vụ tốt cho ngành logistics trong giai đoạn tới, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực cho logistics không chỉ là nhiệm vụ của các cấp quản lý, cơ sở đào tạo mà cần sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp, tổ chức trong việc cung cấp thông tin, xây dựng nhiều hình thức động viên khuyến khích như cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện giảng dạy, học tập…

“Cùng với thể chế chính sách, cơ sở hạ tầng, năng lực doanh nghiệp, công nghệ thì nguồn nhân lực là một khía cạnh nền tảng, mang tính chất căn cơ trong việc phát triển dịch vụ logistics bền vững. Đây sẽ là yếu tố then chốt, quan trọng và cấp thiết, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Về lâu dài, nhân lực sẽ là yếu tố quyết định giúp doanh nghiệp logistics Việt Nam nhanh chóng bắt kịp với các nước, nâng cao tính cạnh tranh, mở rộng thị trường trong nước, khu vực và quốc tế”, ông Hải cho biết

Ngoài ra, theo các chuyên gia, ngay từ bây giờ cần phải có định hướng phát triển nguồn nhân lực cho ngành logistics nhằm thích ứng trước những biến động và rủi ro. Đồng thời, cần nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về sự cấp thiết của việc xây dựng chiến lược nguồn nhân lực, để từ đó hướng đến sự phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành logistics Việt Nam.

Theo VietQ

Link gốc : https://vietq.vn/giai-bai-toan-phat-trien-nguon-nhan-luc-nganh-logistics-tai-viet-nam-d190792.html

Bạn đang đọc bài viết Giải bài toán phát triển nguồn nhân lực ngành logistics Việt Nam tại chuyên mục Doanh nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Doanh nghiệp