- Phòng vệ thương mại có ý nghĩa quan trọng thế nào với nền kinh tế cũng như doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, thưa ông?
- Các biện pháp phòng vệ thương mại (như chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ) được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại cho phép sử dụng để chống lại các hành vi cạnh tranh không công bằng như bán phá giá hoặc được trợ cấp, cũng như ngăn chặn việc hàng hóa nhập khẩu gia tăng đột biến, gây thiệt hại nghiêm trọng cho các ngành sản xuất trong nước. Đặc biệt, với các hiệp định thương mại tự do có mức độ cắt giảm thuế quan rất cao như EVFTA thì áp lực cạnh tranh với cả doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp EU trong một số lĩnh vực cũng sẽ cao hơn, do vậy nhu cầu sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại cũng sẽ tăng.
Thực tế, xu thế bảo hộ, xung đột thương mại đang diễn biến phức tạp, tác động nhiều mặt tới nền kinh tế toàn cầu, khu vực và Việt Nam. Tính đến hết tháng 3-2020, đã có gần 160 vụ việc phòng vệ thương mại do 19 quốc gia và vùng lãnh thổ khởi xướng điều tra với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Trong số đó, các nước khởi xướng điều tra nhiều nhất là Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, EU...
- Theo ông, khi EVFTA có hiệu lực dự kiến vào tháng 7 tới, phòng vệ thương mại của Việt Nam sẽ gặp phải những khó khăn gì?
- Khi EVFTA có hiệu lực, thương mại hàng hóa giữa hai nước sẽ gia tăng do đa số các dòng thuế nhập khẩu được đưa về mức 0%. Từ đó, có thể dự đoán rằng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và EU sẽ tăng nhanh, dẫn tới khả năng tăng số lượng vụ việc phòng vệ thương mại giữa hai bên. Bên cạnh đó, việc gia tăng số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại có thể tạo ra một số khó khăn nhất định cho cơ quan điều tra phòng vệ thương mại của Việt Nam do bị hạn chế về nguồn lực.
Ngoài ra, do các lợi ích mà EVFTA đem lại là rất lớn nên không loại trừ nguy cơ một số doanh nghiệp tìm cách gian lận xuất xứ hoặc lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại mà EU đang áp với nước khác để hưởng lợi bất chính. Trong bối cảnh đó, các hoạt động phòng vệ thương mại cần tập trung cảnh báo, ngăn chặn các hành vi bất hợp pháp này.
- Trong bối cảnh quốc tế có những diễn biến phức tạp về thương mại, số lượng các biện pháp bảo hộ tăng nhanh. Bộ Công Thương đã triển khai những giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài, thưa ông?
- Những năm gần đây, Việt Nam đã thực hiện nhiều công việc cần thiết. Cụ thể, Bộ Công Thương hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc tăng cường nghiên cứu, dự báo, cảnh báo các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Hằng tuần có bản tin cảnh báo sớm để đăng tải công khai, đồng thời gửi các hiệp hội doanh nghiệp để phổ biến cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ đã trình Chính phủ ban hành đề án xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Mặt khác, Bộ chủ động làm việc, phối hợp, thậm chí đấu tranh với các cơ quan điều tra nước ngoài ngay từ giai đoạn điều tra ban đầu để bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam. Qua đó, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu, trong đó có các ngành quan trọng như thủy sản, nông sản, thép, gỗ,...
Việt Nam đã thu được một số kết quả tích cực trong các vụ việc trên, như: Kháng kiện thành công 57/137 vụ việc đã kết thúc điều tra; bảo đảm nhiều mặt hàng của Việt Nam tiếp tục được xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU... với thuế suất bằng 0% hoặc ở mức rất thấp. Việt Nam cũng khiếu kiện 5 vụ ra cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO, trong đó 3 vụ đã kết thúc với kết quả tích cực.
- Để chủ động ứng phó có hiệu quả với các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài, Bộ Công Thương có khuyến cáo như thế nào với doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam?
- Việc thực thi EVFTA đòi hỏi các doanh nghiệp cần tìm hiểu, nắm vững các cam kết trong hiệp định, kể cả các quy định về phòng vệ thương mại để có thể chuẩn bị, khai thác các lợi ích mà hiệp định đem lại, đồng thời bảo vệ lợi ích chính đáng của mình. Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) sẵn sàng hỗ trợ các ngành sản xuất trong nước tìm hiểu các nội dung này.
Mặt khác, doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, đa dạng hóa sản phẩm, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường, đặc biệt là những thị trường thường xuyên sử dụng công cụ phòng vệ thương mại và đã từng kiện hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, cần chuyển dần từ cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu; có chiến lược rà soát giá bán phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá và phối hợp chặt chẽ với các bạn hàng tại nước sở tại để cập nhật thông tin.
Quan trọng hơn, khi đã có thông tin về vụ việc điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa liên quan, doanh nghiệp cần cập nhật tin tức và tích cực tham gia, hợp tác trong quá trình điều tra để tránh bị cơ quan điều tra sử dụng số liệu sẵn có, gây bất lợi khi đưa ra kết luận về vụ việc. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, hiệp hội, các doanh nghiệp trong ngành trong quá trình ứng phó vụ việc…
- Trân trọng cảm ơn ông!