Hà Nội, Thứ Năm Ngày 21/11/2024

Bộ trưởng Y tế: Dịch không thể kết thúc trong 6 tháng đầu năm

TIỀN PHONG 06:57 20/02/2021

Dịch COVID-19 sẽ không thể kết thúc trong 6 tháng đầu năm 2021. Các địa phương phải chuẩn bị tất cả tình huống, kịch bản, không chủ quan, lơ là với phòng chống dịch

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, biến chủng SARS-CoV-2 của Anh gây bùng dịch ở Hải Dương lây lan nhanh, phải chặn, chứ không phải đuổi theo dịch. “Càng đuổi sẽ càng đuối”, ông nhận định. Bộ Y tế sẽ tăng cường biện pháp phòng chống dịch ở Hải Dương, tiếp tục cử đoàn chi viện. “Như đã nhận định ban đầu, đợt dịch lần này tương đối phức tạp do virus gây nên là biến chủng của Anh, tốc độ lây nhiễm tăng hơn 70%. Do đó, trong thời gian ngắn, chúng ta phát hiện nhiều ca bệnh. Thêm vào đó, ổ dịch đầu tiên xảy ra ở khu công nghiệp. Dịch xảy ra ngay trước và trong dịp Tết nên độ phức tạp càng cao hơn”, ông Long phân tích.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lưu ý, các tỉnh, thành phố phải chuẩn bị kịch bản về cách ly và giãn cách. Riêng với cách ly, các địa phương phải chuẩn bị phương án, kịch bản số lượng lớn người phải cách ly đột xuất trong một lúc. Theo đó, địa phương phải chuẩn bị cách ly trường hợp F1 trong cả tình huống ít và nhiều F1. Ông Long dẫn chứng, với ổ dịch Hải Dương, số lượng F1 cách ly vượt xa con số của Đà Nẵng. Hải Dương ngay từ đầu đã cách ly hơn 2.340 công nhân nhà máy Poyun. Đó là kịch bản mà các địa phương khác cũng phải đặt ra để ứng phó. Cùng đó, phải có kịch bản ứng phó dịch trong khu công nghiệp, trường học, bệnh viện…

“Quan điểm của Ban chỉ đạo và Bộ Y tế ngay từ đầu là phải cách ly triệt để F1, có thế mới tách mầm bệnh ra khỏi cộng đồng, ngăn chặn được dịch, bài học từ Đà Nẵng đã chứng minh quan điểm này”, ông Long nhấn mạnh. Địa phương cũng phải kiểm tra những cơ sở nào có thể dùng cho việc cách ly và lên kịch bản cho việc cách ly đó, từ giám sát, điều hành, cung cấp nhu yếu phẩm đến theo dõi sức khoẻ… Trong cách ly, phải phối hợp chặt chẽ với quân đội để hệ thống quân đội điều hành các cơ sở cách ly này. “Cách ly dân sự tốt nhưng có nơi chưa nghiêm nên có thể xảy ra lây nhiễm chéo”, ông nói và cho hay đó là lý do Bộ Y tế đề nghị lực lượng quân đội vào điều hành toàn bộ hệ thống cách ly ở các cơ sở lớn tại Hải Dương. Cùng đó, phải chuẩn bị tinh thần cho việc phải đưa số lượng lớn người không cách ly được ra khu vực lân cận theo chiến lược phòng thủ quân khu. Bộ trưởng Bộ Y tế đặt vấn đề về việc làm sao quản lý từng hộ dân để khi ổ dịch xảy ra trên địa bàn, cơ quan chức năng biết hết người đi, người đến, tình trạng cách ly.

Xét nghiệm - mấu chốt kiểm soát dịch

“Ở một số địa phương, Bộ phải điều động lực lượng tinh nhuệ vào để giải toả ban đầu. Đó là 1-2 địa phương, Bộ mới đáp ứng được nhu cầu xét nghiệm, nhưng nếu nhiều thì sao?”, ông Long đặt vấn đề. Ông đề nghị các tỉnh, thành phố quan tâm đặc biệt tới công tác xét nghiệm, điều hành trong lấy mẫu và điều phối xét nghiệm. Tất cả các nhân viên y tế phải được tập huấn lấy mẫu, chia nhỏ để lấy mẫu, tại gia đình, cộng đồng, tại khu cách ly… “Khoanh vùng rộng, lấy mẫu diện rộng, xét nghiệm nhanh và phong toả diện hẹp để tránh tác động lớn lên người dân, nhưng phải làm được xét nghiệm mới làm được. Xét nghiệm là mấu chốt trong kiểm soát dịch. Nếu xét nghiệm chậm, chúng ta sẽ chạy theo dịch, chứ không phải ngăn chặn dịch”, ông nhận định.

Về việc chuẩn bị phương án điều trị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị các địa phương trong tình huống phát hiện một hoặc vài ca bệnh phải có nhiều phương án. “Địa phương đừng coi vì không có ca bệnh mà không chủ động làm xét nghiệm, không làm sàng lọc, bởi nếu phát hiện càng sớm, tiến hành dập dịch càng nhanh. Nếu để một thời gian rồi mới xét nghiệm phát hiện ra thì ổ dịch đã phát triển nhanh rồi. Ổ dịch ở Công ty Poyun là một ví dụ. Phải liên tục giám sát, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia và hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế”, ông nói.

Bốn biến chủng

TS Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết, thế giới tiếp tục ghi nhận các biến chủng mới của SARS- CoV-2. Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 4 biến chủng gồm: D614G từ châu Âu (dịch tại Đà Nẵng); B.1.1.7 từ Anh (đang gây dịch tại Hải Dương); B.1.351 từ Nam Phi trên bệnh nhân người Nam Phi (BN1.422), nhập cảnh sân bay Nội Bài, Hà Nội từ Nam Phi ngày 19/12/2020 và A.23.1 từ Rwanda, châu Phi (tại sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM).

Link gốc : https://www.tienphong.vn/xa-hoi/bo-truong-y-te-dich-khong-the-ket-thuc-trong-6-thang-dau-nam-1795580.tpo

Bạn đang đọc bài viết Bộ trưởng Y tế: Dịch không thể kết thúc trong 6 tháng đầu năm tại chuyên mục Vấn đề hôm nay. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0989 285 285 Hoặc email: [email protected]
Tin cùng chuyên mục Vấn đề hôm nay