Hà Nội, Thứ Bảy Ngày 23/11/2024

Sự “cẩu thả” trong nghiệp vụ và mối nguy

Nguyễn Triệu 18:53 23/12/2020

Agribank đã chấp nhận giải ngân vay vốn cho chủ nhân của 20 căn hộ, trong khi trước đó những căn hộ này được cho là đã thế chấp tại Ngân hàng khác.

Một dự án bắt đầu bằng nhiều nguồn vốn khác nhau

Dự án khu siêu thị, văn phòng giao dịch thương mại và nhà ở – gọi tắt là Dự án 317 Trường Chinh (tại địa chỉ 317 Trường Chinh, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) được phê duyệt từ năm 2004, bắt đầu triển khai xây dựng từ năm 2015. Theo thiết kế, Dự án có tổng diện tích đất là 3.720m2, được thiết kế gồm khối nhà văn phòng 7 tầng và khối nhà ở 24 tầng.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào xây dựng, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Dự án Quốc tế (gọi tắt là Công ty ICC) đã hợp tác, huy động nguồn vốn từ nhiều đơn vị khác nhau, trong đó có hai đối tác chính là Công ty TNHH Tân Hồng Hà (với vai trò là đơn vị góp vốn, triển khai xây dựng Dự án) và Ngân hàng TMCP Quốc dân (ngân hàng NCB – đơn vị triển khai việc giải ngân cho dự án).

Với vai trò là đơn vị góp vốn với chủ đầu tư, và trực tiếp triển khai xây dựng Dự án, Công ty Tân Hồng Hà (lúc này do ông Nguyễn Minh Khoa làm Chủ tịch HĐQT) ban đầu được Công ty ICC đồng ý cho huy động vốn từ bên ngoài theo thỏa thuận của hợp đồng.

Từ đó, ngày 03/8/2015, Công ty Tân Hồng Hà đã ký Hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Hợp tác và Đầu tư Bất động sản Linh Anh (Công ty Linh Anh). Ngay sau khi ký hợp đồng, Công ty Tân Hồng Hà đã dùng số tiền đặt cọc ban đầu của Công ty Linh Anh chuyển trả một phần cho Công ty ICC.

Đại diện của Công ty ICC cho biết, thời điểm đó, Công ty Tân Hồng Hà không có tiềm lực về tài chính. Để tiếp tục triển khai xây dựng Dự án, ông Nguyễn Minh Khoa đã mua lại 30.051 cổ phần ICC và đứng tên chủ tịch Công ty ICC. Sau đó, ngày 17/8/2016, ông Nguyễn Minh Khoa đại diện cho Công ty ICC, đem toàn bộ dự án thế chấp cho ngân hàng NCB để vay 87 tỷ đồng. Số tiền giải ngân được NCB chuyển thẳng vào tài khoản của công ty Tân Hồng Hà để thực hiện dự án.

Lúc này, đại diện pháp luật là bà Lại Kim Trang – chủ tịch HĐQT Công ty Tân Hồng Hà.

Một dự án được mang đi vay vốn hai ngân hàng

Theo thỏa thuận với Công ty Tân Hồng Hà, Công ty Linh Anh được quyền khai thác và bán các căn hộ của Dự án. Công ty Linh Anh sẽ thay mặt khách hàng thực hiện các nghĩa vụ tài chính, khi Hợp đồng mua bán được Sở Công Thương Hà Nội phê duyệt.

Thế nhưng, khi mẫu Hợp đồng mua bán căn hộ chung cư được chấp thuận, Dự án cũng dần được hình thành, Ngân hàng NCB (với vai trò là đơn vị giải ngân cho toàn bộ Dự án) cũng đã phát hành cam kết cho vay, và bảo lãnh người mua nhà tại 317 Trường Chinh, thì xuất hiện những rắc rối lớn.

Vào ngày 10/5/2017, Ngân hàng NCB phát hiện việc Tân Hồng Hà là đơn vị ký Hợp đồng mua bán căn hộ với khách hàng mà không phải chủ đầu tư là Công ty ICC, đồng thời Tân Hồng Hà cũng đã bán một số căn hộ cho khách hàng (không phải là Công ty Linh Anh). Số tiền thu được, đơn vị này không chuyển về tài khoản của ICC mở tại Ngân hàng NCB để trả nợ, chính vì thế ngày 25/12/2019 Ngân hàng NCB đã ra thông báo thu giữ tài sản để xử lý nợ.

Suốt từ năm 2017 đến nay, bà Lại Kim Trang – đại diện Công ty Tân Hồng Hà đã ký bán hàng chục căn hộ tại Dự án, tự nhận là chủ đầu tư Dự án mà không thông qua Công ty Linh Anh là đối tác góp vốn trực tiếp, Công ty ICC với danh nghĩa chủ đầu tư, hay Ngân hàng NCB là đối tác giải ngân cho Dự án.

Theo tìm hiểu của PV, đỉnh điểm vào ngày 30/12/2016 và ngày 07/01/2020, bà Lại Kim Trang đã sử dụng 20 Hợp đồng mua bán căn hộ mà bên bán là Công ty Tân Hồng Hà, còn bên mua là chính mình – bà Lại Kim Trang, để thế chấp cho Ngân hàng Agribank – Trung Yên, bảo lãnh vay hàng chục tỷ đồng từ Ngân hàng này.

Việc nhận thế chấp 20 căn hộ của Ngân hàng Agribank – Trung Yên đã bị những đơn vị liên quan phản đối quyết liệt. Đại diện Công ty Linh Anh cho biết “toàn bộ Dự án (trong đó có quyền tài sản hình thành trong tương lai) đã được Chủ đầu tư ICC thế chấp cho ngân hàng NCB, một khi Ngân hàng NCB chưa giải chấp thì Agribank Trung Yên không thể nhận thế chấp bất cứ tài sản nào của Dự án”.

Dự án này mặc dù đã được chủ đầu tư mang đi thế chấp vay vốn từ Ngân hàng NCB, tuy nhiên Agribank – CN Trung Yên vẫn phớt lờ và giải ngân cho hợp đồng thế chấp vay vốn của hàng chục căn hộ tại đây.

Cũng liên quan đến việc này, phía Công ty Linh Anh cho biết thêm ngày 25/12/2019 phía Ngân hàng NCB đã ra thông báo thu giữ tài sản để thu hồi nợ, việc làm này đã được niêm yết tại Dự án, UBND phường Khương Trung. Vậy khi nhận thế chấp, Ngân hàng Agribank Trung Yên có tiến hành kiểm tra, thẩm định Dự án theo đúng quy định không, nếu có thì tại sao không phát hiện ra?

Được biết, liên quan đến việc này, Công ty Linh Anh cũng đã gửi đơn tố cáo đến Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước; Cục Thanh tra, giám sát Ngân hàng TP. Hà Nội và Giám đốc Công an TP. Hà Nội, đề nghị cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ.

Việc làm trên của bà Lại Kim Trang có phải là vi phạm pháp luật hay không? Phía Ngân hàng Agribank – Trung Yên đã giải ngân đúng luật chưa?

Theo Kinh doanh và phát triển

Link gốc : https://kinhdoanhvaphattrien.vn/bai-hoc-tu-xay-dung-thuong-hieu-ngan-hang-khi-niem-tin-bi-danh-cap-su-cau-tha-trong-nghiep-vu-va-moi-nguy.html

Bạn đang đọc bài viết Sự “cẩu thả” trong nghiệp vụ và mối nguy tại chuyên mục Pháp lý bất động sản. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Pháp lý bất động sản