Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26 (AEM hẹp 26) sẽ bàn nhiều nội dung quan trọng, rà soát, thông qua và tiếp tục triển khai trong Năm ASEAN 2020, do Việt Nam làm chủ nhà. Trong đó, bao gồm các ưu tiên của Việt Nam về nội dung kinh tế trong hợp tác ASEAN để báo cáo lên Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 (dự kiến được tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 6-9/4/2020).
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chủ trì hội nghị. |
13 ưu tiên do Việt Nam đề xuất trong năm là Chủ tịch ASEAN 2020 được đưa ra thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 26 trước khi thống nhất các nhiệm vụ trọng tâm thực hiện trong năm nay.
Các ưu tiên này cơ bản dựa trên 3 định hướng chính: Thúc đẩy liên kết và kết nối kinh tế khu vực nội khối ASEAN; (Đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững; Nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của ASEAN. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid diễn biến phức tạp, phía Việt Nam đã đưa ra đề xuất: ASEAN cần có hành động chung nhằm duy trì chuỗi cung ứng trong ASEAN, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn cung nguyên vật liệu cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa…..
Trước đó, các đại biểu đã tham dự Hội nghị tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp với Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN.
Tại cuộc họp Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN lần thứ 83, Việt Nam được giao đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN 2020. Chủ đề chính của Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN là “ASEAN số vì sự phát triển bền vững”, tiếp nối chủ đề của Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN 2019 “Trao quyền ASEAN 4.0”, nhấn mạnh đến tác động của kỷ nguyên số; gắn kết phát triển kinh tế với phát triển xã hội bền vững, và bao trùm.
Chủ đề này cũng thể hiện tính tiên phong của cộng đồng doanh nghiệp: đổi mới, sáng tạo, có tinh thần trách nhiệm vì sự phát triển bền vững của khu vực”. Chủ đề này cũng phù hợp với chủ đề năm Chủ tịch ASEAN 2020 là “Gắn kết và Chủ động thích ứng”.
Trong đó khái niệm “gắn kết” phản ánh nhu cầu củng cố khối đoàn kết thống nhất của ASEAN, gia tăng liên kết và kết nối, đề cao ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN, đẩy mạnh quan hệ đối tác với cộng đồng toàn cầu, và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN.
Trong khi đó, khái niệm “chủ động thích ứng” nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo và khả năng thích ứng trước những thời cơ và thách thức gây ra do những chuyển biến nhanh chóng trong cục diện khu vực và thế giới…
ASEAN cần có hành động chung hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 |
Chủ đề lựa chọn cũng phù hợp với một số trọng tâm của kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN 2025 là chuyển đổi kỹ thuật số và phát triển bền vững. Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN thể hiện vai trò thúc đẩy kinh tế thế giới và góp phần xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN thành một môi trường năng động và nhiều cơ hội thông qua các dự án như: Dự án tăng cường, phát triển con người ASEAN và Kết nối nền tảng thương mại số; Dự án kết nối thương mại số; Dự án kết nối tăng trưởng thông minh trong ASEAN; Nâng cấp mạng lưới tư vấn cho các doanh nghiệp ASEAN.
Ngoài ra, Hội đồng tư vấn kinh doanh còn có sáng kiến đẩy mạnh thu hút đầu tư ASEAN thông qua thuận lợi hóa thương mại thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi như thương mại điện tử, du lịch, logistics..../.
Theo VOV