Thời gian gần đây xuất hiện thông tin một khách hàng phản ánh sự việc chiếc áo polo màu xanh được mua tại cửa hàng Giovanni (Hà Tĩnh) sau khi giặt qua nước lạnh bằng tay, dù không giặt xà phòng nhưng áo bị nhăn nhúm, cổ áo phía trong có biểu hiện bị mục, đứt phần lót. Sự việc đã gây không ít luồng dư luận trái chiều, thậm chí một số ý kiến nghi vấn về nguồn gốc sản phẩm của thời trang Giovanni.
Phóng viên đã nhập cuộc tìm hiểu để đưa đến cho bạn đọc những thông tin khách quan nhất xung quanh sự việc trên.
Vải được nhập từ Ý |
Nguyên liệu xuất xứ từ Ý
Trong suốt buổi trò chuyện với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Phi – Chủ tịch Tập đoàn Giovanni không giấu nổi trăn trở khi nhắc đến sự việc mà theo ông là "không đáng có" và đang bị đẩy đi quá xa bắt nguồn từ việc khách hàng "chưa hiểu hết sản phẩm của mình". Chúng tôi cảm nhận ở ông một DOANH NHÂN luôn đau đáu cho thời trang Việt, cho thương hiệu Việt trong bối cảnh đang phải vật lộn với vô vàn khó khăn hiện nay.
Ông chia sẻ, Giovanni là “đứa con tinh thần” ông luôn đau đáu nâng niu và chăm sóc. Với ông kinh doanh không đơn thuần là lợi nhuận mà điều ông muốn hướng đến chính là thỏa ước mơ xây dựng một thương hiệu Việt Nam, mang hơi thở và phong cách cao cấp của thời trang Ý.
Vị Chủ tịch của hãng thời trang hàng đầu tại Việt Nam đã bắt đầu câu chuyện như vậy trước khi đi vào chủ đề chính được chúng tôi đặt ra từ đầu cuộc phỏng vấn - nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu làm nên sản phẩm, điều mà gây không ít dư luận trái chiều trong thời gian gần đây. Ông giải thích: "Tại Ý, Filo di Scozia là hãng vải xa xỉ. Hãng này sở hữu CÔNG NGHỆ xử lý bề mặt vải thuộc hạng cao cấp bậc nhất Double Mercerization. Mercerization là kiềm hóa sợi vải bởi sợi cotton tự nhiên có cấu trúc sợi không đồng đều. Rất nhiều hãng thời trang cao cấp, xa xỉ cũng sử dụng công nghệ mercerization và gắn mắc mercerized cotton nhằm quảng bá công nghệ ưu việt này.
Tem nhãn đầy đủ về cách thức sử dụng |
Tuy nhiên, Filo di Scozia là hãng áp dụng công nghệ Double Mercerization, nghĩa là “kiềm hóa kép”, kiềm hóa đến 2 lần cho sản phẩm vải của mình. Đó chính là ưu điểm vượt trội của một thương hiệu vải xa xỉ của Ý mà không phải sản phẩm nào cũng có thể tự hào gắn lên tem nhãn dòng chữ “Double Mercerized” như một chỉ dấu của chất lượng hảo hạng.
Chưa hết, công nghệ Double Mercerization được sử dụng trên những sợi bông hết sức đặc biệt. Hằng năm, thế giới sản xuất 25 triệu tấn bông. Nhưng chỉ 1% trong số đó là bông Supima được trồng duy nhất và chỉ mọc được duy nhất tại Texas, Hoa Kỳ. Bông Supima có sợi tơ bông siêu dài, rất tròn và mịn. Chính ưu điểm này của bông Supima khiến tấm vải được dệt rất nhẹ, mỏng, mịn và mượt như tơ tằm, thoáng mát.
Nếu bông Supima là loại cực kì cao cấp thì còn hơn thế nữa - bông Mako lại thuộc hàng vật phẩm xa xỉ bởi bông Mako chỉ mọc ở vùng sông Nin, Ai Cập, sản lượng thuộc hạng hiếm bởi mỗi năm chỉ chiếm chưa đến 0.5% sản lượng bông toàn cầu. Chỉ có những sản phẩm thuộc hàng tuyệt hảo, có mức giá cao dành cho khách hàng thượng lưu khó tính, cầu toàn và am hiểu mới dùng sản phẩm từ loại bông này.
Filo di Scozia là hãng vải danh giá của Ý và chỉ có những thương hiệu hạng sang mới bỏ tiền đầu tư vào nguyên phụ liệu để sản phẩm của mình được mang tem vải “Filo di Scozia” “made in Italy” như một chứng thực của đẳng cấp và nỗ lực mang tới cho khách hàng sản phẩm hảo hạng.
Theo chia sẻ của ông Phi, Công ty Tessilmaglia đã mua li-xăng sản xuất hoặc phân phối chất liệu cho những hãng may mặc, thời trang cao cấp chủ yếu tại châu Âu, châu Á và Giovanni là một trong những hãng gần như duy nhất tại Việt Nam nhập khẩu loại chất liệu hảo hạng này. “Điều quan trọng, sản phẩm áo polo của nam khách hàng chính là được tạo nên từ bông Mako”, ông Phi cho biết thêm.
Người dùng cần thận trọng khi sử dụng các sản phẩm cao cấp
Giải thích về việc khách hàng phản ánh sản phẩm bị nhăn sau khi giặt, ông Phi không phủ nhận, tuy nhiên ông cho biết, sản phẩm được làm từ bông Mako mang đến cho người dùng sự thoải mái, thấm hút mồ hôi cực tốt, giúp thoáng mát như làn da thứ 2, điều mà các sản phẩm được làm từ chất liệu poliester khó sánh kịp. Nhưng bản chất cotton là dễ nhăn nhàu nên việc sử dụng, bảo quản cũng cần được chú ý.
Cụ thể, với những sản phẩm được làm từ bông Mako khách hàng nên giặt tay, không giặt chung với các sản phẩm khác màu vì dễ bị phai, không sử dụng chất tẩy rửa mạnh vì dễ bạc màu, phơi sản phẩm trên mặt phẳng và phải là hơi trước khi mặc. Hoặc có thể giặt khô, giặt máy với túi giặt nhưng không vắt sấy bằng máy.
Chị Thanh Tâm (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cho biết: "Tôi thường mua sản phẩm của thương hiệu Giovanni làm quà tặng cho người thân, đối tác. Nhiều sản phẩm áo sơ mi, áo phông mọi người vẫn mặc bình thường. Khâu chăm sóc khách hàng cũng rất ổn, bất kể giờ giấc, tôi chỉ cần nhắn qua điện thoại không cần đến trực tiếp cửa hàng cũng có thể chọn được sản phẩm ưng ý”.
Bởi vậy, trước khi sử dụng các sản phẩm thuộc phân khúc xa xỉ, người tiêu dùng nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về đặc tính của sản phẩm nhằm bảo quản tốt và đem lại hiệu quả sử dụng tốt nhất.
“Người tiêu dùng hiện đại luôn tìm đến những sản phẩm cao cấp bởi giá trị lâu bền của chúng. Và việc hiểu về những đặc điểm, đặc tính của sản phẩm sẽ giúp người tiêu dùng cảm thấy chúng thật đáng tiền, bởi nói giống người Đức “tôi hà tiện, tôi mua đồ mắc tiền” là vì thế”, ông Phi nhấn mạnh.
Chủ tịch Tập đoàn Giovanni cũng cho rằng, mấu chốt để tạo dựng một thương hiệu sở hữu bởi người Việt mang hàm lượng sáng tạo cao đó là sáng tạo từ nội bộ và tích lũy giá trị truyền thống để phát triển bền vững và lâu dài.
Điều kiện cần thiết để đạt được điểm mấu chốt này là Giovanni Group phải sở hữu được bí kíp và kỹ nghệ sản xuất độc nhất mà không phải dựa vào hệ thống các nhà sản xuất đối tác. Đó là một chuỗi các quy trình xuyên suốt kết nối chằng chịt lẫn nhau để tạo ra giá trị cho khách hàng.
“Việc phát triển một thương hiệu suốt 15 năm qua để có như ngày hôm nay không hề dễ. Và ở vị trí như hiện nay không ai lại muốn đi bán cho khách hàng sản phẩm kém chất lượng, nhất là khi thương hiệu lại được xây dựng trên yếu tố chất lượng và sáng tạo là 2 giá trị cốt lõi”, ông chia sẻ.
Theo quan sát của phóng viên, trên nhãn sản phẩm áo Polo mang thương hiệu Giovanni cũng ghi rõ, sản phẩm đã được hợp quy theo quy chuẩn QCVN 01: 2017/BCT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may, đồng thời sản phẩm còn phù hợp với tiêu chuẩn cơ sở của Giovanni (G-00-003).