Ngành thời trang toàn cầu tạo ra một lượng rác khổng lồ. Theo một báo cáo của Quĩ Ellen MacArthur, cứ mỗi giây con người đổ hoặc đốt lượng rác quần, áo đủ lớn để chất đầy một xe tải.
Khi người tiêu dùng bước vào cửa hàng H&M ở trung tâm thành phố London, thứ đầu tiên họ thấy là một bộ đầm màu xanh dương thẫm, đầy hoa với giá khuyến mãi chỉ vỏn vẹn 4 bảng (4,8 USD). Bộ đầm không chỉ nổi bật với giá thấp, mà còn có một nhãn màu xanh với dòng chữ "ý thức môi trường".
Nhìn sâu vào bên trong, người mua sẽ thấy những thùng chứa quần, áo tái chế bên cạnh một bộ sưu tầm áo phông và đầm.
Cảnh tượng ấy khá phổ biến trong 4.473 cửa hàng của H&M trên toàn thế giới, vì tập đoàn muốn người dân nhìn nhận họ như một nhà bảo vệ môi trường.
H&M đang triển khai hàng loạt chương trình thúc đẩy bền vững, khuyến khích người tiêu dùng mang quần áo mà họ không dùng tới cửa hàng để tái sử dụng. Tập đoàn ở Thụy Điển công bố báo cáo bền vững từ năm 2002 và thực thi chương trình sử dụng cotton hữu cơ và nguyên liệu tái chế mang tên Conscious Collection từ năm 2010.
Gần đây, H&M công bố kế hoạch sản xuất mọi sản phẩm từ nguyên liệu tái chế hoặc nguyên liệu bền vững vào năm 2030. Họ cũng thành lập hàng loạt trạm tiếp nhận quần, áo cũ, đồng thời thử nghiệm dịch vụ thuê trang phục ở thành phố Stockholm.
Giống như các thương hiệu thời trang nhanh khác, mô hình kinh doanh cốt lõi của H&M phụ thuộc vào giá thấp, tốc độ tiêu dùng nhanh và xu hướng thay đổi nhanh. Tất cả yếu tố ấy mâu thuẫn trực tiếp với sứ mệnh bền vững của họ.
Ngành thời trang toàn cầu tạo ra một lượng rác khổng lồ. Theo tính toán trong một báo cáo của Quĩ Ellen MacArthur, cứ mỗi giây con người đổ hoặc đốt lượng rác quần, áo đủ lớn để chất đầy một xe tải. Quĩ Ellen MacArthur ra đời để thúc đẩy tính bền vững trong ngành thời trang nhanh.
"Khi một áo sơ mi có giá 5 USD, người dùng sẽ coi nó là sản phẩm dùng nhanh và vứt ngay. Chúng ta có xu hướng vứt những sản phẩm dệt may rẻ, dành cho đại chúng hơn những thứ đắt, dành cho số ít, theo một nghiên cứu về thói quen tiêu dùng năm 2009".
Đương nhiên H&M hiểu rõ vấn đề. Hendrik Alpen, giám đốc phụ trách các chương trình bền vững của tập đoạn, thừa nhận rằng ngành thời trang nhanh đang vật lộn để cân bằng cam kết khí hậu với nguyện vọng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.
"Năm 2040, dân số thế giới sẽ đạt 9 tỉ người, nghĩa là chúng tôi sẽ có thêm nhiều khách hàng tiềm năng. Song với giới hạn của hành tinh, có lẽ tiềm năng ấy khó trở thành hiện thực", Alpen bình luận.
H&M triển khai chương trình Conscious Collection vào năm 2010. Để đạt tiêu chuẩn gắn nhãn "có ý thức", sản phẩm dệt may phải có tối thiểu 50% nguyên liệu bền vững, như cotton hữu cơ hoặc polyester tái chế, theo trang web của H&M.
Nhiều người cáo buộc H&M lừa dối người tiêu dùng bằng cách công bố một cách mơ hồ về các tiêu chí của chương trình. Mùa hè năm ngoái, Cơ quan Bảo vệ người tiêu dùng Thụy Điển (NCA) gửi một thư tới H&M, nói rằng công ty mập mờ với người tiêu dùng với những tiêu chí không cụ thể trong chương trình Conscious Collection. Họ chỉ ra rằng H&M không nói rõ hàm lượng nguyên liệu tái chế trong từng sản phẩm dệt may.
"Chúng tôi nghĩ tập đoàn phải có thông tin về những sản phẩm mà họ dùng nguyên liệu tái chế, chẳng hạn như nó chiếm 2% hay 50% nguyên liệu", Elisabeth Lier Haugseth, tổng giám đốc NCA, phát biểu.
Hendrik Alpen nhận định H&M sẽ phải tiếp thu những lời chỉ trích và học cách truyền thông các giá trị tới người tiêu dùng.
Chương trình Conscious Collection tạo ra những sản phẩm xa xỉ như áo khoác từ vỏ dứa và polyester tái chế. Tuy nhiên, giá của nó lên tới 299 USD.
Mức giá 300 cho một áo khoác từ vỏ dứa và polyester tái chế cho thấy một thực tế: Mặc dù H&M nỗ lực tăng mức độ bền vững, họ không thể vừa nhân rộng các giải pháp bền vững, vừa giảm giá thành sản phẩm.