Hà Nội, Thứ Tư Ngày 24/04/2024

Chân dung doanh nhân bị tố 'xù' thưởng đội tuyển bóng đá nữ

Diễn đàn DN 07:58 17/01/2020

Doanh nhân Đào Hữu Huyền bị tố “bùng” 500 triệu đồng "hứa" thưởng cho đội tuyển bóng đá nữ quốc gia vô địch Sea Games 30.

Top 150 người giàu nhất sàn chứng khoán

Ông Đào Hữu Huyền, sinh năm 1956, trước khi trở thành Chủ tịch DGC vào năm 2007, ông là Giám đốc Công ty TNHH Văn Minh. Năm 2009, ông Huyền kiêm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT CTCP Hóa chất Đức Giang – Lào Cai; năm 2012 làm Chủ tịch HĐQT CTCP Hóa chất Phân bón Lào Cai; năm 2015 làm Chủ tịch HĐQT CTCP Hóa chất Bảo Thắng.

Ông Đào Hữu Huyền được coi là đại gia mới nổi kể từ khi cổ phiếu DGC lên sàn vào năm 2014 và sau đó là DGL năm 2015. Thời điểm đó, ông lọt vào Top 30 người giàu nhất sàn chứng khoán nhờ sở hữu cổ phiếu DGC và DGL với tổng giá trị cổ phiếu là 700 tỷ đồng.

Tuy nhiên, hiện nay, với việc sở hữu 11,65% vốn công ty Đức Giang, ông Huyền có trong tay khoảng 362 tỷ đồng, nhờ vậy, ông góp mặt ở vị trí thứ 142 trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam.

Ông đứng sau bà Nguyễn Thị Như Loan, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai vài bậc và đứng trên ông Trầm Khải Hòa, con đại gia ngân hàng Trầm Bê.

Mặc dù vẫn duy trì được vị trí trong Top 150 nhưng ông Huyền có một năm mới không được tốt đẹp nếu xét về thị giá cổ phiếu. Chỉ sau 7 phiên đầu tiên của năm 2020, cổ phiếu DGC đã giảm 400 đồng/CP so với phiên cuối cùng của năm 2019.

Là cổ đông lớn nhất tại hóa chất Đức Giang

Ông Đào Hữu Huyền là người nắm số cổ phần lớn nhất tại Đức Giang hiện nay với 11,65% vốn công ty. Ông Huyền vừa là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc vừa là cổ đông lớn nhất tại Đức Giang.

Đã có thời Đức Giang là "con" của Vinachem nhưng sau khi cổ phần hóa, sở hữu của Vinacham giảm mạnh xuống chỉ còn 8,85%. Vì vậy, Vinachem là cổ đông lớn thứ hai tại Đức Giang, sau ông Đào Hữu Huyền.

Tại hóa chất Đức Giang, con trai ông Huyền, ông Đào Hữu Duy Anh cũng nắm vị trí lãnh đạo cấp cao.

Năm 2013, ông Đào Hữu Duy Anh trở thành trở lý Tổng giám đốc khi mới 25 tuổi. Sau khi làm việc được 3 tháng, nam 8X được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng giám đốc rồi bước chân vào Hội đồng quản trị.

Ông Đào Hữu Duy Anh còn là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Công ty cổ phần Hóa chất Đức Giang Đình Vũ, Ủy viên Hội đồng quản trị Công ty cồ phần Hoá chất Bảo Thắng và ủy viên HĐQT Công ty cổ phần Phốt pho Apatit Việt Nam.

Liên tục mua vào cổ phiếu DGC nên tài sản trên thị trường chứng khoán của ông Duy Anh không hề nhỏ, đạt khoảng 135 tỷ đồng. Tuy nhiên, số tiền này không đủ đưa ông vào Top 200 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam nhưng giúp ông có vị thế lớn trong danh sách Thế hệ F2 giàu nhất sàn chứng khoán.

Ngoài ra, các thành viên gia đình ông Huyền cũng nắm một tỷ lệ vốn khá lớn tại Đức Giang.

Cụ thể, ông Đào Hữu Kha, em trai Chủ tịch Đào Hữu Huyền, nắm giữ 4,52 triệu cổ phiếu; bà Ngô Thị Ngọc Lan, vợ Chủ tịch HĐQT, nắm giữ 1,1 triệu cổ phiếu. Ngoài ra, con gái ông Đào Hữu Huyền là bà Đào Hồng Hạnh sở hữu hơn 22,7 nghìn cổ phiếu DGC, em gái ông Huyền là bà Đào Thị Quyên cũng đang sở hữu trên 50 nghìn cổ phiếu. Con trai ông Huyền là Đào Hữu Duy Anh nắm giữ hơn 2,5 triệu cổ phiếu.

Hóa chất Đức Giang đang kinh doanh ra sao?

CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang tiền thân là Công ty Hóa chất Đức Giang, một doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Tổng cục hóa chất Việt Nam được thành lập tử năm 1963, có trụ sở đặt tại số 18 ngõ 44 phố Đức Giang, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, Hà Nội.

Năm 2019, DGC gây bất ngờ khi đặt kế hoạch lợi nhuận giảm 20% so với thực hiện năm 2018. Cụ thể, năm 2018, doanh thu thuần của DGC đạt 6.090 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 872,8 tỷ đồng.

Năm 2019, DGC đặt kế hoạch doanh thu 6.812 tỷ đồng, tăng 11,8% so với kết quả 2018, nhưng lợi nhuận sau thuế là 700 tỷ đồng, giảm 20%.

Kết thúc 9 tháng đầu năm nay, DGC đạt 3.641 tỷ đồng doanh thu, giảm 12% so với cùng kỳ 2018; lợi nhuận sau thuế đạt 396,9 tỷ đồng, giảm 36% và mới hoàn thành gần 46% kế hoạch lợi nhuận đặt ra cho cả năm.

Giải thích cho đà sụt giảm doanh thu này, Đức Giang cho biết nguyên nhân là do tình hình tiêu thụ các sản phẩm Phốt pho vàng (P4) và Axit trích ly (WPA) giảm so với cùng kỳ năm 2018.

Việc giảm tiêu thụ P4 là do cuộc chiến thương mại Mỹ Trung dẫn tới mặt hàng điện thoại di động và các mặt hàng điện tử khác giảm về số lượng. Còn việc giảm tiêu thụ WPA là do tình hình sản xuất nông nghiệp trong và ngoài nước gặp nhiều khó khăn do điều kiện thời tiết không thuận lợi, sản xuất cung vượt cầu.

Có thể thấy, cuộc chiến thương mại Mỹ Trung đã tác động rất nhiều tới Đức Giang. Nhiều khả năng, biến động này đang và sẽ tiếp tục lấy đi nhiều doanh thu của Đức Giang vì cuộc chiến này dù đã lộ diện thỏa thuận giai đoạn 1 nhưng giới đầu tư chưa kỳ vọng nhiều vì các thông tin chi tiết chưa được tiết lộ.

Liên quan đến vụ việc thưởng 500 triệu cho đội tuyển nữ Việt Nam, sáng 13/1, lãnh đạo Công ty Đức Giang đã xuống nơi tập luyện của đội bóng đá nữ Việt Nam với ý định trao tiền nhưng bị từ chối.

Trước đó, Công ty Đức Giang từng đến VFF trao bảng thưởng 500 triệu đồng cho đội tuyển nữ Việt Nam. Thông tin này cũng được công ty thông tin trên website của mình từ tháng 12/2019. Thế nhưng, đến lúc được yêu cầu chuyển tiền thì lãnh đạo công ty Đức Giang lại yêu cầu ban huấn luyện tuyển bóng đá nữ Việt Nam phải công bố chi tiết mức chia thưởng.

Trao đổi với Zing.vn, lãnh đạo Công ty Đức Giang, cho biết đơn vị này muốn xem bảng chia thưởng sau đó sẽ chuyển tiền trực tiếp cho các cầu thủ mà không thông qua VFF. Tuy nhiên, phía đội tuyển không đồng ý.

Theo ông Hưng, việc đánh giá phân loại các cầu thủ để chia thưởng như thế nào thuộc trách nhiệm của đội bóng. Doanh nghiệp muốn chuyển thẳng phần thưởng đến tay các cầu thủ để đảm bảo tính minh bạch.

Về việc liệu công ty có thực hiện cam kết trao thưởng hay không, đại diện Đức Giang cho rằng “đang đợi danh sách, nếu có thì vẫn trao”.

Vị này cũng chia sẻ trong ngày 13/1, Công ty Đức Giang sẽ giải quyết việc trao thưởng, cũng như cách trao cho các cầu thủ.

Theo Thanh Niên, sáng 13/1, lãnh đạo Đức Giang đã gọi điện cho Ban Huấn luyện đội tuyển bóng đã nữ Việt Nam để muốn trao tiền mặt 500 triệu đồng, nhưng đội đã từ chối nhận khoản tiền này.

Báo Lao Động dẫn lời huấn luyện viên Mai Đức Chung cho biết đội nữ Việt Nam xin từ chối nhận khoản tiền thưởng bởi cách thưởng kiểu "ban ơn" của doanh nghiệp.

Theo quan điểm của ông Chung, "của cho không bằng cách cho. Chúng tôi cũng cảm thấy bị tổn thương và như bị xúc phạm nếu phải nhận cách cho như kiểu ban ơn. Tôi xin cảm ơn công ty Đức Giang vì đã có ý định thưởng nhưng giờ, xin không nhận khoản thưởng này nữa".

Chiều 13/1, đại diện Hóa chất Đức Giang xác nhận với Zing.vn việc sáng nay, doanh nghiệp đã mang số tiền 500 triệu đồng hứa thưởng sang trao nhưng đội tuyển nữ không nhận.

Trước đó, đại diện lãnh đạo VFF cho biết sẽ làm việc với ban huấn luyện đội tuyển nữ và phía công ty, tìm tiếng nói chung giữa 2 bên, tránh sự việc bị đẩy đi quá xa làm mất đi ý nghĩa, giá trị tốt đẹp ban đầu.

Sau khi giành ngôi hậu tại SEA Games 30, đội tuyển nữ Việt Nam được các tổ chức, cá nhân hứa thưởng khoảng 22 tỷ đồng, cùng một số hiện vật và dịch vụ. Hơn 1 tháng từ ngày SEA Games 30 kết thúc, chỉ còn Hóa chất Đức Giang chưa thực hiện cam kết thưởng.

Hiện tại, tuyển nữ Việt Nam đang hướng tới mục tiêu tranh vé tham dự Olympic Tokyo 2020. Vòng loại cuối cùng sẽ diễn ra từ 3-9/2 tại Hàn Quốc.

Link gốc : https://enternews.vn/chan-dung-ong-chu-cong-ty-duc-giang-bi-to-xu-thuong-doi-tuyen-bong-da-nu-165067.html

Bạn đang đọc bài viết Chân dung doanh nhân bị tố 'xù' thưởng đội tuyển bóng đá nữ tại chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Tập đoàn, cổ phần, tư nhân