Hà Nội, Thứ Sáu Ngày 26/04/2024

Quy hoạch Hà Nội nhìn từ loạt sai phạm tại CĐT dự án Vinadic Cầu Diễn

REATIMES 14:21 18/01/2021

Từ loạt sai phạm trong việc thi công, xây dựng sai thiết kế, "bóp méo" quy hoạch đã và đang tồn tại, đến nay dự án Vinadic Cầu Diễn còn lộ thông tin giao dịch bất động sản có dấu hiệu trốn thuế.

Lời tòa soạn: Nhiều năm qua, những sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng đã trở thành vấn đề nhức nhối tại Hà Nội. Trước tình trạng này, mới đây chính quyền thành phố đã có những động thái mạnh mẽ, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục các vi phạm đất đai.

Với mong muốn đồng hành cùng chính quyền Thủ đô trong công cuộc chống sai phạm liên quan đến đất đai và trật tự xây dựng, chúng tôi sẽ phản ánh đến độc giả những thông tin trung thực, chính xác nhất về công tác xử lý, khắc phục các vi phạm trên tại địa bàn Hà Nội. Tin rằng, với những hành động quyết liệt từ bộ máy chính quyền thành phố, các sai phạm này sẽ được xử lý triệt để trong thời gian tới.

Ung dung "bóp méo" quy hoạch - giao dịch BĐS có dấu hiệu trốn thuế

Từ loạt các dự án sai phạm tại Hà Nội bị bêu tên trên báo chí thời gian qua đã cho thấy rõ công tác quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, trật tự xây dựng tại Thủ đô chưa được chú trọng đúng mức; việc kiểm tra thực hiện quy hoạch chi tiết được duyệt, quá trình triển khai thiếu kiểm tra đôn đốc các chủ đầu tư có dấu hiệu tự điều chỉnh quy hoạch; cơ quan có thẩm quyền không tiến hành hậu kiểm hoặc hợp thức cho sai phạm, để làm lợi cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến cộng đồng. Từ đó đã dẫn đến quy hoạch bị thêm thắt, bóp méo, dự án bị “biến tướng”, không theo trật tự gây nhiều hậu quả nặng nề cho hạ tầng khiến người dân vô cùng bức xúc.

Theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam nhấn mạnh thêm: “Việc các dự án sai phạm, chậm tiến độ, “câu giờ” chờ được hợp thức hóa, chờ “phạt cho tồn tại” gây áp lực chung lên kết cấu hạ tầng, tương lai sẽ phá vỡ tổng thể quy hoạch đô thị. Các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền cần rà soát và thanh kiểm tra các dự án “có vấn đề”, xử phạt nghiêm các sai phạm, ra quyết định thu hồi dự án nếu cần để không ảnh hưởng đến tiến độ chung trong định hướng phát triển quy hoạch của thành phố".

Dự án liền kề Phú Diễn (Phú Diễn Land) do Công ty Cổ phần phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam (Vinadic) làm Chủ đầu tư. Ảnh - Vân Anh

Về nguyên nhân dẫn đến những vi phạm xây dựng, sử dụng đất trên địa bàn Thủ đô còn kéo dài thời gian qua, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội - bà Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng nêu quan điểm, một phần là do lực lượng Thanh tra Xây dựng chưa làm hết trách nhiệm. Việc phối hợp với các quận, huyện, thị xã trong việc kiểm tra, đôn đốc còn lỏng lẻo, chưa rõ ràng, ý thức chấp hành của một bộ phận người dân chưa cao… Từ những nguyên nhân này, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị chủ tịch, bí thư ở các địa phương phải tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 08-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, các cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường trách nhiệm của đội quản lý trật tự xây dựng, kiên quyết xử lý triệt để sai phạm cũ, không để phát sinh vi phạm mới.

Thế nhưng, bằng cách nào đó Dự án liền kề Phú Diễn (Phú Diễn Land) nằm trên mặt đường, phía gần cuối đường Phú Diễn do Công ty Cổ phần phát triển đầu tư xây dựng Việt Nam (Vinadic) làm Chủ đầu tư đã và đang xây dựng sai phép, hợp thửa, sai thiết kế được phê duyệt... vi phạm về TTXD nghiêm trọng.

Tại căn liền kề ký hiệu D2, D4 dự án Vinadic Cầu Diễn có dấu hiệu gộp khối, dựng thêm hệ khung sắt phía sau nhà để làm quán cà phê. Ảnh-Vân Anh

Cụ thể: Công ty Vinadic là Công ty con của Tập Đoàn AMACCAO có địa chỉ tại Tầng 4, Toà nhà Vườn Đào, 689 Lạc Long Quân, Tây Hồ, Hà Nội. Dự án án Vinadic Cầu Diễn có địa chỉ tại Số 88 Trại Gà, Phường Phú Diễn, Quận Bắc, Từ Liêm, Hà Nội do Công ty CP Phát triển Đầu tư Xây dựng Việt Nam (gọi tắt Vinadic) làm Chủ đầu tư. Tập đoàn AMACCAO có tên gọi đầu tiên là Công ty CP Phát triển Đầu tư Xây dựng Việt Nam. Hiện tại, AMACCAO có 05 cụm công nghiệp (chỉ có các nhà máy sản xuất của tập đoàn AMACCAO) bao gồm: 16 nhà máy được đặt tại Hà Nội, Thái Nguyên, Hà Nam, Lai Châu & 21 Công ty thành viên…Vinadic được Tập đoàn AMACCAO cho đứng tên với vai trò là Chủ đầu tư Dự án Vinadic Cầu Diễn sau khi tập đoàn này nhận chuyển nhượng lại dự án từ Công ty Việt Hà.

Được biết, dự án Vinadic Cầu Diễn có diện tích 9.120m2 với 51 lô liền kề được xây dựng 3 tầng, 1 tum. Tổng mức đầu tư của dự án là 270 tỷ đồng.

Theo như giới thiệu ban đầu của nhân viên kinh doanh tại dự án Vinadic Cầu Diễn cho biết, dự án có các 60m2, 70m2, 80m2, 96m2, 120m2 xây thô hoàn thiện mặt ngoài và có giá giao động từ 6 tỷ trở lên.

Diện tích căn 60m2 có giá khoảng 6 tỷ đến 6.5 tỷ đồng, song khách hàng làm thủ tục mua bán thì số tiền ghi trong hợp đồng chỉ còn 4 tỷ đồng. Đối với căn 70m2 có giá từ 7.6 tỷ đến 7.7 tỷ đồng, nhưng con số thực tế ghi trên hợp đồng mua bán là 5.5 tỷ đồng. Số tiền còn lại sẽ đưa ra ngoài và tính là chi phí phát triển dự án để lách thuế, khi khách làm sổ đỏ thì sẽ đỡ thuế sang tên mà bản thân chủ đầu tư cũng đỡ được thuế doanh nghiệp.

Ngoài việc vi phạm nghiêm trọng về xây dựng sai quy hoạch, thiết kế, Chủ đầu tư Vinadic còn có dấu hiệu vi phạm luật kinh doanh bất động sản, với hình thức giao dịch mua bán với khách hàng không chịu thuế phí theo quy định của nhà nước.

Ngoài việc vi phạm nghiêm trọng về xây dựng sai quy hoạch, thiết kế, Chủ đầu tư Vinadic còn có dấu hiệu vi phạm luật kinh doanh bất động sản, với hình thức giao dịch mua bán với khách hàng không chịu thuế phí theo quy định của nhà nước. Ảnh-Vân Anh

Hiện trạng, sau khi cư dân đi vào sử dụng các căn hộ đã bị biến tướng. Tại căn liền kề ký hiệu D2, D4 dự án Vinadic Cầu Diễn có dấu hiệu gộp khối, dựng thêm hệ khung sắt phía sau nhà để làm quán cà phê. Khu M cư dân đã tự ý làm chuồng cọp, tiến hành xây dựng thêm tầng lửng không đúng theo thiết kế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, và toàn bộ khu biệt thự tại khu M tầng 1 đều xây sai so với thiết kế.

Theo đó, tại phần tầng 1 của các căn biệt thự tại dự án Vinadic Cầu Diễn được thiết kế có chiều cao lên tới gần 6 mét. Lợi dụng điều này, chủ đầu tư đã cho các hộ gia đình tự ý chia đôi tầng 1, xây dựng tầng lửng không có trong thiết kế được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Tác động xấu đến quy hoạch, gây thất thu ngân sách Nhà nước

Theo ông Bùi Văn Doanh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, việc hàng loạt dự án “sống lại” do các sai phạm trước đó được hợp thức hóa xuất phát từ nguyên nhân chính là là lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

“Một ngôi nhà xây dựng không phép, sai phép, gia chủ “chạy chọt”, tất nhiên là phải có tiền lót tay, thậm chí còn có cái lệ bất thành văn “lót tay” theo diện tích vi phạm. Cơ quan chức năng “nể nang”. Thế là nảy sinh ra cái gọi là “phạt cho tồn tại”. Từ ngôi nhà đơn lẻ, căn bệnh ấy không được xử lý kiên quyết đã lây lan sang cả dự án. Dự án đã được lập quy hoạch, trong đó có khống chế chiều cao, số tầng, mật độ xây dựng, quy hoạch đất công cộng, đất cây xanh, đất hạ tầng xã hội. Nhưng chủ đầu tư không thực hiện đúng, xây dựng sai quy hoạch. Cơ quan chức năng vào cuộc, sau khi “thương thảo” thì lại dẫn đến “phạt cho tồn tại”.

Khi công trình, dự án được xử lý theo kiểu “phạt cho tồn tại”, nghĩa là không bị dỡ bỏ, khôi phục nguyên trạng hoặc theo đúng giấy phép, đúng quy hoạch, thì trước tiên là chủ đầu tư có lợi. Không những không mất công phá dỡ, không mất chi phí đã đầu tư vào công trình sai phép mà còn có cái lợi lớn hơn là tăng được diện tích sàn xây dựng. Còn cán bộ liên quan đến việc “cho tồn tại” chắc chắn cũng không thể chỉ “nghe nói suông” mà phải có lợi ích nào đó. Vậy là “đôi bên cùng có lợi”, nhưng là lợi cho cá nhân, cho nhóm lợi ích, còn xã hội và Nhà nước thì mất rất nhiều” – ông chia sẻ.

Hình thức giao dịch bất động sản tại dự án Liền kề Phú Diễn của chủ đầu tư Vinadic có nhiều dấu hiệu trốn thuế từ khoản tiền chênh lệch không nằm trên hợp đồng mua bán?!. Ảnh-Vân Anh

Nguyên nhân thứ hai được Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam đưa ra là thực trạng trên có xuất phát từ sự coi thường pháp luật. Việc xây dựng không phép, sai phép không được chấn chỉnh mà xử lý theo kiểu “phạt cho tồn tại” dẫn đến việc coi thường pháp luật. Người này làm được, người khác cũng làm theo, dẫn đến tình trạng này diễn ra tràn lan.

Về phía cơ quan chức năng, việc quyết định “phạt cho tồn tại” là không đúng pháp luật, đáng lẽ phải được chấn chỉnh, xử lý kịp thời. Tuy nhiên, do xuất phát từ lợi ích nhóm nào đó nên sự việc không được ngăn chặn, dần dần nó trở thành phổ biến và bình thường hóa luôn cả hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan chức năng. Do đó, theo ông Bùi Văn Doanh, nguyên nhân sâu xa của tình trạng “phạt cho tồn tại” là do thực hiện pháp luật không nghiêm.

Mặt khác, tại Nghị định số 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở đã quy định rất rõ phần xây dựng sai phạm trước tháng 10/2013 nếu phù hợp quy hoạch thì cho tồn tại nhưng chủ đầu tư phải đóng 40% lợi nhuận từ việc xây dựng sai phép mang lại, còn nếu không buộc phải tháo dỡ. Đối với công trình xây dựng sau tháng 10/2013, nếu vi phạm về xây dựng bắt buộc phải cưỡng chế, tháo dỡ phần xây dựng sai phạm.

Theo khoản 5 Điều 108 Luật Quản lý thuế quy định hành vi trốn thuế là “Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn”. Các bên ký nhiều hợp đồng (hợp đồng đặt cọc, hợp đồng chuyển nhượng, văn bản thỏa thuận…) mua bán tài sản với số tiền khác nhau, sau đó sử dụng hợp đồng giá thấp để khai thuế được xác định là những tài liệu không hợp pháp.

Người nộp thuế có nghĩa vụ: khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ thuế đúng thời hạn, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của hồ sơ thuế; cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế… Khi cơ quan nhà nước có cơ sở xác định hợp đồng mà người nộp thuế kê khai sai giá chuyển nhượng thực thì hợp đồng đó là không hợp pháp. Khi công an điều tra có chứng cứ chứng minh giá trị hợp đồng không đúng, các bên cố tình khai gian thì cá nhân, doanh nghiệp sẽ bị xử lý tội trốn thuế theo quy định pháp luật.

Pháp luật đã quy định rất rõ, vậy các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xem xét, rà soát triệt để các sai phạm trong việc thi công, xây dựng sai thiết kế, "bóp méo" quy hoạch đã và đang tồn tại ở dự án Vinadic Cầu Diễn. Đồng thời làm rõ khoản tiền chênh lệch trên các hợp đồng giao dịch mua bán bất động sản. Bởi khoản tiền chênh lệch mà không nằm trên hợp đồng giao dịch là doanh thu, thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp, cá nhân bắt buộc phải khai báo để nộp thuế đầy đủ chuyển nhượng bất động sản. Trường hợp khoản tiền hàng tỷ đồng không tồn tại trên hợp đồng thì chủ đầu tư, và khách hàng sẽ thực hiện nghĩa vụ thuế ra sao cũng là câu hỏi cần được cơ quan chức năng làm sáng tỏ.

Chính vì vậy, rất mong UBND quận Bắc Từ Liêm cần nhanh chóng kiểm tra, chỉ đạo làm rõ những vi phạm tránh để tình trạng “nhờn luật”, gây thất thu ngân sách Nhà nước tại địa phương và tác động xấu tới quy hoạch quận Bắc Từ Liêm nói riêng và thủ đô Hà Nội nói chung.

Link gốc : https://tieudungplus.vn/quy-hoach-ha-noi-nhin-tu-loat-sai-pham-tai-cdt-du-an-vinadic-20201231000000376.html

Bạn đang đọc bài viết Quy hoạch Hà Nội nhìn từ loạt sai phạm tại CĐT dự án Vinadic Cầu Diễn tại chuyên mục Pháp lý bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp lý bất động sản